Vũ điệu của sơn thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sinh đón tôi với nụ cười láu lỉnh và đôi mắt xếch ngược, dáng loắt choắt đặc rưng của một gã miền ngược vùng hảo hán tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. Rượu túy lúy, say tựa đầu vào cái bể trong veo nhô nhúc lũ cá da trơn dáng nhơ nhỡ, da hung vàng đến từ các dòng suối nước xiết.

A Sinh bảo, tớ đi Hà Nội mỗi tháng, tiếng Việt nói thạo đến mức sử dụng tiếng lóng hơn khối người trẻ suốt ngày mạng mẽo ở nước ta.

 

Vẻ đẹp trên các ngọn núi mây phủ, sau khi đi hết 99 khúc cua và tận hưởng hệ thống cáp treo huyền thoại.
Vẻ đẹp trên các ngọn núi mây phủ, sau khi đi hết 99 khúc cua và tận hưởng hệ thống cáp treo huyền thoại.

A Sinh kể, quê tớ, sáng thức dậy núi đã đầy trong mắt. Thiên la địa võng nào là núi non. Thập vạn đại sơn bát ngát đứng dõng dạc ẩn tàng trong mây mù. Xe luồn lọt qua liên tiếp các hầm chui xuyên sơn tròn vạnh, cong vút.

“Trước, đi bộ hoặc cưỡi ngựa suốt hai tháng mới vào trận địa núi này. Vào không muốn ra, ra không dám vào. Giờ Chính phủ đổ tiền đổ của vào mở đường. Cả thế giới mới có cơ hội biết đến vũ điệu kỳ ảo của sơn thần vùng Trương Gia Giới và Viên Gia Giới! Núi kỳ vĩ, núi muôn hình vạn trạng, người ta bắc cây cầu bằng kính cheo leo qua nghìn mét vực sâu, cầu kính trong suốt dựng đứng cao nhất thế giới và cả những núi lỗ thủng Thiên Môn Động mà hàng năm người ta tổ chức lái máy bay xuyên qua. Siêu phẩm Avatar của Holllywood đóng ở đây này...”.

 

 

Cáp treo và cầu bằng kính đều... nhất thế giới!

Tôi vẫn thường cảm ơn số phận, khi mình có diễm phúc được đến với nhiều ngọn núi tuyệt sắc của Phi châu, Âu châu hay các quốc gia Châu Á viền quanh các dãy tuyết sơn vĩnh cửu đầy kỳ ảo của nóc nhà thế giới Hymalaya. Vậy nhưng, chỉ có ở vùng Hồ Nam ấy mới làm tôi chết ngất vì các vũ điệu cuồng say mà các ngài thần núi đã ưu ái cho con người. Sức người vốn dĩ đã nhỏ bé, kiếp phận họ lại hữu hạn quạnh hiu. Vậy mà họ đã tự tin xông vào điệp điệp núi non chất ngất và bí ẩn đến thách thức kia để nhuận sắc, xây cất, cho ra đời các kỳ quan nhân tạo. Thắp vống mãi lên cái ngọn lửa chinh phục và khám phá.

Người Tây Tạng, Bhutan, đôi khi họ coi núi là một cõi của cao xa xanh thắm, thiêng quý đến độ, tín đồ núi chỉ có thể đi vòng quanh các biển mây và miên man tuyết trắng để chiêm bái thôi. Leo lên núi là một điều báng bổ sơn thần. Còn người Trung thì ngược lại.

 

Ai đủ mạo hiểm chinh phục núi bằng cây thang này.
Ai đủ mạo hiểm chinh phục núi bằng cây thang này.

Trương Gia Giới cấp thị, bé hơn cấp tỉnh nhưng lớn hơn cấp huyện, thuộc vào phía tây bắc tỉnh Hồ Nam. Với 76% diện tích là núi non, thế nên nhiệt độ trung bình năm ở đây chỉ khoảng 16 độ C. Mưa nhiều. Nơi này có các đỉnh núi không quá cao, chỉ khoảng gần 2.000m so với mực nước biển. Núi vừa đủ cao để mây phủ mông lung, mây dồn đuổi nhau lúc mưa lúc nắng, lúc mù mịt khi trời lại trong văn vắt; núi cũng vừa đủ thấp để người ta thỏa thê ngắm, thỏa sức dựng thành vách, lan can, cầu bằng kính trong suốt cao nhất thế giới, thang cuốn 12 tầng phục vụ việc thăm ngắm của người năm châu bốn biển. Có thể dùng cụm từ này mà không sợ quá: Người Trung Quốc đã khai thác du lịch khốc liệt, họ tận thu ở đây. Cứ nườm nượp. Cầu kính, lan can kính toàn kỷ lục thế giới khiến người ta đua nhau bỏ tiền triệu (tương đương Việt Nam đồng) ra để xếp hàng nửa ngày chờ “trải nghiệm”. Rồi chính những người đó lại run rẩy, có khi “tè dầm” cả ra quần vì sợ hãi.

Với hơn 1,5 triệu dân, vùng Trương Gia Giới đã có tới hơn 65% dân số là người Thổ Gia (hơn 1 triệu), nhiều thứ nhì là bà con dân tộc Miêu, người Hán rất ít. A Sinh đưa chúng tôi đi cáp treo. Các cabin đưa khách lướt từ nhà hàng, qua bãi đỗ xe, đi vũng vĩnh qua thành phố náo nức, đi chùng chình vút qua đồi nương hoang lạnh. Rồi chúng mất hút vào mây mù đặc quánh.

 

Vẻ đẹp trên các ngọn núi mây phủ.
Vẻ đẹp trên các ngọn núi mây phủ.

Việt Nam ta giờ có nhiều cáp treo, nhưng làm cáp treo lên đỉnh núi của vùng Trương Gia Giới “thập vạn đại sơn” thì thật không thể tưởng tượng nổi. Vị kiến trúc sư chắc chắn phải có cái điên rồ và máu liều thiên bẩm. Nơi đây được các tạp chí danh tiếng về du lịch phong tặng danh hiệu, “cáp treo dài nhất tại một đỉnh núi cao nhất thế giới”, với 98 ca bin, hệ thống cáp treo này đưa du khách vượt qua chiều dài tới 7,5km! Độ cao của ga phía trên là 1.279m. Núi dựng đứng, ngó lên là rơi mũ.

Lướt qua các sạn đạo. Đường khảm vào mép vực nghìn mét, lát gỗ, trông xa như con cuốn chiếu nâu bò bẫm, áp bụng vào các vách đá dựng đứng. Kia là cái thang có bậc bước lên. Nó dài hơn cả sự tưởng tượng của thiên hạ về một cái thang. Nếu không có nhóm người bé nhi nhít đang trèo leo để tính mạng nghìn cân treo sợi tóc, thì chắc chắn chả ai nghĩ đó là cái thang, càng không là cái thang cho người ta leo chinh phục.

Sững sờ với 99 khúc cua tuyệt mỹ lên Cổng Trời

 

99 khúc cua và hệ thống cáp treo huyền thoại.
99 khúc cua và hệ thống cáp treo huyền thoại.

Tôi viết bài này không phải để ca ngợi kiểu quảng cáo cho các công trình đã lừng danh thiên hạ của người Trung Quốc ở Trương Gia Giới. Chả có lý do gì để tôi phải làm việc đó cả. Tôi chỉ muốn nói một sự thật sững sờ.

Con đèo cao bậc nhất thế giới mà xe ô tô của loài người có thể đi qua, nó nằm ở cung đường từ thủ đô Lhasa của Tây Tạng đi thành phố Shigate, cao hơn năm nghìn mét so với mực nước biển. Tôi đã từng đi. Đèo dài nhất cao nhất Việt Nam là Ô Quy Hồ từ Sa Pa sang Lai Châu, tôi chinh phục một năm vài lần. Nhưng ta cùng thử nhìn xem, trên xuống hay dưới lên, các đèo trên chỉ loằn ngoằn vài khúc cua mà người ta chụp ảnh đến mòn cò bấm máy. Còn từ đỉnh cao gió căm căm, mây đùm túm chạy hoang dại, các sạn đạo và đường vách kính chon von sởn tóc gáy kia... - ở đó, xin thưa, bạn nhìn xuống, thấy gần như đủ 99 khúc cua vào Trương Gia Giới. Thế mới biết lúc làm “người trần mắt thịt” leo lên các tuyến đường nguy hiểm chon von mà xe cá nhân không được phép đi (chỉ các xe chuyên dụng của ban tổ chức quản lý thắng cảnh mới được vào) là rất có lý.

 

Những ngọn núi kỳ ảo từng là bối cảnh cho siêu phẩm Avatar của Holiwood.
Những ngọn núi kỳ ảo từng là bối cảnh cho siêu phẩm Avatar của Holiwood.

Lên cõi “tiên cảnh” đỉnh núi, mới càng hiểu vì sao cả dân mê ô tô, ngồi cỗ xe leo 99 khúc cua đó cũng lử đử và nôn ọe như thường. Mà hình như người ta cố tình bố trí các cỗ xe thu bộn tiền chạy như mắc cửi kia rất đều đặn, xe chạy như những chấm nhỏ xíu rù rì ù lì lăn lóc, để cho thiên hạ quay phim chụp ảnh sẽ luôn hài lòng với các khuôn hình hoàn hảo nhất.

Cầu dây văng bắc vào hai trụ có hình dáng và màu sắc giống hệt chất đá dạng cột đặc trưng vùng Trương Gia Giới, Viên Gia Giới, nhưng thật ra nó làm bằng bê tông, cốt thép. Chắc là kính dày lắm. Nhưng độ trong của nó thì khiến người ta có cảm giác nó chỉ mỏng như cái ly uống rượu vang trắng. Đứng đó, như bạn đang ở một vòm trời ảo mộng. Cây cỏ êm ru, các tàng cổ thụ ken nhau bên dưới, tạo nên một lớp thảm dịu dàng như lông thú. Dòng suối xanh lèo rêu và đá cuội xám. Các vách đá từ thuở hồng hoang trắng, đen, loang lổ. Đó là cái vẻ quyến rũ nhất mà người thợ pha chế màu sắc diệu kỳ trời đất có thể làm ra trong suốt hàng triệu năm gió thét mưa gào.

 

Thiếu nữ vùng Hồ Nam xinh đẹp.
Thiếu nữ vùng Hồ Nam xinh đẹp.

Và Thiên Môn Sơn là cái cửa động dẫn cho người ta lên gặp ông trời. Quả thật, mây đùn đùm túm, mây ùn ra lấp lối lên thiên thai theo những chu kỳ rất lạ. Như một trò ú tim. Suối trong ngần chảy tơi bời tung tóe, trắng toát bên cạnh. Lỗ thủng Thiên Môn Sơn cao 131,5m, rộng 57m. Lỗ to đến mức, hằng năm thế giới người ta tổ chức thi lái máy bay trực thăng xuyên qua đó. Vèo một cái, khói phun ra từ máy bay thành những vệt dài và trắng như mây.

Những hình ảnh như phim viễn tưởng được chụp lại và quảng bá khắp các con đường vòng vèo thang cuốn. Rồi các siêu phẩm của Hollywood được đóng tại đây, rồi mấy con chim cò quái thú của Avatar (bộ phim nổi tiếng quay tại Trương Gia Giới) cũng được dựng tượng ngoài mép vực. Ở đó, kỳ lạ, núi thành từng cọc, từng cột, cứ như núi vốn làm bằng gỗ mà ai đó đã chẻ nó ra thành từng thanh như thanh củi dài dựng đứng để chuẩn bị nhóm lò ấy. Núi dựng san sát từng “thanh” cao đến tận mây xanh, cỏ cây mọc lam nham cằn cỗi. Một vẻ đẹp rất thủy mặc.

 

Cây cầu kính chứa nhiều kỷ lục thế giới ở Trương Gia Giới.
Cây cầu kính chứa nhiều kỷ lục thế giới ở Trương Gia Giới.

Thật khó có lời nào mô tả cho hết được những “vũ điệu dáng núi” đầy ảo diệu ở vùng thắng cảnh tuyệt bích Trương Gia Giới. Thời buổi văn hóa nghe nhìn này, có lẽ cứ nên để các video và chùm ảnh nói thêm cho rõ hơn. Nhưng mà điều nên làm nhất, có lẽ, bạn cứ thu xếp sang Hồ Nam, vượt vạn trùng san để kiểm chứng những gì tôi viết ở trên trung thực đến nhường nào.

Đỗ Doãn Lãng Quân/laodong

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.