Bởi vậy, “Phát thanh-một thế kỷ phục vụ thông tin, giải trí và giáo dục” là chủ đề kỷ niệm Ngày Phát thanh năm nay mà UNESCO đưa ra nhằm tôn vinh những đóng góp tích cực của phát thanh cho sự phát triển của xã hội và các quốc gia trên toàn cầu.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người viết bài này được giao nhiệm vụ, hàng ngày theo dõi các buổi phát thanh đọc tin chậm trên các làn sóng phát thanh của Đài Hà Nội (Tiếng nói Việt Nam) và Đài Phát thanh Giải phóng, để ghi lại các bản tin phù hợp cho công tác tuyên truyền của địa phương (Gia Lai), biên tập gọn lại hoặc chọn những câu, những đoạn tin phù hợp thành... khẩu hiệu, truyền đơn, trình lãnh đạo duyệt, cho in li-tô và viết thành băng rôn, áp phích để đưa vào vùng địch tạm chiếm tuyên truyền cho người dân và binh lính đối phương.
Hệ thống truyền thanh thực hiện chức năng thông tin cơ sở (ảnh tư liệu) |
Khi đó, không một loại phương tiện nào có thể thay thế được phát thanh, vừa kịp thời, chính xác, lại thuận lợi cho việc di chuyển (radio) trong điều kiện chiến tranh. Nội dung của những tờ truyền đơn, khẩu hiệu, áp phích, băng rôn mà chúng tôi phát tán vào vùng đối phương tạm chiếm rất hiệu quả cho công tác tuyên truyền.
Không phải ai trong vùng địch cũng có thể có điều kiện sắm một chiếc radio và không dễ dàng nghe được các chương trình phát thanh của các đài cách mạng, bởi địch kiểm soát rất nghiêm ngặt, phát hiện ai, gia đình nào “nghe lén” các chương trình của đài cách mạng sẽ bị bắt, bị bỏ tù, quy tội chống chế độ.
Vì thế mà những tờ truyền đơn, khẩu hiệu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ nằm lòng và truyền tay nhau trong cộng đồng là hiệu quả nhất, có tác dụng động viên đồng bào, khẳng định lòng tin của Nhân dân vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tin vào Đảng ta, vào chế độ xã hội chủ nghĩa miền Bắc, kêu gọi binh lính đối phương đào, bỏ ngũ về nhà làm ăn lương thiện hoặc ra vùng giải phóng theo cách mạng.
Chị Văn Thị Ngọc là một trong những cơ sở cách mạng, là đảng viên hoạt động trong vùng thị trấn An Túc (An Khê) bấy giờ. Chị nhớ lại: Việc rải truyền đơn, dán áp phích tại những nơi công cộng trong thị trấn An Túc là việc làm táo bạo, nguy hiểm, nhưng vì nhiệm vụ của người đảng viên được cấp trên giao, chị cố gắng thực hiện rải truyền đơn, dán áp phích cách mạng nhiều lần, nhiều địa điểm, nhưng mỗi khi thấy bà con chuyền tay nhau những tờ truyền đơn ấy, lòng chị phấn khởi biết bao.
Nhất là những tờ áp phích có nội dung cảnh cáo trực diện, nêu đích danh những tên tề ngụy, ác ôn trong vùng, làm cho chúng hoang mang sợ hãi, giảm bớt những hành động chống phá cách mạng và đàn áp, bắt bớ những người yêu nước, tin tưởng và ủng hộ cách mạng.
Cho tới ngày nay, có thể khẳng định rằng, với bất cứ phương tiện, công cụ, thiết bị nghe nhìn nào dù có phát triển đến đâu trong thời đại 4.0 này, vẫn không thể thay thế cho làn sóng phát thanh. Ngày 7-9-1945, từ Thủ đô Hà Nội, Đài Tiếng nói Việt Nam chính thức phát sóng chương trình đầu tiên, truyền đi bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh; công bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ thời khắc đó, Đài Tiếng nói Việt Nam với vai trò, vị trí là một đài quốc gia được thành lập và trong suốt gần 80 năm qua đã đồng hành với những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Năm 1945, công nghệ truyền tải thông tin chưa phát triển. Nếu giả sử, không có làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, liệu mấy ai biết được sự kiện trọng đại của đất nước đã diễn ra ở Ba Đình, Hà Nội vào ngày 2-9, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa? Nói vậy để khẳng định rằng, dù thời đại nào thì làn sóng phát thanh vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng, nó theo người nghe trong mọi lúc mọi nơi, trên toàn thế giới. Nhớ lại, thi thoảng rộ lên chuyện “loa phường” (hệ thống truyền thanh có và không có dây) bỏ hay để, đủ các lý do để cho một số thành phần vì một lý do nào đó lợi dụng xuyên tạc sự hiện diện của “loa phường” trong đời sống tinh thần của người dân.
Trong quy hoạch tổng thể kinh tế-xã hội tỉnh Gia Lai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã xác định tầm quan trọng của việc xây dựng, nâng cấp Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh và phủ sóng phát thanh đến mọi vùng, mọi khu vực trong tỉnh với các chương trình, nội dung phong phú và đầu tư thiết bị hiện đại, đảm bảo đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Những năm gần đây, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh có nội dung, chương trình rất phong phú, đa dạng, giờ phát sóng của các chuyên mục, chuyên trang phù hợp với nhiều đối tượng người nghe. Dù ở bất cứ nơi đâu, người nghe cũng có thể biết được mọi chuyện, mọi thông tin trên thế giới thông qua các kênh phát sóng của các đài phát thanh chính thống. Bạn thử hình dung, một ngày nào đó mà không có tin tức của phát thanh thì cuộc sống, nhu cầu thông tin sẽ thiếu hụt một kênh thông tin vô cùng quan trọng.
Ông Cao Thanh Cường-Phó Chủ tịch UBND phường An Phú kiểm tra thông tin trước khi phát trên hệ thống loa truyền thanh. Ảnh: N.M |
Cho tới ngày nay, người viết bài này vẫn giữ thói quen nghe đài qua radio hoặc điện thoại thông minh luôn bên mình những khi xa nhà, lúc đi công tác nơi vùng sâu, hải đảo. Đặc biệt, giọng đọc của các biên tập viên, phát thanh viên của “Đài nhà” quen thuộc, truyền cảm. Còn nhớ hồi năm 2010, được ra thăm cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo trên quần đảo Trường Sa, tôi mua đem theo hàng chục chiếc radio nho nhỏ để tặng các chiến sĩ trên đảo. Thấy họ vui vẻ khi nhận món quà nhỏ ấy, lòng tôi thật ấm áp. Có chiến sĩ bảo rằng, khi đứng canh một mình trên tiền tiêu có chiếc radio cùng với tai nghe sẽ đỡ... buồn. Về các vùng đồng bào dân tộc thiểu số xa xôi hẻo lánh, chiếc radio với họ thật hợp lý và quý giá biết bao, khi ra đồng, lúc lên rẫy vẫn biết được tin tức vùng miền thông qua các đài phát thanh, nhất là các buổi phát thanh bằng tiếng mẹ đẻ của bà con mà làn sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và các đài địa phương phát sóng.
Hiện nay, dù báo hình, báo điện tử, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ thì phát thanh vẫn đóng vai trò rất quan trọng. Phát thanh có vai trò cốt yếu trong việc cung cấp thông tin đa dạng, đa chiều, chính thống tới người nghe mọi lúc, mọi nơi và được công nhận là một loại hình truyền thông tiêu biểu và căn bản nhất. Đặc biệt, trong giai đoạn thông tin bùng nổ như hiện nay, lợi dụng các nền tảng của truyền thông mà những kẻ thù địch trong và ngoài nước nói xấu chế độ, bôi nhọ bản chất tốt đẹp của Đảng ta, xuyên tạc, chống phá chính quyền... thì phát thanh là công cụ hữu hiệu để chống lại các loại kẻ thù, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.