Xen canh trong vườn cà phê: Cần tuân thủ quy trình kỹ thuật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian gần đây, bà con nông dân trong tỉnh đã tiến hành trồng xen các loại cây công nghiệp và cây ăn quả trong vườn cà phê. Trước tình hình đó, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã tăng cường công tác quản lý và hướng dẫn nông dân xây dựng vườn cây một cách hợp lý nhằm mang lại hiệu quả.
 Mô hình trồng cây bơ xen cà phê trên địa bàn huyện Ia Grai. Ảnh: L.N
Mô hình trồng cây bơ xen cà phê trên địa bàn huyện Ia Grai. Ảnh: L.N
Toàn tỉnh hiện có hơn 94.000 ha cà phê (chiếm 14,1% diện tích cà phê cả nước), trong đó, gần 80.000 ha trong giai đoạn kinh doanh. Những năm qua, người trồng cà phê ở các địa phương đã thực hiện trồng xen cây công nghiệp và cây ăn quả để vừa làm cây che bóng mát, chắn gió vừa đa dạng sản phẩm, hạn chế những rủi ro do giá cả biến động. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, toàn tỉnh có hơn 4.210 ha cà phê được người dân trồng xen các loại cây như: bơ, sầu riêng, mít và hồ tiêu. Tuy nhiên, diện tích cà phê có trồng xen các loại cây công nghiệp và cây ăn quả ở nhiều địa phương tăng nhanh, nhiều nơi có mật độ trồng xen và thâm canh chưa phù hợp, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của cây trồng chính. Để từng bước phát triển cây trồng xen trong vườn cà phê có hiệu quả và bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, UBND tỉnh vừa có Công văn số 1715/UBND-NL yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương có diện tích cà phê tăng cường công tác quản lý cây trồng xen trong vườn cà phê.

Ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật: “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước, mở rộng diện tích áp dụng quy trình sản xuất cây ăn quả trồng xen trong vườn cà phê theo tiêu chuẩn VietGAP, tiến tới cấp giấy chứng nhận chất lượng, cấp mã số vùng trồng để truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cây ăn quả Gia Lai”.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã đẩy mạnh công tác rà soát, đánh giá hiện trạng, đồng thời xây dựng kế hoạch trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao trong vùng trồng cà phê sao cho phù hợp điều kiện sản xuất. Ông Lê Tấn Hùng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Qua rà soát, toàn huyện có khoảng 188 ha cây ăn quả, chủ yếu được trồng xen trong vườn cà phê. Hiện các loại cây này phát triển tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Việc trồng xen cây ăn quả nhằm đa dạng hóa cây trồng, tăng nguồn thu nhập cho người dân và tránh rủi ro khi giá cả một số cây trồng sụt giảm. “Tuy nhiên, việc trồng xen theo kiểu tự phát sẽ gặp rủi ro vì việc thu mua chỉ là sự thỏa thuận giữa chủ hộ với thương lái. Do đó, quan điểm của huyện là không tăng thêm diện tích trồng thuần và chỉ mở rộng diện tích trồng xen trong vườn cà phê tái canh thay cho cây che bóng để sản xuất bền vững”-ông Hùng nói.
Tại huyện Chư Pưh, ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Diện tích cây ăn quả trên địa bàn huyện khoảng 265 ha, chủ yếu là trồng xen canh. Tuy nhiên, người dân chưa tuân thủ quy trình kỹ thuật thâm canh kết hợp, chủ yếu trồng tự phát, theo phong trào, còn thiếu hiểu biết kỹ thuật, thiếu vốn, thiếu thông tin thị trường và gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Những loại giống đưa vào trồng thường do người dân tự mua trôi nổi trên thị trường hoặc tự ươm, ghép nên nguồn gốc không rõ ràng, không đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng dẫn đến một số diện tích có năng suất thấp. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và PTNT đang dự thảo đề xuất quy hoạch diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn huyện đến năm 2020 là khoảng 550 ha, trong đó chú trọng phát triển cây bơ và sầu riêng.
Được biết, thông qua các hội nghị, hội thảo, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng đã có những định hướng và khuyến cáo đối với việc phát triển cây trồng xen trong vườn cà phê. Ông Trần Xuân Khải-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết: Trong khi Bộ Nông nghiệp và PTNT chưa chính thức ban hành quy trình kỹ thuật trồng xen trong vườn cà phê thì Sở cũng đã có khuyến cáo về việc phát triển một số loại hình trồng xen, khoảng cách và mật độ trồng xen trong vườn cà phê. Đơn cử, đối với các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng thì 1 ha cà phê chỉ nên trồng xen với mật độ khoảng 70 cây (trung bình khoảng cách 12 x 12 m) hoặc mật độ 55 cây/ha (khoảng cách trung bình 12 x 15 m). Còn đối với cây hồ tiêu thì nên trồng với mật độ 550 trụ/ha (khoảng cách trung bình 3 x 6 m) hoặc mật độ 270 trụ/ha (khoảng cách 6 x 6 m).
Cũng theo ông Khải, Sở Nông nghiệp và PTNT đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và các địa phương có diện tích cà phê để xây dựng đề án trồng xen một số loại cây trồng trong vườn cà phê phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng vùng. 
Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.