(GLO)- Tiếp tục chương trình giám sát kết quả thực hiện Kế hoạch hành động “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiến biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020”, ngày 17-5, đoàn giám sát của HĐND tỉnh đã có buổi làm việc với các sở, ngành của tỉnh.
Chủ trì buổi làm việc có các ông, bà: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát; Ayun H’Bút-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Trưởng đoàn giám sát.
Trên cơ sở kết quả giám sát trực tiếp tại các huyện, thị xã, thành phố, Thường trực HĐND tỉnh đã làm việc với 7 sở, ngành liên quan và Liên minh Hợp tác xã tỉnh nhằm đánh giá cụ thể những kết quả đạt được trong quá trình thực hiện kế hoạch hành động. Đồng thời, làm rõ những vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh, quá trình triển khai thực hiện và công tác tham mưu của các sở, ngành.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Quang Tấn |
Tại buổi giám sát, các thành viên của đoàn đã nêu lên nhiều vấn đề quan trọng, trong đó tập trung vào những vướng mắc về đất đai, nhân lực, nguồn vốn, hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng; việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; vấn đề xây dựng vùng chuyên canh quy mô lớn; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu; hợp tác xã và nông dân là lực lượng quan trọng trong tái cơ cấu nông nghiệp nhưng chưa phát huy được vai trò.... Bên cạnh đó, thời gian qua có rất nhiều chính sách của Trung ương, của tỉnh được ban hành nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp nhưng thực tế các chính sách này chưa đi vào cuộc sống, còn nhiều hạn chế.
Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đánh giá: Mặc dù dịch bệnh, giá cả thị trường đã tác động không nhỏ đến hoạt động tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhưng cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, các sở, ngành cần quan tâm, đánh giá lại một số bất cập trong quá trình thực hiện như: hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, nhất là thủy lợi; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu dẫn đến hiệu quả sản xuất, giá trị chưa cao, chủ yếu xuất khẩu thô; quy hoạch sản xuất nông nghiệp chưa tốt dẫn đến tình trạng người dân sản xuất không theo quy hoạch, dẫn đến thiếu bền vững; hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp chưa hiệu quả.
Quang cảnh buổi giám sát. Ảnh: Quang Tấn |
Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong những năm tới. Do đó, chúng ta cần định hình, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo một hình thái mới, hiện đại hơn, bền vững hơn. Trong đó, cần tập trung quy hoạch lại ngành nông-lâm nghiệp gắn với quy hoạch sử dụng đất hàng năm, định kỳ, phân kỳ. Nếu làm tốt vấn đề này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong việc thu hút các nhà đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Cùng với đó, các sở, ngành cần tập trung quy hoạch thủy lợi một cách bài bản, từ ao, hồ, đập đến các thủy lợi lớn; có như vậy mới phát triển nông nghiệp bền vững.
Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã có những giải trình một số vấn đề liên quan. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Trương Văn Đạt phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: Quang Tấn |
Trên cơ sở các ý kiến của đoàn giám sát và đại diện các sở, ngành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng đoàn giám sát Trương Văn Đạt đề nghị các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị bổ sung cũng như điều chỉnh, sửa đổi để có những cơ chế, chính sách, phương pháp phù hợp, đồng bộ và hiệu quả hơn trong việc triển khai kế hoạch hành động thời gian tới. Cụ thể, Sở Nông nghiệp và PTNT nghiên cứu lại 8 Nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến phát triển nông nghiệp để đề xuất tháo gỡ những điểm nghẽn; Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất trên địa bàn; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thu hút đầu tư vào phát triển nông nghiệp như chế biến, sản xuất giống chất lượng; đồng thời, tập trung rà soát các dự án đầu tư nông nghiệp chậm triển khai và có hướng xử lý.
QUANG TẤN