Theo báo cáo, sau sáp nhập, xã Chư Krey (sáp nhập từ xã Chư Krey cũ và xã An Trung) có tổng diện tích trên 19.559 ha, dân số là 2.107 hộ với 9.286 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 62,93%, hộ nghèo 554 hộ (chiếm 26,29%), tổng số cán bộ, công chức của xã là 41 người. Xã Ya Ma (sáp nhập 3 xã Đak Tơ Pang, Kông Yang và Ya Ma cũ) có tổng diện tích đất tự nhiên trên 17.600 ha, tổng dân số 8.830 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70,9%, hộ nghèo chiếm 29,72% (571 hộ), tổng số cán bộ, công chức của xã là 65 người.

Qua công tác kiểm tra tình hình hoạt động của 2 xã, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy biểu dương tinh thần chủ động của đội ngũ cán bộ, công chức 2 xã trong chuẩn bị các điều kiện để đảm bảo bộ máy chính quyền mới được vận hành thông suốt ngay sau khi sáp nhập. Các xã phân công nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp với chuyên môn, năng lực của từng cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, đặc biệt là giải quyết tốt các công việc liên quan đến người dân.

Để bộ máy chính quyền hoạt động thông suốt, hiệu quả, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đề nghị 2 xã rà soát, bố trí cơ sở vật chất, trang-thiết bị làm việc phù hợp, tiết kiệm, tránh lãng phí; xây dựng kế hoạch và có văn bản đề xuất đối với những công trình thiết yếu cần xây mới, sửa chữa, bổ sung. Đồng thời, tổng hợp những vị trí việc làm còn thiếu để đề xuất tỉnh có phương án điều phối hợp lý; phối hợp với các cơ quan của tỉnh rà soát lại các nhiệm vụ để xây dựng kế hoạch và phân công cụ thể cho từng vị trí việc làm nhằm thực hiện hiệu quả, tránh bỏ sót công việc.

Liên quan đến đời sống người dân, Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy đề nghị 2 xã quan tâm tổ chức các buổi đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như các khó khăn, vướng mắc trong Nhân dân nhằm có hướng tháo gỡ kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, tích cực tuyên truyền, vận động người dân xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đặc biệt là tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, trong đó, có giải pháp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ phù hợp để người dân thật sự thoát nghèo bền vững.
Ngoài ra, đánh giá lại tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng kế hoạch triển khai hiệu quả trên từng lĩnh vực nhằm từng bước thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.