Dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long. Cùng dự có ông Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Shiratori Sho-Giám đốc Trung tâm giao lưu Nhật-Việt; đại diện lãnh đạo Trung tâm Xúc tiến đầu tư phía Nam tại Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo các huyện: Tây Sơn, Vĩnh Thạnh (tỉnh Bình Định); lãnh đạo các huyện: Đak Pơ, Kbang, Kông Chro, Mang Yang, thị xã An Khê cùng hơn 250 đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh.
1.843 tỷ đồng đầu tư vào khu vực Đông Gia Lai
Thông qua phóng sự “Đông Gia Lai-Khát vọng vươn xa và là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư” được trình chiếu tại hội nghị đã giúp các đại biểu hiểu thêm về đặc điểm tình hình, tiềm năng, lợi thế của các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai.
Ông Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai (bìa trái) cùng lãnh đạo Thị ủy An Khê (bìa phải) trao quyết định chủ trương đầu tư và tặng hoa các nhà đầu tư. Ảnh: An Phát |
Tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phước-Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy An Khê thông tin: Khu vực Đông Gia Lai có diện tích tự nhiên hơn 5.000 km2; nằm ở vị trí chiến lược-là cửa ngõ phía Đông của tỉnh, đóng vai trò đầu mối giao thương, kết nối Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung và Đông Nam bộ. Những năm gần đây, hạ tầng giao thông khu vực được nâng cấp khá đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông liên vùng trong tỉnh cũng như giữa tỉnh Gia Lai với cả nước và quốc tế.
Kinh tế của khu vực luôn tăng trưởng và phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tích cực, tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng, thương mại-dịch vụ tăng nhanh. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân toàn khu vực đạt 10,61% so với năm 2021; tổng thu ngân sách phát sinh trên địa bàn luôn đạt và vượt chỉ tiêu đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 43,12 triệu đồng/năm. Toàn khu vực hiện có 4 cụm công nghiệp đang hoạt động và 4 cụm công nghiệp mới được bổ sung quy hoạch.
Bí thư Thị ủy An Khê chia sẻ: “Khu vực Đông Gia Lai hiện có 65 dự án đang thực hiện kêu gọi thu hút đầu tư. Trong đó có 8 dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp; 11 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng; 35 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo; 11 dự án thuộc lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế và du lịch; 3 dự án thuộc lĩnh vực thương mại-dịch vụ. Năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 5 dự án với tổng mức đầu tư 849 tỷ đồng, 15 dự án đang được các cơ quan có thẩm quyền thẩm định, hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt".
Ông Nguyễn Hùng Vỹ-Phó Bí thư Thị ủy, Chủ tịch UBND thị xã An Khê (thứ 2 bên phải) cùng các nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư tại thị xã An Khê. Ảnh: An Phát |
Với tiềm năng, lợi thế của mình, cùng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, có thể nói các huyện, thị xã phía Đông của tỉnh đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Tại hội nghị, tỉnh Gia Lai trao quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho một số công ty, doanh nghiệp có 10 dự án đầu tư vào các huyện, thị xã phía Đông tỉnh với tổng mức đầu 1.843 tỷ đồng. Theo đó, huyện Kông Chro có 3 dự án với tổng mức đầu tư 570 tỷ đồng; huyện Đak Pơ có 2 dự án, tổng mức đầu tư 153 tỷ đồng; 2 dự án ở huyện Mang Yang có tổng mức đầu tư 655 tỷ đồng; huyện Kbang có 1 dự án đầu tư 50 tỷ đồng; thị xã An Khê có 2 dự án tổng mức đầu tư 415 tỷ đồng. Các địa phương đã ký kết và trao biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 19 dự án của 19 nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực như: Hạ tầng, nông nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch.
Cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp
Trong khuôn khổ hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; đại diện lãnh đạo 5 huyện, thị xã đã tham gia tọa đàm giải đáp một số vướng mắc của các nhà đầu tư.
Đại diện lãnh đạo các sở và đại diện lãnh đạo các huyện, thị xã phía Đông Gia Lai giải đáp thắc mắc cho các nhà đầu tư. Ảnh: An Phát |
Ông Hồ Cảnh Sơn-Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần kiến trúc cảnh quan sinh thái Phú Quốc (TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) cho biết: Qua những đợt gặp gỡ, khảo sát, tiềm kiếm cơ hội đầu tư tại tỉnh Gia Lai, chúng tôi thấy chính quyền địa phương nhiệt tình; tại các huyện, thị xã khu vực phía Đông Gia Lai còn nhiều cơ hội đầu tư, nhất là lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, tài nguyên rừng, chuỗi dịch vụ...Trước mắt, Công ty đăng ký đầu tư dự án Trung tâm thương mại tại thị xã An Khê và đã có chủ trương đầu tư, đơn vị sẽ thực hiện thêm một vài dự án tại thị xã An khê.
“Để thu hút các nhà đầu tư, địa phương phải tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp tiếp cận càng sớm càng tốt, nhất là vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng...để kích cầu đầu tư”-ông Sơn nói.
Hơn 250 đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh Gia Lai dự hội nghị xúc tiến đầu tư. Ảnh: An Phát |
Theo ông Lê Trọng-Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, qua hội nghị lần này hy vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư; các cơ quan, ban, ngành, chính quyền các huyện, thị phía Đông rút kinh nghiệm và điều chỉnh các nội dung trong quá trình thực hiện chủ trương thu hút đầu tư. Huyện cũng đề xuất các sở, ngành tháo gỡ các vướng mắc cho các nhà đầu tư trên lĩnh vực điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, giải phóng mặt bằng một cách đồng bộ. Đề nghị tỉnh dành một nguồn ngân sách nhất định để bổ sung cho các địa phương thực hiện công tác giải phóng mặt bằng hiệu quả.
“Tại hội nghị xúc tiến đầu tư lần này, huyện Mang Yang có 2 dự án chăn nuôi heo được trao quyết định chủ trương đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 650 tỷ đồng. Khi các dự án này triển khai, đi vào hoạt động thì người dân, địa phương được hưởng lợi từ việc giải quyết việc làm, cùng với chính quyền địa phương nâng cấp cơ sở hạ tầng vừa phục vụ cho các dự án vừa mang lại lợi ích cho người dân, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương”-ông Trọng phấn khởi cho biết.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: An Phát |
Thể hiện quyết tâm đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp, thay mặt lãnh đạo các huyện, thị xã phía Đông tỉnh Gia Lai, Bí thư Thị ủy An Khê Nguyễn Xuân Phước cho biết: Các địa phương chủ động, đồng hành cùng nhà đầu tư giải quyết các khó khăn vướng mắc, xem khó khăn vướng mắc của nhà đầu tư là khó khăn vướng mắc của chính quyền địa phương. Tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận, thụ hưởng các chính sách đầu tư trên địa bàn tỉnh về đất đai, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, các huyện, thị xã thực hiện công khai, minh bạch, bình đẳng các quy định về thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, đề xuất với Trung ương, tỉnh điều chỉnh, đơn giản hoá thủ tục đầu tư, rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho nhà đầu tư. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần kỷ luật, trách nhiệm cao, chuyên nghiệp, tận tuỵ, dám hành động, lắng nghe, chủ động giải quyết nhu cầu hợp pháp cho nhà đầu tư. Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội xuyên suốt trong quá trình trước, trong và sau hoạt động đầu tư thực hiện dự án trên địa bàn. Từ đó nâng cao chất lượng môi trường đầu tư-kinh doanh trên địa bàn.
Phát biểu tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long biểu dương sự nỗ lực phấn đấu, những kết quả đạt được và sự đóng góp của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân khu vực Đông Gia Lai vào thành tựu chung của toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra với các địa phương khu vực phía Đông Gia Lai trong thời gian tới là rất nặng nề, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và cả hệ thống chính trị trong khu vực đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh hơn nữa. Tỉnh sẽ có những chủ trương chính sách phù hợp để Gia Lai nói chung, khu vực Đông Gia Lai nói riêng huy động cao nhất các nguồn lực, tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với tinh thần đó, Tôi hoan nghênh và đánh giá cao các địa phương khu vực Đông Gia Lai đã phối hợp tổ chức hội nghị quan trọng và rất có ý nghĩa này.
AN PHÁT