Trọng tài quốc gia 81 lần hiến máu cứu người

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Câu chuyện về môn túc cầu thường rôm rả trên bàn cà phê sáng hay trên mặt báo chủ yếu quanh việc cầu thủ nào tỏa sáng, huấn luyện viên nào đắt giá, trận đấu nào hấp dẫn… Sự chú ý ít dành cho các ông “vua sân cỏ”. Vì vậy, nhiều người không khỏi bất ngờ, thú vị khi gặp trọng tài quốc gia Nguyễn Lê Nguyên Thành (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai)-người vừa giỏi chuyên môn, vừa ham việc thiện nguyện, trong đó có đến 81 lần hiến máu nhân đạo.  

Theo nghề từ thuở… sinh viên

Gia đình không ai theo nghiệp thể thao nhưng riêng Thành thì lại đam mê từ nhỏ. Ngoài bóng đá, anh còn yêu thích điền kinh và võ thuật. Năm 2003, anh thi đỗ Cao đẳng Thể dục Thể thao Đà Nẵng. Năm sau, anh bỏ ngang, thi vào Khoa Giáo dục Thể chất Trường Đại học Hồng Bàng (TP. Hồ Chí Minh).

Đến năm 2005, khi biết Liên đoàn Bóng đá TP. Hồ Chí Minh mở lớp sơ cấp trọng tài, Thành tò mò đăng ký học. Cái duyên với nghề bắt đầu từ đây. Sau khi nhận bằng xuất sắc, anh được Liên đoàn mời vào sinh hoạt chính thức. Một năm sau, anh theo học tiếp lớp trọng tài quốc gia.

Năm 2007, khi vẫn còn là sinh viên, Thành đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam mời đi làm giải U19 quốc gia. Đến năm 2010, anh được tin tưởng giao trọng trách ở Giải bóng đá Hạng nhất quốc gia (V-League 2) trước khi chính thức lên Giải bóng đá Vô địch quốc gia (V-League) mùa bóng 2015, trong vai trò trợ lý trọng tài.

Trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành trên sân cỏ (ảnh: Nhật Nam
Trọng tài Nguyễn Lê Nguyên Thành trên sân cỏ. Ảnh: Nhật Nam


Trò chuyện cùng chúng tôi, Thành cho biết anh quyết định về lại Pleiku năm 2009 vì ba mẹ đều ở đây. Đi dạy một số trường phổ thông, trung cấp trên địa bàn thành phố một thời gian, năm 2012, anh theo học Thạc sĩ tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao TP. Hồ Chí Minh, ngành Giáo dục Thể chất. Đến mùa giải, anh lại đi làm nhiệm vụ trọng tài.

Trọng tài là người “cầm cân nảy mực”, đảm bảo tính công bằng của một trận đấu nên chuyên môn phải rất vững vàng, đồng thời phải hết sức công tâm. Nhưng dù muốn dù không, ai cũng một vài lần hứng chịu “búa rìu” của cổ động viên.

Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ với nghề, trọng tài Nguyên Thành kể: Mới đây nhất, ở mùa giải V-League 2020, anh làm nhiệm vụ trong trận Than Quảng Ninh gặp Dược Nam Hà Nam Định. Khi tỷ số đang là 2-2, cầu thủ Gaston Merlo (tên tiếng Việt là Đỗ Merlo) của đội Dược Nam Hà Nam Định ghi bàn vào lưới đội Than Quảng Ninh. Tuy nhiên, xác định cầu thủ này phạm lỗi nên trọng tài Nguyên Thành đề nghị tổ trọng tài không công nhận bàn thắng.

Kết thúc trận đấu, Dược Nam Hà Nam Định thua với tỷ số 2-3. Hậu quả là anh bị những cổ động viên quá khích của đội thành Nam “khủng bố” hơn 10 ngày bằng tin nhắn, thậm chí tìm đến tận nhà đe dọa. Để tránh những phiền phức không đáng có, anh phải tạm thời đóng Facebook. Hỏi về tâm trạng khi ấy, trọng tài Nguyên Thành chỉ nói một câu thật ngắn gọn, tự tin: “Quan trọng là mình làm đúng. Vậy thì chẳng có gì phải lo ngại”.

Trước đó, ở mùa giải V-League 2016, trọng tài Nguyên Thành gặp một tình huống không dễ phân xử trong trận Đà Nẵng gặp Thanh Hóa, cũng với bàn thắng của cầu thủ Gaston Merlo. “Khi đó, tỷ số đang là 1-1 thì Merlo ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1 cho đội Đà Nẵng. Trên sân, ai cũng cho rằng Merlo việt vị khi ghi bàn nhưng mình xác định là không, vì vậy bàn thắng được công nhận. Ngay sau trận đấu, cổ động viên Thanh Hóa phản ứng gay gắt, báo chí cũng “đập” te tua”-trọng tài Nguyên Thành nhớ lại.

Dù vậy, anh vẫn tin vào chính mình. Sau khi xem lại băng hình, Ban Kỷ luật, Ban Trọng tài của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã công nhận quyết định của anh là đúng. Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi cũng đã lên tiếng trước báo chí để bảo vệ Nguyên Thành.

Nói về cái thú vị của nghề, Thành đúc kết: “Nghề này đảm bảo cuộc chơi sòng phẳng, công minh bằng chính năng lực, trách nhiệm của mình. Chỉ 1 giây sơ suất là có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu”. Có thể nói, cặp mắt nhà nghề tinh nhạy, lập trường, bản lĩnh vững vàng, không ngả theo số đông, thậm chí có lúc không khoan nhượng để bảo vệ chính kiến… là những phẩm chất không thể thiếu ở một trọng tài.

Trọng tài Nguyên Thành và huấn luyện viên Kiatisak của đội Hoàng Anh Gia Lai (ảnh nhân vật cung cấp)
Trọng tài Nguyên Thành và huấn luyện viên Kiatisak của Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai. (Ảnh nhân vật cung cấp)


Nhận xét về Nguyên Thành, trọng tài quốc gia Nguyễn Ngọc Minh (03/2 Đinh Công Tráng, TP. Pleiku) dành những lời chân tình: “Thành là người năng nổ, hoạt bát, rất trách nhiệm với công việc. Đã nhận nhiệm vụ thì luôn hoàn thành xuất sắc, không để xảy ra những tình huống sai sót gây ảnh hưởng đến tỷ số trận đấu. Trong lối sống, Thành luôn cầu tiến, không ngại khó, ngại khổ”.

Hết mình vì cộng đồng

Uy lực trên sân cỏ là vậy, nhưng trong cuộc sống thường ngày, trọng tài Nguyên Thành rất giản dị và luôn hết mình với các hoạt động hướng về cộng đồng. Đặc biệt, anh đã 81 lần tham gia hiến máu nhân đạo.

Bắt đầu từ năm 2003, khi anh tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại xã Chư Á (TP. Pleiku). Thấy phong trào hiến máu nhân đạo phát động tại đây, anh liền đăng ký. Sau nhiều lần hiến máu, thấy sức khỏe vẫn đảm bảo, anh tiếp tục tham gia. “Từ đó năm nào cũng đều đều, đến nay tổng cộng đã 81 lần”-anh hào hứng kể.

Hiểu rõ ý nghĩa của những giọt máu cho đi, Nguyên Thành rất tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện
Hiểu rõ ý nghĩa của những giọt máu cho đi, Nguyên Thành rất tích cực tham gia phong trào hiến máu tình nguyện. Ảnh: Phương Duyên


Nhiều năm trở lại đây, Thành là thành viên tích cực của Câu lạc bộ “Giọt hồng Pleiku”. Lần gần đây nhất, chiều 25-1, khi đang chạy bộ thì anh biết tin Bệnh viện Quân y 211 cần 4 đơn vị máu O cấp cứu. Thành liền có mặt, đồng thời kêu gọi bạn bè chung sức.

“Nếu thiếu máu, bệnh nhân có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, tôi không ngại khi cho đi những giọt máu của mình”-Thành mỉm cười chia sẻ. Với suy nghĩ đó, anh thường xuyên vận động hội viên Câu lạc bộ Gym, Yoga Nguyên Thành (do anh làm chủ) tích cực tham gia phong trào này.

Bà Trần Thị Túy Uyển-Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Giọt hồng Pleiku”-cho hay: “Thành tham gia Câu lạc bộ 3-4 năm nay, là thành viên tích cực, nhiệt tình. Bên cạnh thường xuyên tham gia các đợt hiến máu do Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP. Pleiku phát động (2 lần/năm), Thành cũng sẵn sàng tham gia hiến máu đột xuất theo sự vận động của các cơ sở y tế”.

Không dừng lại ở đó, trọng tài Nguyên Thành còn rất yêu thích công tác thiện nguyện. “Hồi sinh viên, mình thường cùng bạn bè đi làm từ thiện ở chùa Kỳ Quang (quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh), nơi nuôi dưỡng  trẻ mồ côi. Từ khi đó mình đã tâm niệm đóng góp được gì cho xã hội thì cố gắng. Nhiều người còn khổ hơn mình cả ngàn lần”-anh nói.  

Trọng tài Nguyên Thành (hàng đứng, thứ 2 từ phải sang) trao quà cho học sinh nghèo xã Hà Đông (huyện Đak Đoa). Ảnh: Phương Duyên
Trọng tài Nguyên Thành trao quà cho học sinh nghèo xã Hà Đông (huyện Đak Đoa). Ảnh: Phương Duyên


Mỗi năm vài lần, anh lại bỏ tiền túi rồi vận động bạn bè, các thành viên Câu lạc bộ “Giọt hồng Pleiku” và các nhà hảo tâm chung tay giúp người dân vùng khó khăn. Mới đây, anh tham gia chuyến tặng 40 suất quà (trị giá 250.000 đồng/suất) cho người nghèo xã Tân Sơn (TP. Pleiku). Trước đó, tháng 9-2020, anh lặn lội vào xã Hà Đông (huyện Đak Đoa) trao 60 suất quà cho học sinh và các hộ nghèo tại đây.

Gặp và trò chuyện cùng Nguyên Thành, có thể thấy ở anh nguồn năng lượng bất tận. Ngoài nghề trọng tài, anh còn là Ủy viên Ban Kỷ luật, Ban Tổ chức sự kiện và thi đấu của Liên đoàn Yoga Việt Nam. Nguyên Thành cũng đặc biệt ham mê kinh doanh. Ở tuổi 38, anh đang duy trì 1 trung tâm gym, yoga và 1 quán ẩm thực Tây Nguyên tại Gia Lai; 2 mô hình tương tự cũng được gầy dựng tại Đà Nẵng.

Vừa làm chủ, vừa làm huấn luyện viên kiêm quản lý từ xa, lại không chịu “buông” công tác thiện nguyện, công việc bận rộn đến mức anh dường như không có quãng nghỉ. Vậy mà Tết đến vẫn ham kinh doanh cây cảnh. Thật khó tin là anh vẫn điều hành mọi thứ trôi chảy và lúc nào cũng thường trực nụ cười. “Tuổi mình còn trẻ, còn nhiều đam mê, cứ làm rồi sau xem cái gì phù hợp nhất để theo đuổi lâu dài”-Thành nói nhẹ tênh.
 

  PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

“Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”: Hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn

“Chinh phục đỉnh Pờ Yầu”: Hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn

(GLO)- Sau 2 lần tổ chức, Giải Việt dã “Chinh phục đỉnh Pờ Yầu” đã tạo nên thương hiệu trong làng việt dã. Cuối tuần này, 550 vận động viên (VĐV) sẽ tiếp tục chinh phục cung đường lên đỉnh Pờ Yầu (làng Pờ Yầu, xã Lơ Pang, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Giải chạy hứa hẹn những màn tranh tài hấp dẫn.

Sức sống từ thể thao đô thị

Sức sống từ thể thao đô thị

Giải Pickleball vô địch quốc gia lần thứ nhất sắp khởi tranh có đến hơn 60 câu lạc bộ (CLB) trên toàn quốc tham gia. Qua đó cho thấy tốc độ phát triển như của môn thể thao này dù mới “gia nhập” vào Việt Nam trong khoảng 5 năm gần đây.

Krông Pa “ươm mầm” tài năng bóng chuyền

Krông Pa “ươm mầm” tài năng bóng chuyền

(GLO)- Từng là “cái nôi” của bóng chuyền dân tộc thiểu số nhưng sau đó, Krông Pa rơi vào khoảng trống về tài năng. Hiện nay, những người đam mê môn thể thao này vẫn âm thầm ươm tài năng trẻ với hy vọng vực dậy phong trào bóng chuyền nơi “chảo lửa”.

Đưa tinh hoa võ Việt vươn xa

Đưa tinh hoa võ Việt vươn xa

(GLO)- Sau hơn 1 tuần tranh tài sôi nổi tại TP. Pleiku, Giải Vô địch Võ cổ truyền quốc gia lần thứ 33 đã khép lại với những dấu ấn đáng nhớ. Những đổi thay về luật thi đấu, độ tuổi, hạng cân, trang phục của vận động viên (VĐV)... được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt để đưa tinh hoa võ Việt vươn xa.

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai: Hơn 17,6 triệu đồng ủng hộ đồng bào miền Bắc

(GLO)- Ngày 21-9, Giải bóng đá thiện nguyện S7-Cúp Bê Tông 26 Gia Lai đã diễn ra tại sân bóng đá trong khuôn viên Trung tâm Hoạt động thanh thiếu niên tỉnh Gia Lai. Giải được tổ chức nhằm phát động quyên góp hỗ trợ đồng bào các tỉnh phía Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng nề sau cơn bão số 3.
Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

Hào hứng chinh phục cung đường đẹp như mơ của giải chạy “Nâng bước em đến trường”

(GLO)-

Rạng sáng 15-9, hơn 1.500 chân chạy đã đồng hành trong giải chạy thiện nguyện “Nâng bước em đến trường”. Các runner không chỉ được thỏa sức chinh phục cung đường đẹp như mơ của huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai), mà hơn cả còn chung tay tiếp sức cho các em học sinh vùng khó.

Khánh thành Sân thể thao cộng đồng xã Ia Ko

Khánh thành Sân thể thao cộng đồng xã Ia Ko

(GLO)- Ngày 29-8, Tỉnh Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh Gia Lai phối hợp cùng Công ty cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Tây Nguyên chi nhánh Gia Lai, Huyện Đoàn-Hội LHTN Việt Nam huyện Chư Sê khánh thành Sân thể thao cộng đồng xã Ia Ko (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).
Năng lượng lành từ yoga

Năng lượng lành từ yoga

(GLO)- Lợi ích của tập yoga ngày càng được mọi người nhận thức đầy đủ hơn, bộ môn này vì vậy càng có điều kiện phổ biến rộng rãi tại Gia Lai. Và, không ít người đón nhận năng lượng lành từ yoga.
Giải Bóng đá mang đậm tính nhân văn

Giải Bóng đá mang đậm tính nhân văn

(GLO)-

Từ 23 đến 25-8, tại sân bóng đá mini Diên Hồng (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) diễn ra Giải Bóng đá từ thiện Cúp “Áo ấm cho em” lần thứ II năm 2024. Không chỉ là sân chơi thể thao bổ ích, giải còn là dịp kết nối những tấm lòng để hướng đến học sinh vùng khó trước thềm năm học mới.