Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ, điều trị và phòng ngừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đậu mùa khỉ là loại virus hiếm gặp có họ hàng với đậu mùa. Tổng cộng, đã có hơn 100 trường hợp xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nhiều nước châu Âu, Mỹ, Canada và Australia, đánh dấu bùng phát dịch bất thường bên ngoài châu Phi.

Tổng cộng, hơn 100 trường hợp xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi, theo công cụ truy vết của Đại học Oxford. Anh, Pháp, Đức, Bỉ, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Mỹ, Canada và Australia là các nước bên ngoài châu Phi ghi nhận ổ dịch đậu mùa khỉ.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nhiều ca mắc đậu mùa khỉ ở nam giới đồng tính, song tính hoặc nam giới quan hệ tình dục đồng giới.

Đậu mùa khỉ vốn trước đây không được ghi nhận trong y văn từng lây truyền qua đường tình dục, nhưng có thể lây truyền qua tiếp xúc với người nhiễm như quần áo, ga gối trải giường.


 

Bệnh đậu mùa khỉ khó lây hơn, triệu chứng nhẹ hơn và ít tử vong hơn so với bệnh đậu mùa.
Bệnh đậu mùa khỉ khó lây hơn, triệu chứng nhẹ hơn và ít tử vong hơn so với bệnh đậu mùa.


Đức, Pháp và Bỉ đã xác nhận những ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên. Bỉ ghi nhận 2 ca nhiễm ở vùng Flanders nói tiếng Hà Lan. Còn ca nhiễm tại Đức ở vùng Bavaria,

Ca nhiễm đầu tiên tại Pháp là người đàn ông 29 tuổi ở vùng Paris, không hề có tiền sử dịch tễ tới quốc gia nào mà virus đậu mùa khỉ đang lưu hành. Các nhà chức trách cho biết trường hợp của người đàn ông Pháp nhẹ và đang được cách ly tại nhà.

Canada hiện đang điều tra hàng chục ca nghi nhiễm ở Montreal, sau khi Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã ghi nhận hơn 40 trường hợp cả nghi nhiễm lẫn xác nhận nhiễm đậu mùa khỉ, Anh xác nhận tổng cộng 20 trường hợp mắc. Trong khi đó, Australia, Italy và Thụy Điển mỗi nước đều xác nhận ca mắc đầu tiên.

Bang Massachusetts của Mỹ cũng xác nhận ca đậu mùa khỉ hiếm gặp ở người đàn ông gần đây từ Canada trở về, đồng thời tìm hiểu xem liệu có mối liên hệ với các ca nhiễm ở châu Âu.

Trong các trường hợp ghi nhận ở Bồ Đào Nha liên quan tới nam giới, đa phần là người trẻ. Những người này gặp tổn thương trên da và được biết trong tình trạng ổn định. Các nhà chức trách không tiết lộ những người này có tiền sử tới châu Phi hay có mối liên hệ nào với các ca nhiễm gần đây ở Anh quốc hay các nơi khác.

Tại Anh quốc, các ca nhiễm không hề có mối liên hệ với các bệnh trước đó, cho thấy có khả năng có nhiều nguồn lây truyền đậu mùa khỉ có thể đang diễn ra.

Bồ Đào Nha hôm 18/5 ghi nhận 5 trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ ở nam giới trẻ và đang điều tra 15 trường hợp nghi nhiễm khác.

Tại Tây Ban Nha, vùng Madrid đang điều tra 23 trường hợp nghi nhiễm đều ở nam thanh niên, phần lớn quan hệ tình dục đồng giới.

1. Triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ

Bệnh đậu mùa khỉ có liên quan tới bệnh đậu mùa vốn đã được xóa sổ vào năm 1980. Bệnh đậu mùa khỉ khó lây hơn, triệu chứng nhẹ hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn so với đậu mùa.

Bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể từ 5-21 ngày sau khi nhiễm virus.

Các triệu chứng bệnh đậu mùa khỉ lúc khởi phát thường là sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và sưng hạch bạch huyết.

 

Hình ảnh kho tư liệu lưu trữ y văn - Một bé gái Zairian 7 tuổi bị bệnh đậu mùa khỉ ở giai đoạn cấp tính, ngày thứ 7 bị phát ban, và bệnh đậu mùa khỉ ở một cậu bé Zairian 3 tuổi bị phát ban ở giai đoạn đóng vảy, DRC, 1970-1977
Hình ảnh kho tư liệu lưu trữ y văn - Một bé gái Zairian 7 tuổi bị bệnh đậu mùa khỉ ở giai đoạn cấp tính, ngày thứ 7 bị phát ban, và bệnh đậu mùa khỉ ở một cậu bé Zairian 3 tuổi bị phát ban ở giai đoạn đóng vảy, DRC, 1970-1977

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) , triệu chứng điển hình về sau mới giúp các bác sĩ phân biệt bệnh đậu khỉ với thủy đậu hay đậu mùa.

Một khi đã bị sốt, biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ là nổi phát ban mẩn ngứa từ 1-3 ngày sau đó, thường bắt đầu nổi mụn mủ trên mặt và sau đó lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Số lượng mụn mủ nước có thể từ xuất hiện từ một vài nốt cho tới hàng nghìn nốt.

Những nốt mụn mủ này sẽ "chín" lên rồi vỡ ra rất xấu xí. Ban đầu mụn nổi lên từ nốt phẳng nhỏ xíu rồi trở thành mụn nước (bên trong mụn chứa đầy dịch), rồi trở thành mụn mủ (bên trong nốt chứa đầy mủ) và cuối cùng đóng vảy trước khi biến mất.

2. Tại sao lại gọi là đậu mùa khỉ?

Virus đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus trong họ virus Poxviridae. Virus đậu mùa khỉ lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1958 khi 2 ổ dịch giống với đậu mùa xảy ra ở khỉ trong phòng thí nghiệm nghiên cứu. Do đó, tên gọi đậu mùa khỉ của căn bệnh cũng bắt nguồn từ đó.

Nhưng khỉ có thể không phải là tác nhân gây ra bùng phát dịch, và nguồn lây tự nhiên tới nay vẫn chưa biết rõ, mặc dù Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết có khả năng loài vật gặm nhấm rất có thể là nguồn lây nhất.

"Ở châu Phi, bằng chứng về nhiễm virus đậu mùa khỉ tìm thấy ở nhiều loài vật bao gồm sóc đu dây (rope squirrels), sóc sống trên cây (tree squirrels), chuột gambian (Gambian poached rats), chuột sóc (dormice), các loài khỉ khác nhau.", WHO cho biết.

3. Bệnh đậu mùa khỉ thường điển hình ở đâu?

Bệnh đậu mùa khỉ trên người chủ yếu gây ra các ổ dịch ở khu vực rừng mưa nhiệt đới Trung và Tây Phi và thường không gặp ở châu Âu.

CHDC Congo là nước đầu tiên ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên người vào năm 1970.

Theo CDC Mỹ, ổ dịch đậu mùa khỉ đầu tiên được ghi nhận bên ngoài châu Phi có liên quan tới nhập khẩu động vật có vú bị nhiễm virus này vào Mỹ vào năm 2003.

Gần đây hơn, vào năm 2018 và 2019, hai du khách từ Anh quốc, 1 từ Israel và 1 từ Singapore, tất cả đều có tiền sử đi lại tới Nigeria, chẩn đoán mắc đậu mùa khỉ sau một ổ dịch lớn ở đó, theo CDC châu Âu.

4. Bạn có thể nhiễm virus đậu mùa khỉ như thế nào?

Bạn có thể nhiễm virus do vết cắn hay vết cào xước từ động vật nhiễm đậu mùa khỉ, do ăn thịt sống, tiếp xúc với người nhiễm virus hoặc chạm vào ga trải giường hay quần áo nhiễm virus.

Virus thâm nhập vào cơ thể qua tổn thương da, đường thở và niêm mạc (mắt, mũi hoặc miệng).

Lây truyền từ người sang người được cho là chủ yếu qua giọt bắn lớn đường hô hấp, nhìn chung là các giọt bắn này khó có thể văng xa vài m, so vậy để có thể lây được đòi hỏi phải tiếp xúc trực tiếp khá lâu.

Một số chuyên gia bình luận về ổ dịch ở Anh quốc gần đây cho rằng còn quá sớm để kết luận đậu mùa khỉ lan truyền qua đường tình dục, dù đó có thể là một khả năng.

"Các ca gần đây gợi ý một khả năng lây truyền tiềm năng", Neil Mabbott - chuyên gia tại Đại học Edinburgh, cho biết thêm các virus liên quan từng được biết tới lây qua đường tình dục.

Keith Neal, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Nottingham, cho biết lây truyền có thể không xảy ra trong hoạt động tình dục mà chỉ là "sự tiếp xúc gần gắn với hoạt động tình dục".

CDC Mỹ trong một tuyên bố nhấn mạnh "bất cứ ai, dù cho là xu hướng tình dục như thế nào, cũng có thể lây truyền bệnh đậu mùa khỉ thông qua tiếp xúc với dịch tiết cơ thể, vết loét đậu mùa khỉ, và đồ vật dùng chung (như quần áo và ga gối) bị nhiễm virus".

5. Có nên lo lắng về bệnh đậu mùa khỉ?

 

Đậu mùa khỉ là bệnh khá lành tính, lây lan hạn chế và đa phần người nhiễm hồi phục sau vài tuần.

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là đậu mùa khỉ không dễ lây từ người sang người và nguy cơ chung đối với người dân nói chung là khá thấp.

 

TS. Colin Brown, giám đốc các bệnh truyền nhiễm lâm sàng và mới nổi, Cơ quan An ninh Y tế Anh quốc (UKHSA)


Các bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Anh đã nhiễm virus tại Tây Phi, được các quan chức y tế cho biết khá nhẹ so với ở ổ dịch Tây Phi và có tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 1%.

Mặc dầu triệu chứng nhẹ hơn đậu mùa, bệnh đậu mùa khỉ được biết tới đã gây ra tỷ lệ tới 10% tử vong ở bệnh nhân nhiễm ổ dịch tại lòng chảo Congo, so với tỷ lệ 30% tử vong do đậu mùa, theo dữ liệu của WHO.

Tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ em và thiếu niên, và những người có hệ miễn dịch suy giảm có nguy cơ bị bệnh nặng.

Mắc đậu mùa khỉ khi mang thai cũng dẫn tới biến chứng, truyền từ mẹ sang thai nhi, hoặc thai chết lưu, WHO cảnh báo.

"Các ca đậu mùa khỉ nhẹ có thể không phát hiện ra và tiềm ẩn nguy cơ lây từ người sang người", theo WHO.


6. Điều trị và phòng ngừa đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ thường là sẽ tự khỏi theo cách của nó, nhưng một loại thuốc chống virus đường uống có tên là Tecovirimat đã được Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn đầu năm nay để điều trị bệnh đậu mùa (smallpox), bệnh đậu mùa khỉ (monkeypox) và cowpox. Nó có thể hạn chế sự lây lan của virus cũng như ngăn bệnh nặng.

Tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa được cho là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa đậu mùa khỉ. Nhưng do bệnh đậu mùa đã được xóa sổ từ hơn 40 năm trước, dân số trẻ "không còn hưởng lợi nhờ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa đậu mùa trước đây", theo WHO, do thời gian trôi qua đã quá lâu.

Một loại vaccine mới do Bavarian Nordic phát triển nhằm phòng ngừa cả đậu mùa lẫn đậu mùa khỉ đã được phê chuẩn ở EU, Mỹ và Canada, nhưng chưa được lưu hành rộng rãi.

Ngoài ra, CDC cho biết việc sát khuẩn nhà cửa cũng góp phần tiêu diệt virus đậu mùa khỉ.


https://suckhoedoisong.vn/trieu-chung-cua-benh-dau-mua-khi-dieu-tri-va-phong-ngua-169220520162628897.htm?utm_source=dable

Theo Nguyễn Vân (suckhoedoisong/Euro News)

 

Có thể bạn quan tâm

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Trung Quốc phản đối gọi HMPV là 'vi-rút lạ'

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Guo Jiakun ngày 10/1 cho biết, quy mô lây lan các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp ở Trung Quốc năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái, và metapneumovirus ở người (HMPV) đã lưu hành hơn 60 năm, không phải chủng vi-rút mới.

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

(GLO) - Sau 1 năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Hùng Vương Gia Lai đã trở thành địa chỉ khám-chữa bệnh tin cậy trong khu vực. Trong định hướng phát triển, đơn vị tiếp tục có chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng tốt hơn.

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Bệnh viêm phổi do virus HMPV nguy hiểm như thế nào?

Virus gây viêm phổi trên người (Human Metapneumovirus - HMPV) gây ra biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm phế quản, cơn hen suyễn hoặc bùng phát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), suy hô hấp, viêm tiểu phế quản nặng đặc biệt là trẻ em.