Việc làm nhỏ, nghĩa tình sâu

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cắt tóc miễn phí, tặng quần áo cũ cho người nghèo là những việc làm nhỏ nhưng chứa đựng nghĩa tình mà Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) dành tặng cho người dân tại địa bàn đứng chân.
Cầm trên tay vài bộ áo quần còn khá mới, chị Ksor Phiêng (làng Tung, xã Ia Nan) rất phấn khởi. Nhìn cậu con trai 10 tuổi với mái tóc vừa được cắt tỉa gọn gàng, gương mặt chị càng thêm rạng rỡ. Chị Phiêng chia sẻ, do cuộc sống khó khăn, vợ chồng chị thường xuyên ở trên rẫy, ít có thời gian quan tâm đến con cái. Nhờ có Bộ đội Biên phòng chăm lo đến đời sống, không riêng gia đình chị mà người dân trên địa bàn đều rất vui và an tâm.
Từ năm 2018 đến nay, Đồn Biên phòng Ia Nan triển khai mô hình “Tay kéo Biên phòng” cắt tóc miễn phí cho người dân vào thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần. Đại úy Phan Trung Tình-Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Nan-cho hay: Đơn vị thành lập 1 tổ gồm những chiến sĩ có năng khiếu cắt tóc. Các thành viên trong tổ phối hợp với Đoàn Thanh niên các thôn, làng cắt tóc miễn phí cho người già, trẻ nhỏ. “Tiệm cắt tóc di động” có thể thực hiện tại nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng hoặc sân trường. Mặc dù cắt tóc miễn phí song các tay kéo cũng phải dựa trên nhu cầu, sở thích của từng “khách hàng”. Trong quá trình cắt tóc, cán bộ, chiến sĩ còn tranh thủ nắm bắt thêm về tình hình học tập của các cháu học sinh, nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
Các tay kéo biên phòng cắt tóc miễn phí cho các em nhỏ. Ảnh: Phương Dung
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan cắt tóc miễn phí cho các em nhỏ. Ảnh: Phương Dung
Riêng mô hình “Tủ quần áo từ thiện” đã được đơn vị duy trì hơn 1 năm qua. Ban đầu, một số cán bộ trong đơn vị gom quần áo cũ của gia đình, người thân đem lên tặng hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, sau đó phát triển dần lên. Trung úy Hoàng Văn Thủy-Đội trưởng Đội Vận động quần chúng-thông tin: Việc cắt tóc miễn phí và tặng quần áo cũ diễn ra cùng 1 ngày, tại cùng một địa điểm và luân phiên ở các làng.
Để tất cả người dân có nhu cầu đều được cắt tóc và nhận quần áo, trước đó, cán bộ Biên phòng trực tiếp gặp già làng, trưởng thôn hoặc bí thư chi đoàn để sắp xếp thời gian, địa điểm cũng như thông báo cho người dân biết. Đặc biệt, số quần áo cũ sau khi gom từ nhiều nguồn, đơn vị sẽ phân công cán bộ kiểm tra kỹ để loại bỏ những cái không thể sử dụng, đồng thời phân loại áo quần theo từng độ tuổi. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, “Tủ quần áo từ thiện” của đơn vị đã trao tặng hơn 600 bộ đến tận tay người dân. 
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan (huyện Đức Cơ) tặng quần áo cũ cho người dân. Ảnh: Phương Dung
Cán bộ Đồn Biên phòng Ia Nan tặng quần áo cũ cho người dân. Ảnh: Phương Dung
Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Nan cho biết thêm, hàng năm, đơn vị còn triển khai lực lượng tham gia cùng địa phương dọn vệ sinh giọt nước, phát quang đường làng, làm hàng rào, đào hố rác. Hiện đơn vị nhận giúp đỡ 2 hộ dân ở làng Tung vươn lên thoát nghèo. Theo đó, đơn vị đã xây dựng kế hoạch và phân công 4 cán bộ trực tiếp nắm tình hình để có biện pháp giúp đỡ.
Đơn vị cũng đã trích kinh phí, cử cán bộ tham gia xây dựng cho mỗi hộ 1 nhà tiêu hợp vệ sinh, đồng thời trực tiếp vào rẫy giúp người dân đào hố trồng điều và hướng dẫn cách chăm sóc. Ông Rơ Mah Blúp (làng Tung) bày tỏ: “Tôi có 2 ha đất nhưng mới chỉ trồng được 8 sào điều. Mới đây, Đồn đã cử người vào tận nơi giúp gia đình đào 150 hố trồng điều”.
Nhận được tình cảm của những người lính Biên phòng, người dân cũng dần ý thức và trách nhiệm hơn trong việc chung sức tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc. Theo Đại úy Phan Trung Tình, mỗi khi có người lạ vào làng, bà con đều gọi điện thoại báo ngay cho Bộ đội Biên phòng.
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.