(GLO)- Mô hình “Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân” giai đoạn 2011-2015 được Ủy ban Nhân dân tỉnh Quyết định thành lập số 670/QĐ-UBND, ngày 13-10-2011 đã tác động không nhỏ đến nhận thức của vị thành niên và thanh niên trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ).
Mục tiêu của mô hình là nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành chăm sóc SKSS/KHHGĐ thông qua tư vấn và khám sức khỏe cho vị thành niên và thanh niên nhằm từng bước góp phần nâng cao thể chất, trí tuệ tinh thần của vị thành niên, thanh niên, nhất là nữ chuẩn bị kết hôn.
Tuyên truyền SKSS/KHHGĐ cho chị em ở vùng sâu huyện Chư Pưh. Ảnh: Đ.Y |
Năm 2011 và 2012, mô hình được triển khai ở 5 đơn vị cấp huyện và 13 xã, gồm huyện Chư Sê, Kbang, thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê, TP. Pleiku. Đây là những vùng dân cư đã thực hiện tốt công tác dân số-KHHGĐ. Tuy nhiên ở những địa bàn này, trẻ vị thành niên và thanh niên dễ mắc phải những tệ nạn xã hội và các bệnh lây qua đường sinh sản, bệnh di truyền từ bố sang mẹ, quan hệ tình dục trước hôn nhân và những trường hợp kết hôn không đúng tuổi theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Trên cơ sở hướng dẫn triển khai mô hình của Sở Y tế, sau đó Chi cục dân số-KHHGĐ là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện chuyên môn về dân số-KHHGĐ đã ký kết liên tịch với Tỉnh đoàn về triển khai Mô hình vào ngày 2-8-2012. Các trung tâm dân số-KHHGĐ tại địa bàn triển khai mô hình đồng thời chỉ đạo Ban dân số xã tham mưu UBND xã thành lập Ban Quản lý mô hình, câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân và câu lạc bộ đồng đẳng có sự phối hợp của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Dân số, Y tế, Giáo dục và Hội Phụ nữ.
Trên cơ sở đó, các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, khám sức khỏe và tư vấn định kỳ mỗi tháng 2 lần cho các đối tượng là vị thành niên và thanh niên về tình bạn, tình yêu khác giới, các biểu hiện của tuổi dậy thì, HIV/AIDS và phòng-chống có thai ngoài ý muốn… đã thu hút đông đảo các em trong độ tuổi vị thành niên và thanh niên tham gia.
Việc khám sức khỏe cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn, vị thành niên và thanh niên tại địa bàn triển khai mô hình cũng thuận lợi hơn. Nhiều đợt khám sức khỏe đã phát hiện ra một số trường hợp bị các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, các bệnh lây truyền qua đường tình dục, điều trị các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản thông thường và chuyển tuyến những ca bệnh nặng; khám thể lực; khám lâm sàng theo các chuyên khoa đối với nữ giới để phát hiện các dấu hiệu cơ nang, phụ khoa, tiền sử về các bệnh nội, ngoại. Đối với nam giới khám để phát hiện các dấu hiệu cơ năng, tiền sử về các bệnh nội ngoại, bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Từ hiệu quả của mô hình, theo thông tin từ Chi cục Dân số-KHHGĐ thì từ ngày 15-9 đến 30-10-2012, các đơn vị triển khai mô hình sẽ tiếp tục mở đợt tư vấn và khám sức khỏe cho nam, nữ chuẩn bị kết hôn, vị thành niên và thanh niên, dự kiến khoảng 200 người được tư vấn và khám sức khỏe đợt này. Đồng thời cấp phát tờ rơi để các đối tượng tham khảo. Đi đôi với việc tuyên truyền giáo dục các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên cho các em, những đơn vị triển khai mô hình còn tổ chức tập huấn, nói chuyện chuyên đề cho các đối tượng là cha mẹ có con trong độ tuổi vị thành niên về những thay đổi tâm sinh lý trong độ tuổi này của con mình.
Theo bà Đinh H’Nghĩa-Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ cho biết, mô hình còn khá mới mẻ nhưng với cách triển khai trong thời gian qua, bước đầu mô hình đã tạo được sự quan tâm của các địa phương, sự ủng hộ và tạo điều kiện của nhà trường, sự phối hợp của tổ chức Đoàn thanh niên và các em học sinh. Song, việc đẩy mạnh công tác truyền thông dân số-KHHGĐ, sức khỏe sinh sản cho vị thành niên và thanh niên vẫn còn hạn chế, nên không chỉ thông qua mô hình này mà nên chăng lồng ghép những nội dung về SKSS/KHHGĐ vào trong những tiết học như môn giáo dục công dân, các buổi hoạt động ngoại khóa trong nhà trường thì việc nắm bắt thông tin và kiến thức về SKSS-KHHGĐ trong độ tuổi vị thành niên và thanh niên sẽ được tốt hơn, hiệu quả hơn, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.
Đinh Yến