UBND tỉnh Gia Lai trả lời cử tri về tỉnh lộ 669 từ An Khê đi Kbang nhưng chưa đấu nối với đường dân sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Báo Gia Lai trích đăng nội dung UBND tỉnh giải quyết kiến nghị của cử tri liên quan việc thi công tỉnh lộ 669 từ An Khê đi Kbang nhưng chưa đấu nối với đường dân sinh; chỉ tiêu tuyển sinh tại Trường THPT DTNT Đông Gia Lai, Trường THCS DTNT Đak Pơ ít không đáp ứng nhu cầu học tập;...

Triển khai thực hiện Báo cáo số 179/BC-HĐND ngày 2/12/2024 của HĐND tỉnh về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri trước Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa XII, UBND tỉnh báo cáo kết quả giải quyết như sau:

1. Cử tri thị xã An Khê và huyện Kbang kiến nghị:

* Đường tỉnh 669 (đoạn đi qua xã Tú An, thị xã An Khê và địa bàn huyện Kbang) đang được triển khai thi công nhưng chưa thực hiện việc đấu nối với các tuyến đường nhánh, đường dân sinh đến các khu sinh hoạt cộng đồng và trường học; ngoài ra, một số vị trí mặt đường cao dẫn đến việc đi lại và vận chuyển hoa màu của người dân gặp nhiều khó khăn. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư sớm có giải pháp khắc phục, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển hoa màu.

Kết quả giải quyết:

Sau khi tiếp thu nội dung kiến nghị của cử tri, UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương kiểm tra thực tế để có giải pháp xử lý kỹ thuật cho phù hợp. Hiện Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị thi công triển khai giải pháp vuốt nối êm thuận bằng vật liệu đất đắp đảm bảo nhu cầu đi lại và vận chuyển hoa màu của người dân.

669-8913.jpg
Triển khai thi công tỉnh lộ 669-đoạn từ thị xã An Khê đi huyện Kbang. Ảnh: Minh Phương

* Học sinh tại 4 làng đồng bào dân tộc thiểu số của thị xã An Khê có nguyện vọng được tham gia học tập tại Trường THCS DTNT Đak Pơ và Trường THPT DTNT Đông Gia Lai, tuy nhiên chỉ tiêu của hai trường trên không đủ tiếp nhận. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét, tăng số lượng chỉ tiêu học sinh học tại Trường THPT DTNT Đông Gia Lai, Trường THCS DTNT Đak Pơ để tạo điều kiện cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số của thị xã An Khê được tham gia học tại hai trường trên trong năm học 2025-2026.

Kết quả giải quyết:

Chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm của các trường phổ thông dân tộc nội trú (DTNT) được xác định dựa trên quy mô và các điều kiện đảm bảo của từng trường. Hiện nay, tỉnh Gia Lai có 02 trường THPT DTNT với quy mô là 400 học sinh; có 15 trường THCS DTNT trực thuộc UBND cấp huyện gồm 06 trường quy mô 300 học sinh, 09 trường có quy mô 150 học sinh.

Để thực hiện được việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp đầu cấp học của trường DTNT, trước hết phải tăng quy mô và đầu tư bổ sung các điều kiện đảm bảo của trường (cụ thể là: đội ngũ giáo viên, nhân viên; thiết bị dạy học và phục vụ công tác quản lý, dạy học; diện tích khuôn viên; phòng học, phòng ở khu nội trú, bếp ăn nội trú; kinh phí...).

Đối với việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh vào Trường THPT DTNT Đông Gia Lai để học sinh dân tộc thiểu số ở thị xã An Khê được tuyển vào học

Trong nhiều năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu và giải quyết nhu cầu được học của học sinh dân tộc thiểu số tại 4 làng người dân tộc thiểu số, cụ thể:

- Trường THPT DTNT Đông Gia Lai có quy mô 400 học sinh (tương đương 133 học sinh/mỗi khối lớp 10, 11, 12). Căn cứ nhu cầu học của học sinh tại các huyện phía đông và cơ sở vật chất, khả năng đáp ứng hiện có của Trường THPT DTNT Đông Gia Lai, tỉnh đã điều chỉnh tăng chỉ tiêu tuyển sinh của trường thêm 15 học sinh/năm. Như vậy, hiện nay trường tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm khoảng 148 học sinh.

- Hằng năm, Trường THPT DTNT Đông Gia Lai đều phân bổ từ 1 đến 3 chỉ tiêu cho học sinh thuộc đối tượng tuyển sinh thường trú trên địa bàn thị xã An Khê. Cụ thể: năm học 2022-2023: 03 chỉ tiêu; năm học 2023-2024: 03 chỉ tiêu; năm học 2024-2025: 01 chỉ tiêu.

- Từ năm học 2025-2026 trở về sau, nếu địa phương có nhu cầu tăng thêm chỉ tiêu nhằm đáp ứng mục tiêu tạo nguồn đào tạo cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đề nghị UBND thị xã An Khê có văn bản để Sở Giáo dục và Đào tạo làm cơ sở cân đối, điều chỉnh chỉ tiêu cho thị xã (trong chỉ tiêu giao và cân đối nhu cầu giữa các huyện, thị xã trong địa bàn tuyển sinh của trường).

Đối với kiến nghị tăng chỉ tiêu để Trường THCS DTNT huyện Đak Pơ tuyển học sinh tại thị xã An Khê

UBND tỉnh đề nghị UBND thị xã An Khê phối hợp với UBND huyện Đak Pơ để tiếp tục trả lời hoặc giải quyết kiến nghị của cử tri, cụ thể:

- Trường THCS DTNT huyện Đak Pơ quy mô 150 học sinh, do UBND huyện Đak Pơ đảm bảo ngân sách cho việc nuôi dạy học sinh tại trường. Trường chỉ tuyển sinh trên địa bàn huyện Đak Pơ, mỗi năm tuyển 01 lớp 6 khoảng từ 35 đến 38 học sinh (150 học sinh/4 khối lớp: 6, 7, 8 và 9; số học sinh tuyển vào lớp 6 có sự tăng giảm tùy thuộc vào số học sinh đang học các khối lớp 7, 8, 9).

- Vấn đề tăng quy mô của Trường THCS DTNT huyện Đak Pơ (nếu có) phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của huyện và phải có đề án, lộ trình cụ thể vì liên quan đến đội ngũ giáo viên, nhân viên, thiết bị dạy học và phục vụ công tác quản lý, dạy học, diện tích khuôn viên, phòng học, phòng ở khu nội trú, bếp ăn nội trú, kinh phí... nên không thể tăng chỉ tiêu cho trường ngay được.

- Nếu thị xã An Khê nhu cầu được tuyển học sinh vào học tại Trường THCS DTNT huyện Đak Pơ (trong số chỉ tiêu được giao hằng năm) thì UBND thị xã An Khê phối hợp với UBND huyện Đak Pơ để có phương án cụ thể và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét quyết định theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú ban hành kèm theo Thông tư số 04/2023/TT-BGDĐT ngày 23 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Cử tri huyện Đak Đoa kiến nghị:

Ngày 20/01/2014, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 06/QĐ-UBND cho Công ty TNHH Hưng Thịnh Nguyên thuê 38,28 ha đất để trồng rừng nguyên liệu, kết hợp chăn nuôi đa dạng hóa sản xuất lâm nông nghiệp tại khoảnh 7, tiểu khu 460 và khoảnh 2, tiểu khu 462, xã Kon Gang, huyện Đak Đoa. Tuy nhiên, Công ty TNHH Hưng Thịnh Nguyên không thực hiện theo quyết định của UBND tỉnh, gây lãng phí tài nguyên đất.

Ngày 08/11/2018, Sở Tài Nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 3311/STNMT-QHĐĐ đề nghị Công ty phải tiếp tục trồng rừng, thực hiện dự án đúng tiến độ, mục tiêu đã cam kết, đến nay Công ty vẫn để đất trống và có dấu hiệu chuyển nhượng cho chủ khác. Qua phản ánh hiện trạng hiện nay: Có trồng tre lấy măng với diện tích khoảng 6ha, trồng khoảng tháng 8/2024; Cao su: 03 ha, khoảng trên 4 năm tuổi và có lác đác một số cây keo.

Cử tri xã Kon Gang nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương, chính quyền địa phương đã mời đại diện Công ty TNHH Hưng Thịnh Nguyên làm việc, tuy nhiên, Công ty không hợp tác. Đề nghị UBND tỉnh kiểm tra lại việc triển khai dự án của doanh nghiệp và có ý kiến chỉ đạo xử lý dứt điểm.

Kết quả giải quyết:

UBND tỉnh tiếp thu nội dung kiến nghị của cử tri huyện Đak Đoa và giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Đak Đoa kiểm tra, đề xuất UBND tỉnh xử lý theo quy định.

3. Cử tri huyện Đak Pơ kiến nghị:

Hiện nay, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 của HĐND tỉnh trên địa bàn huyện Đak Pơ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Mặc khác, do địa hình phức tạp, một số địa phương không phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng nên người dân không thể tiếp cận hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 107/2019/NQ-HĐND. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu xem xét, trình HĐND tỉnh có chính sách đặc thù hỗ trợ cho người dân (đối với các địa phương không thể phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng) làm ao, hồ chứa nước để phục vụ nước tưới, sản xuất nông nghiệp.

Kết quả giải quyết:

Tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 Luật Thuỷ lợi năm 2017 quy định “Công trình thủy lợi là công trình hạ tầng kỹ thuật thủy lợi bao gồm đập, hồ chứa nước, cống, trạm bơm, hệ thống dẫn, chuyển nước, kè, bờ bao thủy lợi và công trình khác phục vụ quản lý, khai thác thủy lợi”; “Thủy lợi nội đồng là công trình kênh, mương, rạch, đường ống dẫn nước tưới, tiêu nước trong phạm vi từ điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến khu đất canh tác” không có quy định về loại hình ao, hồ chứa nước quy mô hộ gia đình. Mặt khác tại khoản 3 Điều 4 Luật Thuỷ lợi 2017 quy định về Chính sách của Nhà nước trong hoạt động thuỷ lợi, theo đó ngân sách nhà nước chỉ hỗ trợ “3. Hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp hệ thống thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; hệ thống tưới, tiêu tiên tiến và hiện đại; hệ thống xử lý nước thải để tái sử dụng”.

Thực hiện chính sách phát triển thuỷ lợi nói trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 Quy định hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng, tưới tiên tiến tiết kiệm nước. Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 107/2019/NQ-HĐND ngày 10/7/2019 Quy định mức hỗ trợ phát triển thuỷ lợi nhỏ, thuỷ lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai, theo đó đối tượng được hỗ trợ từ chính sách nói trên là tổ chức thuỷ lợi cơ sở, cá nhân là thành viên của tổ chức thuỷ lợi cơ sở.

Do vậy, việc cử tri đề nghị nội dung “địa phương không phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng nên người dân không thể tiếp cận hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 107/2019/NQ-HĐND. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu xem xét, trình HĐND tỉnh có chính sách đặc thù hỗ trợ cho người dân (đối với các địa phương không thể phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng) làm ao, hồ chứa nước để phục vụ nước tưới, sản xuất nông nghiệp ” là không có cơ sở pháp lý để xây dựng chính sách đặc thù nói trên theo quy định pháp luật về thuỷ lợi hiện hành. UBND tỉnh giao UBND huyện Đak Pơ có văn bản phúc đáp để cử tri được biết.

4. Cử tri huyện Đức Cơ kiến nghị:

Đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo các ngành có liên quan kiểm tra, khảo sát và có giải pháp xử lý khắc phục khu vực sạt lở đất tại thôn Thanh Tân, xã la Krêl, huyện Đức Cơ để người dân an tâm định cư và sản xuất. Tại vị trí này, những năm trước đây đã bị sụt lún nghiêm trọng, năm 2024 sụt lún lan ra diện rộng, gây thiệt hại lớn đến diện tích cây công nghiệp dài ngày của người dân.

Kết quả giải quyết:

Qua khảo sát sơ bộ hiện trạng khu vực sụt lún đất tại thôn Thanh Tân, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ chưa rõ nguyên nhân, bởi nguyên nhân sụt lún đất do các yếu tố như: sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, suy giảm mạch nước ngầm, địa chất,...

Để có phương án khắc phục cụ thể khu vực sụt lún nêu trên đề nghị UBND huyện Đức Cơ khẩn trương tổ chức mời các đơn vị chuyên môn (các Cục, Vụ, Viện, Trường, Liên đoàn địa chất, .), các chuyên gia về lĩnh vực địa chất khảo sát, đánh giá hiện trạng để tìm ra nguyên nhân gây sụt lún. Sau khi xác định nguyên nhân gây sụt lún, UBND huyện Đức Cơ báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài Nguyên và Môi trường để tham mưu, đề xuất UBND tỉnh có giải pháp cụ thể xử lý khắc phục khu vực sạt lở đất nêu trên.

Trước mắt để đảm bảo an toàn cho người dân đề nghị UBND huyện Đức Cơ khẩn trương tổ chức cắm biển cảnh báo tại khu vực bị sụt lún. Theo dõi chặt chẽ diễn biến sụt lún và sạt lở đất tại thôn Thanh Tân, xã la Krêl và thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất để có các giải pháp xử lý kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Tặng 145 suất quà cho người dân phường Diên Hồng

Tặng 145 suất quà cho người dân phường Diên Hồng

(GLO)- Chiều 14-1, Đảng ủy-HĐND-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Diên Hồng (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân ấm áp, Tết yêu thương” nhân dịp Xuân Ất Tỵ năm 2025 nhằm trao tặng quà Tết cho hộ cận nghèo và hộ khó khăn trên địa bàn phường.

Mang Yang: Tặng quà 150 người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn

Mang Yang: Tặng quà 150 người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn

(GLO)- Ngày 14-1-2025, tại các xã Đak Djrăng, Đak Yă và thị trấn Kon Dơng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai), Hội Chữ thập đỏ huyện phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí Miền Trung tổ chức chương trình “Tết Nhân Ái”, tặng quà cho bà con nghèo trên địa bàn.

Rủ nhau sắm Tết

Rủ nhau sắm Tết

(GLO)- Những ngày này, hàng Tết được bày bán khắp nơi. Đó là các mặt hàng trang trí nhà cửa với chủng loại phong phú, đa dạng, mới mẻ, hiện đại. Đó là các loại bánh mứt, kẹo, trái cây sấy khô, thực phẩm sấy khô ngon và tiện lợi.

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

Phường Tây Sơn trao hơn 190 suất quà Tết cho hộ khó khăn và đối tượng yếu thế

(GLO)- Ngày 10-1, Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tây Sơn (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình “Tết ấm áp-Xuân Ất Tỵ 2025”, trao 190 suất quà Tết cho các hộ khó khăn và đối tượng yếu thế trên địa bàn.

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

Khai trương MB Smartbank Đak Đoa

(GLO)- Sáng 9-1, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB Bank) Chi nhánh Gia Lai khai trương hoạt động ngân hàng tự động (Smartbank) Đak Đoa tại số 289 Nguyễn Huệ (thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa).

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

Tặng sữa cho trẻ em nghèo, khuyết tật tại Đak Pơ

(GLO)- Ngày 3 và 4-1, Hội Bảo trợ người khuyết tật và bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Gia Lai, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ em mồ côi huyện Đak Pơ phối hợp với Công ty sữa TH True Milk tổ chức chương trình trao tặng sữa bột dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khó khăn, trẻ em khuyết tật trên địa bàn huyện.

Tin buồn

Tin buồn

(GLO)- Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam - Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin: