Tưng bừng Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nhiều nét mới, đa dạng và hấp dẫn, Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) diễn ra từ ngày 19-4 đến 21-4 đã mang đến không gian văn hóa đa sắc màu, để lại trong lòng du khách nhiều cung bậc cảm xúc và những trải nghiệm thú vị.
Các nghệ nhân xã Phú Cần tái hiện lễ cúng trưởng thành. Ảnh: Đức Thụy

Các nghệ nhân xã Phú Cần tái hiện lễ cúng trưởng thành. Ảnh: Đức Thụy

Tái hiện nghi lễ truyền thống

Người Jrai vùng “chảo lửa” Krông Pa có một nền văn hóa bản địa lâu đời và đậm bản sắc dân tộc. Đời sống tinh thần của họ rất phong phú với nhiều nghi lễ truyền thống gắn liền với đời người như lễ thổi lỗ tai, lễ trưởng thành, lễ tạ ơn, lễ bỏ mả…Trong đó, lễ trưởng thành đối với người Jrai đóng vai trò hết sức quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành của con người và chính thức được cộng đồng thừa nhận.

Già Nay Chưng (buôn Mlah, xã Phú Cần) cho biết: Tùy theo điều kiện mỗi gia đình, lễ trưởng thành có thể được tổ chức khi còn trẻ hay đã bước sang tuổi trung niên. Từ đây, những chàng trai, cô gái Jrai có thể làm chủ cuộc sống của mình. Việc cúng do cha mẹ đẻ sắm sửa lễ vật. Nếu cha mẹ không còn thì chị em có thể cúng thay. Lễ vật gồm 7 ché rượu, 1 đầu heo liền phần da dài từ gáy đến đuôi heo được treo vào trụ cột ché rượu đầu tiên, 1 mâm cơm cúng với 7 tô rượu, 7 tô thịt và 7 tô cơm.

“Ơi Yàng! Người này đã được cha mẹ dâng lễ vật là 7 ché rượu, 1 con heo, thịt heo còn lại chia cho tất cả. Rượu nồng hay nhạt xin Yàng cùng uống, thịt ngon hay dở xin Yàng cùng ăn. Cầu mong Yàng phù hộ cho người này mọi điều đều tốt, mọi điều đều hay. Hỡi Yàng…”-lời thầy cúng vang vọng. Tiếng cồng, tiếng chiêng nổi lên. Nhân vật chính một tay cầm đao, một tay cầm khiêng đi trước, theo sau là 2 người phụ nữ, 2 người đàn ông bảo vệ. Rượu được rót đầy các ché, 7 chiếc còng lần lượt được đeo vào tay người trưởng thành với mong muốn cầu sức khỏe, bình an, chân cứng đá mềm, vượt qua mọi bệnh tật, ốm đau.

Đoàn nghệ nhân xã Chư Rcăm phục dựng lễ cúng bỏ mả. Ảnh: Vũ Chi

Đoàn nghệ nhân xã Chư Rcăm phục dựng lễ cúng bỏ mả. Ảnh: Vũ Chi

Nếu đoàn nghệ nhân xã Phú Cần lựa chọn phục dựng lễ cúng trưởng thành thì cộng đồng người Jrai xã Chư Rcăm chọn tái hiện lễ bỏ mả. Đây là một trong những nghi lễ độc đáo nhất của người Jrai và là nghi lễ cuối cùng trong đời người đánh dấu cái chết được hồi sinh và người sống được giải phóng. Sau lễ bỏ mả, mọi ràng buộc giữa người sống và người chết sẽ chấm dứt. Hồn ma cũng từ đó vĩnh viễn về với tổ tiên.

Nghệ nhân Rô H’Thinh (buôn Du, xã Chư Rcăm) chia sẻ: Mặc dù nhiều lễ hội bị mai một song lễ bỏ mả vẫn tồn tại bền bỉ trong đời sống cộng đồng người Jrai. Lễ cúng bỏ mả gồm 3 ghè rượu, cơm, canh cho người mất và 1 con trâu đốt cho cả làng đến chung vui. Thông thường, lễ bỏ mả sẽ diễn ra trong 2 ngày 1 đêm, bà con dân làng góp gạo, rượu, nước ngọt đến chung vui và cùng nhau ngủ lại tại khu nhà mồ. Sau lễ cúng, bà con cùng nhau đánh cồng chiêng, nhảy xoang chia tay người chết tạo nên ngày hội thực sự của dân làng.

Bà Rơ Ô H’Nếu-Phó Chủ tịch UBND xã Chư Rcăm-cho hay: Những lễ hội đời người của người Jrai thực chất là cách thể hiện văn hóa ứng xử của con người với thần kinh. Thông qua đó, ta có thể hiểu được phần nào tư duy, quan niệm của người Jrai về nhân sinh quan và thế giới quan, về quan hệ cộng đồng và mối quan hệ với thế giới siêu nhiên. Vì vậy, việc phục dựng những nghi lễ này là hoạt động rất ý nghĩa. Tham gia Ngày hội, đoàn nghệ nhân xã Chư Rcăm có hơn 40 người, trong đó nghệ nhân nhỏ tuổi nhất mới 5 tuổi, nghệ nhân lớn tuổi nhất đã gần 70 tuổi. Sự giao thoa giữa các thế hệ đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ, bảo tồn, phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống trong cộng đồng.

Phụ nữ Jrai rạng rỡ bên khung cửi. Ảnh: Đức Thụy

Phụ nữ Jrai rạng rỡ bên khung cửi. Ảnh: Đức Thụy

Ngày hội chung của cộng đồng

Tham gia Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa năm nay có 14 đoàn nghệ nhân với sự góp mặt của 470 nghệ nhân trình diễn cồng chiêng, phục dựng các lễ hội, đan lát, dệt thổ cẩm, tạc tượng và 355 vận động viên tham gia thi đấu các môn bắn nỏ, chạy cà kheo, kéo co, đẩy gậy. Nét mới của Ngày hội năm nay là chương trình trình diễn cồng chiêng đường phố và trình diễn trang phục dân tộc. Trong trang phục thổ cẩm truyền thống cùng tiếng cồng chiêng rộn ràng, đoàn nghệ nhân các xã, thị trấn lần lượt diễu hành qua các tuyến đường chính xung quanh Công viên Phú Túc. Hoạt động đã nhận được sự theo dõi, cổ vũ của đông đảo người dân, tạo không khí sôi động chưa từng có, xua tan đi cái nóng nực, ngột ngạt những ngày cuối tháng 4 ở vùng “chảo lửa”.

Bên cạnh đó, phần thi trình diễn trang phục dân tộc mang đến nét tươi mới với sự góp mặt không chỉ của những chàng trai, cô gái độ tuổi trăng tròn mà có cả những cô bé, cậu bé lứa tuổi nhi đồng và những nghệ nhân gạo cội. Khoác lên người bộ trang phục dân tộc truyền thống với nét hoa văn tinh xảo cùng những dụng cụ lao động sản xuất gắn liền với đời sống sinh hoạt như chiếc gùi, quả bầu khô, lưỡi rìu, chiếc nỏ,…các nghệ nhân tự tin sải bước trên sân khấu mang lại cảm xúc tự hào cho tất cả người xem.

Các đoàn nghệ nhân trình diễn cồng chiêng đường phố. Ảnh: Vũ Chi

Các đoàn nghệ nhân trình diễn cồng chiêng đường phố. Ảnh: Vũ Chi

Chị Rcom H’Ngúy (buôn Chư Jút, xã Chư Gu) chia sẻ: Đây là lần đầu tiên chị cùng con gái Rcom Hà Khắp (6 tuổi) tham gia Ngày hội với tư cách người mẫu trình diễn trang phục dân tộc. Tuy có chút hồi hộp song dưới sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả, 2 mẹ con đã hoàn thành xuất sắc phần thi của mình. “Đây là trải nghiệm mới mẻ giúp mẹ con cảm thấy thêm yêu, thêm quý, thêm tự hào về chính trang phục truyền thống mình đang mặc trên người. Mỗi trang phục một nét đẹp riêng nhưng đó đều là tâm huyết, chứa đựng tình cảm, tấm lòng của các nghệ nhân dệt thổ cẩm. Hy vọng những chương trình như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên để bà con các buôn, làng có dịp giao lưu, chia sẻ và gắn kết với nhau”-chị H’Ngúy bộc bạch.

Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số huyện Krông Pa năm nay được tổ chức kết hợp với Hội diễn nghệ thuật quần chúng và Hội chợ kết nối nông sản tạo nên chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập huyện. Trong đó, hội diễn nghệ thuật quần chúng có sự tham gia của 500 ca sĩ, diễn viên không chuyên đến từ 12 đoàn, cụm Công đoàn trong toàn huyện. Các đoàn đã mang đến 56 tiết mục sôi động được dàn dựng công phu phục vụ người dân và du khách tham quan. Bên cạnh đó, Hội chợ kết nối nông sản với 32 gian hàng của các đơn vị xã, thị trấn và của các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đã giới thiệu, quảng bá nhiều sản phẩm OCOP, mặt hàng thực phẩm, ẩm thực, món ăn dân dã đặc sắc của địa phương đến với du khách.

Ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban tổ chức Ngày hội-cho biết: Nhờ được chuẩn bị chu đáo, số lượng, chất lượng các nghệ nhân, vận động viên tham gia Ngày hội năm nay cao hơn năm trước. Đây là cơ hội để địa phương quảng bá, bảo tồn, phát triển nét đẹp văn hóa truyền thống, qua đó nâng cao đời sống tình thần của người dân địa phương; đồng thời kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn, hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững trên địa bàn huyện. Các hoạt động đã thực sự tạo nên ngày hội của cộng đồng các dân tộc, hướng tới chào mừng kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập huyện Krông Pa (23/4/1979-23/4/2024) và lễ đón bằng xếp hạng di tích quốc gia Khu căn cứ kháng chiến Cư Jũ-Dliê Ya.

Có thể bạn quan tâm

Siu Krang gìn giữ nghề tạc tượng

Siu Krang gìn giữ nghề tạc tượng

(GLO)- Hơn 35 năm gắn bó với nghề, ông Siu Krang (SN 1960, làng Dek, xã Hbông, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) vẫn duy trì kỹ thuật thủ công để chế tác tượng nhà mồ của người Jrai.

Sau cơn mưa

Sau cơn mưa

(GLO)- Với nhiều người, tự thân mưa đã gợi nỗi sầu, như một sự bất an, là niềm không mong đợi. Dẫu thế, như cỏ cây, cuộc đời mỗi người chẳng phải từ cơn mưa mà lớn khôn lên, những trải nghiệm cứ thế mà lấp đầy.

Già làng “2 giỏi” của xã Ia Phí

Già làng “2 giỏi” của xã Ia Phí

(GLO)- Ông Rơ Châm Khir (SN 1954, làng Kênh, xã Ia Phí, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) không chỉ có đôi tay tài hoa vẽ những bức tranh sơn dầu, tượng gỗ dân gian đặc sắc, mà còn là già làng uy tín được cộng đồng tin tưởng.

Dòng sông tuổi thơ

Dòng sông tuổi thơ

(GLO)- Ai cũng có tuổi thơ gắn bó với quê hương xứ sở, nơi chôn rau cắt rốn, nơi cuộc đời sâu nặng nghĩa tình với ông bà, cha mẹ, xóm giềng hay những gì thân thuộc nhất. Với tôi, tuổi thơ cũng từng gắn bó với dòng sông quê hương. Ấy là dòng sông Minh.

Ảnh minh họa. Nguồn internet

Nuôi chữ, dưỡng tâm

(GLO)- Con người có quá nhiều đam mê mà một ngày thời gian được mặc định sẵn và phải chia đều cho những việc khác nhau. Cân bằng được mọi thứ, thật chẳng dễ dàng gì. Và cuối cùng thì những gì mình cho là quan trọng nhất thường được ưu tiên. Với riêng tôi, sự ưu tiên đó là niềm vui bên con chữ.

Nấm mối thường mọc vào tháng 5, 6 hàng năm. Ảnh: L.H

Mùa “săn” nấm mối

(GLO)- Khoảng tháng 5, 6 hàng năm, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu trút xuống, mặt đất mềm ẩm cũng là lúc người dân Gia Lai bước vào mùa “săn” nấm mối. Đây là “lộc trời” mà thiên nhiên ban tặng, mỗi năm chỉ đôi ba lần.

Núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh) đã đi vào thơ của tác giả Nguyễn Thanh Mừng. Ảnh: Phạm Quý

Cao nguyên trong thơ Nguyễn Thanh Mừng

(GLO)- Tên tuổi nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng gắn liền với các tập thơ “Rượu đắng”, “Ngàn xưa”, .... Viết không nhiều nhưng thơ ông lại có mặt trong hầu hết các tuyển tập danh tiếng thơ Việt Nam hiện đại. Mấy năm gần đây, ông dành tình thương mến với Tây Nguyên và viết nhiều về vùng đất này.

Mật ngọt trước hiên nhà

Mật ngọt trước hiên nhà

(GLO)- Trước hiên nhà tôi bỗng xuất hiện một tổ ong mật. Đàn ong bay lượn trong nắng mai, những đôi cánh mỏng manh khẽ rung lên, hòa cùng làn gió nhẹ, tạo nên bản nhạc du dương. Tôi lặng lẽ dõi theo, chợt cảm thấy lòng mình cũng rung lên theo nhịp điệu ấy, một sự đồng điệu vô hình.

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

Nơi chắp cánh đam mê âm nhạc

(GLO)- Với đặc thù làm việc trong sự cô đơn, tĩnh lặng, nhiều kỹ thuật viên (KTV) có kinh nghiệm tại một số phòng thu trên địa bàn TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đang âm thầm đứng sau những bản thu chất lượng của các ca sĩ chuyên và không chuyên, chắp cánh cho đam mê âm nhạc.

Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Trần Ngọc Nhung (bìa trái) trao bằng xếp hạng di tích cho địa phương. Ảnh: Minh Châu

Xã Phú Cần đón nhận bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh và tổ chức lễ giỗ tiền hiền

(GLO)- Ngày 23-6, UBND xã Phú Cần (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh “Đền thờ tiền hiền làng Phú Cần”, kết hợp lễ giỗ tiền hiền-nghi lễ truyền thống hàng năm của địa phương ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân có công mở đất, lập làng.

Chuyện về những nhà báo không chuyên

Chuyện về những nhà báo không chuyên

(GLO)- Dù chưa được đào tạo chuyên ngành báo chí, nhưng bằng nhiệt huyết, nhiều cộng tác viên của Báo Gia Lai vẫn luôn nuôi dưỡng niềm đam mê với nghề báo, cần mẫn ghi lại từng khoảnh khắc đời sống ở cơ sở trở thành cánh tay nối dài của tòa soạn trong việc lan tỏa thông tin, kết nối cộng đồng.

Chiếc máy đánh chữ. Ảnh: nguồnbaogialai.com.vn

Chiếc máy đánh chữ

(GLO)- Những chiếc máy đánh chữ quen thuộc một thời đã trở nên xưa cũ, thậm chí mất tăm mất dạng, có chăng chỉ còn hiện diện trong tiệm lạc xoong, đồ cũ dành cho giới sưu tầm tìm đến “níu kéo” quá khứ.

null