Vụ hỗn chiến tại chợ đêm Pleiku: Thực nghiệm vẫn không có tình tiết mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày  11-1, Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 11 bị cáo gây náo loạn khu vực chợ đêm TP. Pleiku dẫn đến 1 người chết sau hơn 1 năm trả hồ sơ điều tra lại. Nhưng sau 1 ngày xét xử, Hội đồng xét xử tuyên bố nghị án đến ngày 17-1-2022 mới tuyên án.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh: Rạng sáng ngày 2-7-2019, trong lúc ngồi nhậu tại quán vịt lộn Cô Đào ở vỉa hè đường Hai Bà Trưng (gần trụ sở Công an TP. Pleiku) thì Tiêu Duy Dũng (tên thường gọi là Tý cưng, SN 1983, trú tại phường Yên Đổ, TP. Pleiku) và Võ Hồng Nguyên (tên thường gọi là Nguyên báu, SN 1982, trú tại phường Yên Đổ, TP. Pleiku) xảy ra mâu thuẫn. Lúc này, Dũng dùng tay đánh Nguyên nên bị cáo bỏ chạy vào trong trụ sở Công an TP. Pleiku trốn.

 11 bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ảnh: Lê Nam
11 bị cáo tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ảnh: Lê Anh


Sau đó, Nguyên gọi Trần Trung Thành (SN 1982, trú tại phường Ia Kring, TP. Pleiku) nói mới bị đánh và nhờ đón về. Trước khi đi, Thành mang theo con dao dài khoảng 1m làm hung khí. Đợi hơn 10 phút nhưng không thấy Thành đến, Nguyên tiếp tục gọi cho Trần Minh Tấn (SN 1997, trú tại phường Yên Đổ, TP. Pleiku) và Nguyễn Đức Lập (SN 1997, trú tại phường Hội Phú, TP. Pleiku) để nhờ chở về. Tuy nhiên, Lập không có xe nên gọi Nguyễn Thành Vũ (SN 1995, trú tại xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh) lái ô tô BKS 81A-133.82 cùng đi đón Nguyên.

Sau đó, Thành, Vũ, Tấn và Lập cùng đến và gặp nhau trước trụ sở Công an TP. Pleiku để đón Nguyên. Tại đây, các đối tượng thấy Bùi Hùng (SN 1989, trú tại tổ 8, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) đang điều khiển xe mô tô chở Dũng đi trên đường Hai Bà Trưng. Do bực tức vì trước đó Hùng và Dũng mang theo súng ngắn truy đuổi nên Nguyên chỉ tay cho Vũ lái ô tô tông thẳng vào mô tô của Hùng và Dũng làm cả hai bị ngã.

Sau khi bị tông, Dũng cầm khẩu súng quân dụng CF98 chạy đến cửa trước bên trái ô tô bắn vào bên trong xe, đầu đạn xuyên qua kính chắn gió trúng vào vai trái của Vũ. Khi Dũng bỏ chạy thì bị Thành và Tấn mang theo 3 con dao và dùng xe mô tô của Thành đuổi theo đến chợ đêm Pleiku. Tại đây, Tấn dùng dao chém Dũng nhưng không trúng và bị Dũng bắn 2 phát vào người. Dũng cầm báng súng đánh vào đầu Thành thì Thành và Tấn dùng dao đâm, chém Dũng nhiều nhát. Hậu quả vụ hỗn chiến, Tấn tử vong, Dũng bị thương tích 14% sức khỏe, Thành bị thương 3%, Vũ bị thương 20%.

Sau khi bị Dũng bắn, Vũ được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Quân y 211 (TP. Pleiku). Nhưng đang cấp cứu tại đây thì Vũ bị 8 đối tượng gồm: Lê Vũ Huy (SN 1988, trú tại phường Hội Thương), Nguyễn Anh Duy (SN 1991, trú tại phường Ia Kring), Bùi Hùng, Nguyễn Ngọc Thái (SN 1993, trú tại phường Yên Đổ), Trần Anh Khoa (SN 1994, trú tại phường Hoa Lư), Lê Văn Hải (SN 2000, trú tại phường Phù Đổng), Đoàn Anh Tuấn (SN 1994, trú tại phường Yên Đổ, TP. Pleiku) và Trần Minh Phát (SN 1998, trú tại phường Phù Đổng, TP. Pleiku) đang đi tìm Tiêu Duy Dũng phát hiện bắt giữ chở đến nghĩa trang TP. Pleiku đánh đập.

Qua kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã quyết định truy tố Võ Hồng Nguyên và Nguyễn Thành Vũ về tội “Gây rối trật tự công cộng”; Trần Trung Thành về tội “Cố ý gây thương tích”. Các bị can bắt giữ Vũ bị truy tố về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”. Riêng Tiêu Duy Dũng, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh đã khởi tố bị can về tội “Giết người” và “Sử dụng trái phép vũ khí quân dụng”. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, xác định Dũng bị bệnh rối loạn sự thích ứng với phản ứng hỗn hợp lo âu trầm cảm; rối loạn nhân cách cảm xúc không ổn định nên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh đã ra quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh cũng đã ra quyết định tách vụ án hình sự đối với hành vi giết người và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng của bị can Dũng thành một vụ án khác.

Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 5-1-2021, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố Võ Hồng Nguyên và Nguyễn Thành Vũ về tội “Gây rối trật tự công cộng” nhưng có ý kiến cho rằng đây là hành vi giết người. Theo cáo trạng: “Khi Vũ lái xe đến trước cổng Công an TP. Pleiku thì thấy Nguyên đang đứng ở đây. Thấy xe Vũ đến, Nguyên chỉ tay về phía Hùng và Dũng đang đi xe mô tô phía trước đầu ô tô nói: “Hai thằng đó đó, tông chết m* nó cho tao”. Với các tình tiết này, các luật sư và đại diện phía bị hại cho rằng, Nguyên là người chủ mưu, cố ý tước tính mạng của Hùng và Dũng đến cùng… Vì vậy, Hội đồng xét xử trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cũng đã 2 lần ra quyết định trả hồ sơ, yêu cầu Cơ quan Điều tra điều tra bổ sung, trong đó có yêu cầu thực nghiệm hiện trường; xác định Nguyễn Thành Vũ có thể nghe được tiếng nói của Võ Hồng Nguyên và nhìn được hành vi chỉ tay của Nguyên để lái xe tông vào Hùng và Dũng hay không; làm rõ Nguyễn Đức Lập và Nguyễn Quốc Thắng có phạm tội hay không. Vì Lập là người gọi cho Vũ còn Thắng và Tấn đi cùng nhau. Tại thời điểm Thắng và Tấn gặp xe của Vũ đang chở Lập thì Tấn mang theo dao dài, Vũ cho rằng không biết 2 người này nhưng vẫn mở cửa cho lên xe. Còn Thắng đi cùng Tấn thì cho rằng không biết Tấn cầm theo dao là không phù hợp với diễn biến khách quan của vụ án.

Kết quả thực nghiệm hiện trường, không phát hiện các cửa sổ xe ô tô bên trái hạ xuống. Không quan sát được cửa sổ bên phải của xe. Khi ô tô chạy từ đường Hoàng Văn Thụ rẽ trái vào đường Hai Bà Trưng và đi về trước cổng Công an TP. Pleiku với tốc độ 30km/h thì thấy rõ hành vi nhưng không nghe thấy âm thanh nói lái xe tông vào Hùng và Dũng. Khi thực nghiệm với tốc độ ô tô 40km/h, kết quả vẫn không thay đổi. Khi thực nghiệm với tình huống kính cửa sổ xe phía trước bên phải hạ xuống thì quan sát rõ hành động chỉ tay cũng như nghe rõ giọng nói. Cơ quan điều tra đã dùng kết quả này để đấu tranh với bị can Nguyễn Thành Vũ, tuy nhiên Vũ vẫn giữ nguyên lời khai ban đầu: không nghe thấy ai nói gì!

Ngoài ra, kết quả xác định điểm đụng của xe mô tô và xe ô tô qua khám nghiệm hiện trường và lời khai của nhân chứng xác định, góc phía trước bên phải đầu xe ô tô có va chạm nhẹ với phần thân bên phải vỏ xe mô tô làm Hùng và Dũng bị ngã. Vị trí 2 phương tiện va chạm với nhau cách cổng Công an thành phố khoảng 30 m. Cơ quan Điều tra và Viện kiểm sát đã thống nhất không cần thiết phải tổ chức thực nghiệm điều tra. Bên cạnh đó, đối với Nguyễn Đức Lập và Nguyễn Quốc Thắng có phạm tội hay không thì qua kết quả đấu tranh của Cơ quan Điều tra, 2 đối tượng khai khi đi cùng xe với Vũ và Tấn đều không biết Tấn xin lên xe ô tô đi với Vũ làm gì; không biết khi lên xe Tấn mang theo 2 con dao và tại hiện trường 2 đối tượng không nghe Nguyên chỉ đạo Vũ lái xe ô tô tông vào Hùng và Dũng. Từ đó, không có cơ sở để xác định Thắng và Lập có hành vi phạm tội.

Tại phiên tòa diễn ra vào ngày 11-1-2022, các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh. Tuy nhiên, đại diện phía bị hại là ông Tiêu Viết Quảng (cha đẻ của Tiêu Duy Dũng) và các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại đều đưa ra lập luận và không thống nhất với cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh truy tố Võ Hồng Nguyên và Nguyễn Thành Vũ về tội “Gây rối trật tự công cộng” mà phải truy tố tội “Giết người”.

Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, Hội đồng xét xử tuyên bố nghị án và sẽ tuyên án vào lúc 9 giờ ngày 17-1-2022.

 

LÊ ANH
 

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.