Vụ lừa gần 1.000 tỷ đồng: Tiền trả cho bị hại phụ thuộc vào điều tra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thông tin Công an tỉnh Bắc Ninh chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng triệt phá thành công đường dây lừa đảo hoạt động ở Campuchia đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

vu-lua-dd.jpg
Các đối tượng tại cơ quan điều tra. Ảnh: TTXVN

Từ tháng 5/2024 đến nay, các đối tượng đã chiếm đoạt gần 1.000 tỷ đồng của hơn 13.000 bị hại trên cả nước. Trong đó có hơn 300 bị hại ở Bắc Ninh với số tiền chiếm đoạt trên 31 tỷ đồng.

Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 1/2, luật sư Đỗ Minh Hiển, Văn phòng luật sư JVN (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, khả năng thu hồi tiền để trả cho các bị hại phụ thuộc rất nhiều vào kết quả điều tra của cơ quan Công an. Thủ đoạn phạm tội của nhóm đối tượng này không mới, đó là tạo ra các kịch bản, mạo danh cơ quan Công an để dẫn dụ bị hại cài các phần mềm, đường link chứa mã độc nhằm chiếm quyền điều khiển điện thoại, tài khoản ngân hàng của bị hại.

“Sau khi chiếm đoạt được tiền sẽ chuyển sang các dạng tiền kỹ thuật số khác để che giấu hành vi phạm tội; đồng thời rửa tiền để biến các ‘đồng tiền bẩn’ kiếm được do phạm tội mà có thành các khoản tiền hợp pháp”, luật sư Đỗ Minh Hiển cho biết.

Trong vụ án này có sự cấu kết chặt chẽ giữa các đối tượng là ông chủ người nước ngoài và các đối tượng người Việt Nam thực hiện hành vi phạm tội tại nước ngoài (Campuchia). Môi trường phạm tội là không gian mạng nên việc đấu tranh với các đối tượng phạm tội gặp rất nhiều khó khăn.

Theo luật sư Đỗ Minh Hiển, bước đầu cơ quan Công an đã khởi tố 38 đối tượng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, quá trình điều tra, khi có đủ căn cứ, cơ quan Công an có thể khởi tố thêm các tượng về các tội Rửa tiền, tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép.

Tùy thuộc vào vai trò, tính chất, mức độ phạm tội, số tiền đã chiếm đoạt, giá trị tiền, tài sản phạm tội, số tiền thu lợi bất chính mà các đối tượng này có thể phải chịu các mức hình phạt với tội danh tương ứng.

“Đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với số tiền chiếm đoạt lên tới 1.000 tỷ và số lượng bị hại đặc biệt lớn (13.000 người bị hại), các đối tượng trong vụ án phạm tội với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Phạm tội có tổ chức, phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, phạm tội 2 lần trở lên do đó mức hình phạt các đối tượng phải chịu là phạt tù từ 12 năm, 20 năm hoặc Tù chung thân theo khoản 4, Điều 174 Bộ Luật hình sự (BLHS)”, luật sư Đỗ Minh Hiển nhận định.

Ngoài ra, các đối tượng có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với tội Rửa tiền, tùy thuộc vào giá trị tiền, tài sản phạm tội hoặc số tiền thu lợi bất chính từ hành vi phạm tội các đối tượng có thể phải chịu hình phạt cao nhất đến 15 năm tù đối với giá trị tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên hoặc số tiền thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên, quy định tại Khoản 3, Điều 324 BLHS.

Ngoài ra, người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị tịch thu một phần hoặc tài sản. Đối với tội Tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài trái phép, tùy thuộc vào tính chất, mức độ phạm tội, số lượng người trốn, ở lại nước ngoài trái phép, hoặc số tiền thu lợi bất chính các đối tượng có thể bị phạt tù cao nhất đến 15 năm tù nếu số người trốn, ở lại nước ngoài trái phép từ 11 người trở lên hoặc số tiền thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng trở lên (Khoản 3 Điều 349 BLHS).

“Trong vụ án này, khả năng thu hồi tiền để trả cho các bị hại phụ thuộc rất nhiều vào kết quả điều tra của cơ quan Công an và chắc chắn việc thu hồi số tiền bị chiếm đoạt sẽ rất khó khăn. Vì vậy, sự hợp tác, phối hợp với Cơ quan Công an của các bị hại là rất cần thiết nhằm làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án; đồng thời cũng bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của các bị hại”, luật sư Đỗ Minh Hiển cho biết.

Theo luật sư Hoàng Anh Sơn, Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được quy định tại Điều 174, BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này, Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ các tội như: Rửa tiền và tổ chức cho người khác trốn, ở lại nước ngoài trái phép và truy bắt các đối tượng liên quan để xử lý.

Theo nhiều chuyên gia an ninh mạng, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh, diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn phạm tội tinh vi, nguy hiểm.

Vì vậy, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác với tội phạm, tăng cường kiến thức về bảo mật thông tin; thường xuyên cập nhật các thủ đoạn mới của tội phạm qua không gian mạng để tránh rơi vào những kịch bản lừa đảo tinh vi.

Theo Minh Phương/Báo Tin tức

Có thể bạn quan tâm

Lãnh đạo Công an tỉnh khen thưởng, biểu dương cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Ảnh: H.T

Lặng thầm truy vết tội phạm sử dụng công nghệ cao

(GLO)- Xuyên đêm truy vết, lặn lội đến nhiều tỉnh thành, có những vụ việc cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai) phải ròng rã hàng tháng trời lần theo manh mối, sử dụng công nghệ hiện đại để truy tìm tội phạm, lấy lại tài sản trả cho người dân.

Cảnh sát 113: “Thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi”

Cảnh sát 113: “Thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi”

(GLO)- Tết là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, đoàn viên. Nhưng với cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát phản ứng nhanh (Đội Cảnh sát 113) thuộc Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh), lại phải trực chiến đảm bảo an ninh trật tự để người dân vui xuân, đón Tết.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung và Phó Giám đốc Công an tỉnh Ksor H’Bơ Khắp thăm, động viên Thiếu tá Nguyễn Văn Hưng (Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy) bị thương khi làm nhiệm vụ. Ảnh: Lê Ánh

Gian nan cuộc chiến với tội phạm ma túy

(GLO)- Hầu hết cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh Gia Lai) dường như đã quen với những chuyến công tác dài ngày, những đêm thức trắng để theo dõi đối tượng hay những lần căng thẳng đối mặt với tội phạm sử dụng vũ khí manh động, sẵn sàng chống trả…

Gia Lai: Khởi tố 1 đối tượng về hành vi sản xuất hàng giả

Gia Lai: Khởi tố 1 đối tượng về hành vi sản xuất hàng giả

(GLO)- Liên quan đến vụ việc làm giả nhãn hiệu các sản phẩm thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu nhằm mục đích trục lợi, mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã khởi tố, bắt tạm giam thêm một bị can về hành vi sản xuất hàng giả là thuốc bảo vệ thực vật.