Xử lý tài xế vi phạm nồng độ cồn: Ý thức người tham gia giao thông nâng lên rõ rệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)-

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai cũng tăng cường tuần tra, kiểm soát, mạnh tay xử lý mọi hành vi vi phạm của người tham gia giao thông, nhất là vi phạm nồng độ cồn. Nhờ đó, ý thức của người tham gia giao thông ngày được nâng lên.

Để nâng cao ý thức người tham gia giao thông, từng bước kéo giảm tại nạn giao thông trên địa bàn, thời gian qua, các cấp, các ngành, chính quyền địa phương trong tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới và Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 19-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an TP. Pleiku thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Ảnh: Quang Tấn

Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an TP. Pleiku thường xuyên tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn. Ảnh: Quang Tấn

Theo đó, tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và Nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Đồng thời, Công an tỉnh tập trung chỉ đạo Công an các địa phương, đơn vị nâng cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, tuyệt đối không chấp nhận sự can thiệp của các cá nhân, đơn vị vào quá trình xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Ý thức của người dân đã nâng lên rõ rệt, tự giác chấp hành quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe". Ảnh: Quang Tấn

Ý thức của người dân đã nâng lên rõ rệt, tự giác chấp hành quy định "đã uống rượu bia thì không lái xe". Ảnh: Quang Tấn

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, nhận thức của người dân trên địa bàn đã có những chuyển biến rõ nét. Anh Nguyễn Xuân Hoàng (tổ 4, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) vui vẻ nói: “Công việc của tôi đi nhiều, phải giao tiếp nhiều, đôi khi phải uống vài ly bia, rượu nên cũng ý thức được sự nguy hiểm khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Do đó, mỗi khi đã uống rượu bia thì tôi thường đi xe taxi về hoặc gọi vợ đến đón, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và người tham gia giao thông”.

Trung tá Mẫn Đức Sơn-Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an TP. Pleiku-cho biết: Chỉ tính từ đầu tháng 12-2023 đến nay, đội đã tổ chức tuần tra, kiểm soát, phát hiện và lập biên bản xử lý hành chính 563 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ, không có giấy phép lái xe…; đồng thời, tiến hành tạm giữ 10 xe ô tô, 185 xe mô tô, 314 giấy tờ các loại. Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 498 trường hợp với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng và tước 121 giấy phép lái xe.

Lực lượng chức năng mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, không có ngoại lệ, vùng cấm. Ảnh: Quang Tấn

Lực lượng chức năng mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, không có ngoại lệ, vùng cấm. Ảnh: Quang Tấn

Chính nhờ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm mà ý thức của người tham gia giao thông đã nâng lên rất nhiều, mỗi đợt triển khai đo nồng độ cồn thì số vụ vi phạm giảm hẳn so với trước, có đợt chỉ xử lý một vài trường hợp.

Bây giờ, người dân hay cán bộ, công chức, viên chức đã uống rượu bia thì không điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà đi taxi hoặc có người chở. Một phần do bị phạt nặng, nhất là cán bộ, công chức, viên chức nếu vi phạm sẽ bị thông báo đến nơi làm việc để có hình thức xử lý; phần do lực lượng Cảnh sát giao thông thường xuyên tuần tra, kiểm soát trên tất cả các cung đường, bất kể ngày đêm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không có vùng cấm nên ý thức người tham gia giao thông đã tăng lên đáng kể.

Vẫn còn một số người dân chưa ý thức cao, vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia. Ảnh: Quang Tấn

Vẫn còn một số người dân chưa ý thức cao, vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia. Ảnh: Quang Tấn

“Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân trên địa bàn ý thức chưa cao, vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu bia. Do đó, thời gian tới, theo Kế hoạch cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 của Công an tỉnh Gia Lai cũng như Công an TP. Pleiku thì tất cả các lực lượng đồng loạt ra quân.

Riêng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm như: Chở hàng quá khổ, quá tải; chạy quá tốc độ, lạng lách, đánh võng; nhất là xử lý vi phạm nồng độ cồn.

Hy vọng trong thời gian tới, tình trạng vi phạm giao thông, tai nạn giao thông sẽ được kiềm chế, không để xảy ra các vụ tại nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn”-Trung tá Mẫn Đức Sơn thông tin.

Theo Trung tá Mẫn Đức Sơn (bên phải)-Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự nhờ mạnh tay xử lý nên ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Ảnh: Quang Tấn

Theo Trung tá Mẫn Đức Sơn (bên phải)-Đội phó Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự nhờ mạnh tay xử lý nên ý thức của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Ảnh: Quang Tấn

Còn Trung tá Nguyễn Bảo Hưng-Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an thị xã An Khê thì cho hay: Từ khi triển khai nghiêm Chỉ thị số 23 và Chỉ thị số 10 về tăng cường xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, ý thức chấp hành của người tham gia giao thông trên địa bàn thị xã đã có chuyển biến tích cực.

Đội cũng tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát theo nhiều hình thức như: công khai, hóa trang, cơ động… nếu phát hiện trường hợp vi phạm thì tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện theo quy định.

Lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an thị xã An Khê thường xuyên tổ chức tuần tra, xử lý vi phạm bất kể ngày đêm. Ảnh: Quang Tấn

Lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an thị xã An Khê thường xuyên tổ chức tuần tra, xử lý vi phạm bất kể ngày đêm. Ảnh: Quang Tấn

Đội trưởng Đội Cảnh sát Giao thông-Trật tự Công an thị xã An Khê thông tin thêm: “Đặc biệt, đối với trường hợp vi phạm nồng độ cồn thì tổ chức xác minh nhân thân, lai lịch người vi phạm, nếu liên quan đến cán bộ, đảng viên thì làm văn bản thông báo cơ quan có liên quan để phối hợp tổ chức kiểm điểm theo tinh thần Chỉ thị số 23 và Chỉ thị số 10.

Chính vì vậy, nhận thức người tham gia giao thông, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện rất nhiều, nếu đã uống rượu bia thì có người chở về hoặc đi taxi. Qua đó, góp phần từng bước kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn, nhất là các vụ tai nạn nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”.

Có thể bạn quan tâm

Pleiku xuất hiện mưa vàng giải hạn

Pleiku xuất hiện mưa vàng giải hạn

(GLO)- Sau nhiều ngày nắng nóng kéo dài, khoảng 16 giờ 10 phút ngày 3-5, trên địa bàn TP. Pleiku và các huyện lân cận (tỉnh Gia Lai) đã xuất hiện mưa dông trên diện rộng. Cơn mưa kéo dài hơn 30 phút, được xem là cơn mưa vàng giải cơn khát nắng nóng và nước tưới cho các loại cây trồng.