Vụ bác sĩ dỏm khám chữa bệnh: Cần xử lý nghiêm kẻ coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày 30-9, Báo Gia Lai Online đăng bài “Gia Lai: Kiểm tra đột xuất cơ sở PK ĐHY TP. Hồ Chí Minh gặp bác sĩ dỏm đang khám chữa bệnh”, nhiều người dân bức xúc và yêu cầu cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm kẻ coi thường sức khỏe, tính mạng của người khác.

Bệnh nhân hốt hoảng khi biết phòng khám chui, bác sĩ dỏm

Khi hay tin cơ sở PK ĐHY TP. Hồ Chí Minh (địa chỉ 75 Nguyễn Tất Thành, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là phòng khám chui, bác sĩ dỏm không có bằng cấp, chuyên môn; nhiều người từng điều trị tại đây hết sức lo lắng. Bà Nguyễn Thị Yêu (thôn Tứ Kỳ Bắc, xã Al Bá, huyện Chư Sê) bị suy giãn tĩnh mạch và đã trị liệu tại đây được 5 buổi bao gồm tiêm xơ và laser sóng cao tần, chi phí trị liệu và mua tất mang chân là 9 triệu đồng. Bà Yêu cho biết, nghe thông tin quảng cáo về phòng khám trên Facebook chữa bệnh suy giãn tĩnh mạch hiệu quả, nhanh chóng, bác sĩ Sài Gòn khám nên bà tìm đến đây điều trị.

“Dù đã trị liệu 5 buổi nhưng tôi thấy không đỡ chút nào, nhất là sau khi tiêm về hai chân càng thêm đau nhứt. Việc này tôi có hỏi thì “bác sĩ” Thanh nói không sao và động viên tôi yên tâm điều trị. Bây giờ biết đây là phòng khám chui, bác sĩ dỏm, tôi rất lo vì không biết khi trị liệu họ đã tiêm thuốc gì cho mình, liệu có ảnh hưởng sức khỏe không”-bà Yêu chia sẻ.

z5885784017143-24170ad955121a887017ab02e3e64cb1-5543.jpg
Cơ sở PK ĐHY TP. Hồ Chí Minh (địa chỉ 75 Nguyễn Tất Thành, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) là phòng khám chui, bác sĩ dỏm không bằng cấp. Sáng ngày 1-10, cơ sở này đã tháo gỡ biển hiệu. Ảnh: Như Nguyện

Chung cảnh ngộ, sáng 30-9, bà Nguyễn Thị Liên (phường Trà Bá, TP. Pleiku) cũng tìm đến cơ sở này để khám chữa bệnh. Người tự nhận là “bác sĩ” Thanh (tên thật là Võ Minh Chiến, SN 1996, cư trú tại thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ, không có bằng cấp chuyên môn y tế, học chuyên ngành Văn hóa) trực tiếp khám và chẩn đoán bà Liên suy giãn tĩnh mạch nông, sâu, nổi buối mạng nhện, đau tức, căng; chỉ định điều trị gồm: tiêm xơ ivein 2 lọ và laser sóng cao tần 5 buổi.

“Tôi đã đóng 2 triệu đồng và đã được tiêm thuốc tại đây vào sáng 30-9. Khi biết thông tin cơ sở này bị kiểm tra vì khám chữa bệnh “chui”, tôi bất ngờ và rất lo. Tôi mong cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm”- bà Liên kiến nghị.

Cần xử lý nghiêm

Liên quan vụ việc trên, nhiều người dân bức xúc vì sự liều lĩnh của những “lang băm” coi thường tính mạng, sức khỏe người dân. Chị Phạm Thiên Nga (tổ 3, phường Hội Thương, TP. Pleiku) nêu ý kiến: “Điều đáng nói nhất ở đây là khi cấp phát thuốc không có chuyên môn có thể gây hậu quả chết người hoặc làm ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe người dân. Tôi mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để kiểm tra và khảo sát lại toàn bộ những phòng khám tự “mọc” để người dân chúng tôi an tâm và góp phần bảo vệ sức khoẻ con người”.

z5885784051181-03466cdb8d9cfdedc565f1ca77bca152-3854.jpg
Đoàn kiểm tra đột xuất tại Cơ sở PK ĐHY TP. Hồ Chí Minh chiều 30-9. Ảnh: Như Nguyện

Trên trang Facebook của Báo Gia Lai điện tử, nhiều bạn đọc cũng đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Chị Liễu Lê bình luận: “To gan thật, dám đùa giỡn trên tính mạng người bệnh, pháp luật phải nghiêm trị những kẻ xem thường tính mạng con người”.

Đồng quan điểm, chị Võ Hoài Đan Chi nhấn mạnh: “Đùa giỡn với tính mạng người dân là quá vô nhân tính rồi, mong các ban, ngành chức năng xử lý thật mạnh tay, để làm gương cho những ai đang có ý định mở phòng khám chui như vậy.”

Còn bạn đọc My Họa Cúc đánh giá: “Thất đức quá. Lòng dạ thật là... không còn từ để diễn tả. Tại sao lại nghĩ ra cách lừa ghê sợ như vậy. Tính mạng con người mà đưa ra làm trò đùa. Những thành phần xem thường pháp luật, xem thường quyền sống của con người cần được sớm đưa ra ánh sáng và xử đúng người đúng tội”.

z5885784070530-f830e56d708ea38a0c86650ec58b4552-4230.jpg
Trên trang Facebook của Báo Gia Lai điện tử, nhiều bạn đọc đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Ảnh: Như Nguyện

Liên quan vụ việc, luật gia Nguyễn Quang Quý (Chi hội Luật gia Sở Tư pháp tỉnh Gia Lai) cho hay: Vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về khám, chữa bệnh và hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính, thẩm quyền xử phạt là Chánh Thanh tra Sở Y tế.

Còn Luật sư Phạm Ngọc Quang-Công ty Luật TNHH MTV Quang Phạm (60 Trần Khánh Dư, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cho biết: Việc thực hiện hoạt động khám chữa bệnh phải theo quy định của Luật Khám chữa bệnh, người thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh phải là những người có chuyên môn, được đào tạo và làm việc đúng với chuyên môn của mình. Người giả mạo bác sĩ để thực hiện công việc không đúng với chuyên môn, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài ra, với những người giả mạo trong công tác, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức thì đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, trường hợp giả mạo bác sĩ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một trong các tội danh như: Trường hợp, người mạo danh bác sĩ mà làm chết bệnh nhân hoặc gây ra tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe cho bệnh nhân sẽ có thể bị xử lý hình sự về tội "Vi phạm quy định về khám chữa bệnh" theo Điều 315 Bộ luật Hình sự năm 2015. Nếu làm chết người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên với tổng tỷ lệ từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 1 năm trở lên.

Cũng theo luật sư Quang, trường hợp người mạo danh bác sĩ chưa gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe nhưng người này đã có thủ đoạn gian dối (đưa ra thông tin sai sự thật, sử dụng giấy tờ giả, …) để chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đến dưới 50 triệu đồng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 và có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

z5885594725613-a852b118371852db6634b969223c0299-6052.jpg
Chân dung bác sĩ dỏm-Võ Minh Chiến (SN 1996, cư trú tại thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Như Nguyện

Liên quan về việc xử lý đối với cơ sở PK ĐHY TP. Hồ Chí Minh, ông Trần Quang Khâm-Chánh Thanh tra Sở Y tế cho hay: Quản lý cơ sở hứa sẽ có mặt làm việc tại Sở Y tế vào ngày 4-10 sắp tới. Sau khi làm việc với quản lý cơ sở, căn cứ theo mức độ vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Trường hợp người này không có mặt như đã hẹn, thanh tra sẽ tham mưu Sở Y tế chuyển hồ sơ qua công an để điều tra, xử lý theo quy định.

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tuổi già

(GLO)- Gần đây, tôi ít về quê. Nhiều khi người thân ở quê có việc hoặc muốn biết về tình hình phát triển của quê hương, chỉ cần bỏ ra mươi phút lướt mạng là có đầy đủ thông tin.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung khẳng định việc giao quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý (ảnh nguồn internet).

Phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý

(GLO)- Theo phân cấp, từ ngày 1-11-2024, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động... tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý.

Ông Ksor Nai (thứ 2 từ phải sang) cùng người dân xã Chư Mố trao đổi về công tác hòa giải ở địa phương. Ảnh: H.M

Ksor Nai nhiệt tình với công tác hòa giải

(GLO)- Ngoài đảm nhận vai trò hòa giải viên tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Ia Pa, từ năm 1978 đến nay, ông Ksor Nai (SN 1956, thôn Plơi Apa Ama H’lắk, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) còn tích cực tham gia công tác hòa giải ở địa phương.

Người dân làng Kmông phấn khởi khi công trình nước sạch được đưa vào sử dụng. Ảnh: N.H

Nước sạch về làng

(GLO)- Hàng trăm hộ dân ở làng Kmông và De Lung 1 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vô cùng phấn khởi khi công trình nước sạch do Hội Liên hiệp phụ nữ xã kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng.