Vốn huy động cho dự án điện mặt trời tăng đột biến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vốn đổ mạnh các dự án điện mặt trời nhưng kế hoạch cắt giảm năng lượng tái tạo của EVN do dư thừa nguồn cung có thể làm gia tăng rủi ro với trái phiếu của doanh nghiệp lĩnh vực này.

Công ty chứng khoán SSI vừa có báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2020.

Theo đó, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành giảm mạnh trong quý IV/2020 nhưng tính cả năm vẫn tăng trưởng đột biến với 455.000 tỉ đồng (tăng mạnh 48,4% so với năm 2019).

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng thêm gần 40% và hiện chiếm khoảng 12% GDP của Việt Nam. Thị trường vốn của Việt Nam đã tăng trưởng khá tốt trong năm qua vừa, khi tổng quy mô thị trường vốn (trái phiếu, cổ phiếu) đã tăng lên 97,2%GDP, thu hẹp khoảng cách so với quy mô kênh tín dụng ngân hàng đang chiếm 115% GDP.

 

Huy động vốn cho các dự án điện mặt trời tăng vọt trong năm qua. Ảnh: Nguyễn Hải
Huy động vốn cho các dự án điện mặt trời tăng vọt trong năm qua. Ảnh: Nguyễn Hải



Theo phân tích của nhóm nghiên cứu SSI, trong nhóm trái phiếu năng lượng và khoáng sản, các doanh nghiệp năng lượng đã tăng tỉ trọng phát hành mạnh nhất, tập trung cho các dự án điện mặt trời, điện gió và thủy điện. Đáng chú ý các dự án điện mặt trời chiếm tỉ trọng phát hành lớn nhất. Theo đó, số vốn trái phiếu huy động cho những dự án điện mặt trời tăng vọt từ 8.400 tỉ đồng năm 2019 lên 30.000 tỉ đồng năm 2020, chủ yếu đầu tư vào các dự án ở Ninh Thuận, Đắk Lắk…

Tính toán của nhóm nghiên cứu SSI, trong năm 2019 và 2020 đã có gần 20.000 tỉ đồng vốn trái phiếu được huy động cho các dự án điện mặt trời ở khu vực Ninh Thuận; 8.900 tỉ đồng cho dự án tại Đắk Lắk; 5.700 tỉ đồng cho dự án tại Bình Thuận. Đây là 3 khu vực huy động vốn trái phiếu cho dự án điện mặt trời lớn nhất…

Trong khi đó, theo Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), sản lượng điện mặt trời trên toàn quốc năm 2020 là 10,6 tỉ KWh, (trong đó điện mái nhà là 1,15 tỉ KWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia. EVN đã phải cắt giảm 365 triệu KWh điện mặt trời trong năm ngoái do quá tải lưới nội vùng, chủ yếu ở khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và một số tỉnh miền Trung.

Khó khăn do đường truyền tải, công suất điện mặt trời vượt quá nhu cầu, đặc biệt vào buổi trưa khi bức xạ mặt trời tốt nhất trong ngày nhưng lại là thấp điểm về nhu cầu sử dụng điện. "EVN dự kiến sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỉ KWh năng lượng tái tạo trong năm 2021 và kế hoạch cắt giảm năng lượng tái tạo do dư thừa nguồn cung có thể làm gia tăng rủi ro với trái phiếu điện mặt trời" – chuyên gia phân tích của SSI nhận định.

Các doanh nghiệp khoáng sản chỉ phát hành 4.900 tỉ đồng chiếm tỉ trọng 12% và tăng 57,3% so với năm 2019 thì các doanh nghiệp năng lượng phát hành tới 35.700 tỉ đồng chiếm tỉ trọng 88% và tăng tới 274% so với năm 2019.


Theo Thái Phương (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Yamaha Grande cập nhật nhiều màu sắc mới cho phiên bản 2025

Yamaha Grande cập nhật nhiều màu sắc mới cho phiên bản 2025

(GLO)- Yamaha Grande 2025 đã chính thức trở lại với loạt màu sắc mới cực kỳ ấn tượng. Đặc biệt, phiên bản giới hạn hứa hẹn sẽ làm hài lòng những tín đồ thời trang, mang đến một làn gió tươi mới cho thị trường xe tay ga. Giá bán lẻ đề xuất của phiên bản giới hạn là trên 51,6 triệu đồng.