Trẻ con lai ở miền Tây-kỳ 1: Con không cha như nhà không nóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hôn nhân tan vỡ trên xứ người, nhiều cô dâu Việt mang theo hàng ngàn đứa con lai từ Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc... trở về. Phía trước những đứa trẻ ấy là hành trình gian nan về cuộc sống và pháp lý.

Chúng tôi trở lại cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ, nơi hơn mười năm trước được gọi là "đảo Đài Loan" khi cả cù lao có hơn 1.000 cô gái đi lấy chồng ngoại, chủ yếu là Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc.

 

Bé Lee Chaewon và những ký ức Hàn Quốc còn lại.
Bé Lee Chaewon và những ký ức Hàn Quốc còn lại.

Mấy năm gần đây, các cô gái Tân Lộc rời cù lao lấy chồng ngoại giảm dần, nhưng người Tân Lộc lại đón dòng hồi hương của các đứa trẻ con lai trở về quê mẹ.

"Con không cha như nhà không nóc" - câu chuyện hồi hương của những đứa trẻ con lai không có cha bên cạnh còn buồn hơn cả câu chuyện ly hương của những người mẹ năm nào.

Đoạn trường ở quê mẹ

"Con chào chú!" - cô bé Lee Chaewon khoanh tay chào rành rọt khi chúng tôi vừa đến nhà.

Từ cái tên đến khuôn mặt không khó nhận ra đó là một cô bé Hàn Quốc, nhưng Chaewon không biết nói tiếng Hàn và không có ký ức gì về quê nội khi đã trở về Việt Nam lúc 10 tháng tuổi.

Bà Nguyễn Thị Thúy, bà ngoại bé Lee Chaewon, rầu rĩ: "Năm nay con nhỏ 7 tuổi, vẫn đến trường học lớp 1 như mấy đứa trong xóm nhưng chỉ là học gửi, không có học bạ vì không có quốc tịch lẫn giấy khai sinh Việt Nam".

Rắc rối ấy của Lee Chaewon bắt nguồn từ cuộc hôn nhân dang dở của mẹ là chị Phạm Thị Bích Liên.

Năm 2010 chị Liên lấy một người chồng ở Seoul (Hàn Quốc), khi Lee Chaewon được gần 1 tuổi và chị Liên đang mang bầu bé em Lee Suu Jin thì hôn nhân đổ vỡ.

Chị Liên mang cả hai con về nước khi chưa kịp làm thủ tục ly hôn và cũng không mang theo giấy khai sinh của Lee Chaewon. Ít lâu sau thì nhận được tin người chồng ở Hàn Quốc qua đời vì tai nạn giao thông, và từ đó bặt tin luôn với gia đình chồng.

Cuộc sống nghèo khó của ba mẹ con ở xứ cù lao này không làm chị Liên quan tâm đến thân phận pháp lý của hai đứa con gái mang dòng máu Hàn Quốc. Liên gửi con cho bà ngoại đi Malaysia làm ăn đã ba năm nay chưa về, mỗi tháng gửi về vài triệu đồng nuôi con.

Cho đến khi Lee Chaewon đến tuổi học lớp 1 thì mới biết tấm hộ chiếu Hàn Quốc đã quá hạn không phải là giấy tờ để bé Lee đủ điều kiện đến trường.

Bà ngoại phải cạy cục nhờ lãnh đạo phường Tân Lộc can thiệp để bé Lee được đi học gửi, nhưng bé không có học bạ và không được hưởng các chế độ như bao đứa trẻ khác.

 

Ký ức về quê nội với cậu bé Hong Dejong chỉ là cái tên. 12 năm qua, cậu bé sống cùng ngoại và chưa một lần gặp lại người cha Hàn Quốc.
Ký ức về quê nội với cậu bé Hong Dejong chỉ là cái tên. 12 năm qua, cậu bé sống cùng ngoại và chưa một lần gặp lại người cha Hàn Quốc.

Câu chuyện của Lee Chaewon là điển hình cho số phận của hàng ngàn trẻ con lai theo mẹ trở về ở miền Tây.

Tại xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy (Hậu Giang), cậu bé Hong Deajun năm nay đã 13 tuổi nhưng chỉ mới học lớp 4. Năm 9 tuổi cậu vẫn chưa đi học vì không có quốc tịch Việt Nam.

Rất may cuối năm 2014, UBND tỉnh Hậu Giang ra văn bản "xé rào" yêu cầu các huyện phải cho tất cả trẻ con lai được đến trường và nhờ đó Hong Deajun được đến lớp.

Nhưng cũng như bé Lee Chaewon, Hong Deajun vẫn nằm trong danh sách học gửi vì không có giấy khai sinh, không có quốc tịch Việt Nam. Và muốn đổi sang quốc tịch của mẹ, các em phải chờ đến năm 18 tuổi.

"Bế tắc"

Đó là từ mà ông Phạm Văn Sách, cán bộ hộ tịch phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt), nói khi nhắc đến chuyện giấy tờ cho trẻ con lai.

 

Chị Nguyễn Thị Liếng (34 tuổi, ở cù lao Tân Lộc) có hai con với hai người đàn ông Đài Loan nhưng không đăng ký kết hôn nên giấy khai sinh của hai đứa con chị đều bị thu hồi.
Chị Nguyễn Thị Liếng (34 tuổi, ở cù lao Tân Lộc) có hai con với hai người đàn ông Đài Loan nhưng không đăng ký kết hôn nên giấy khai sinh của hai đứa con chị đều bị thu hồi.

Gần 20 năm làm trưởng ấp rồi cán bộ hộ tịch, ông Sách đã đứng ra tìm cách giải quyết cho rất nhiều trường hợp trẻ con lai, nhưng "càng làm thì càng đi vào ngõ cụt".

Ông Sách thừa nhận khoảng năm 2006 khi lác đác một vài trẻ con lai theo mẹ trở về, ở cù lao Tân Lộc đã có tình trạng bà ngoại, cậu mợ đứng ra nhận làm cha mẹ trong giấy khai sinh của các bé.

Sau đó, nhiều bé khác có cha là người nước ngoài được sinh ra tại quê mẹ cũng được phường chủ động làm khai sinh...

Tuy nhiên, sự "linh động" này sau đó bị siết lại, quận yêu cầu thu hồi tất cả giấy khai sinh cấp sai thẩm quyền. Riêng P.Tân Lộc những năm qua đã thu hồi trên 20 giấy khai sinh và ông Sách cho biết sẽ còn tiếp tục thu hồi.

Bà Phạm Thị Hương - trưởng Phòng tư pháp Q.Thốt Nốt - nói những đứa trẻ con lai trở về đều rời quê cha trong hoàn cảnh hôn nhân của cha mẹ tan vỡ.

Những cô dâu Việt khi ẵm con về nước trong cảnh trốn chạy, chưa kịp làm thủ tục ly hôn với chồng, không mang đủ giấy tờ cho con nên không thể làm khai sinh Việt Nam.

"Đây là vướng mắc lớn nhất, bởi việc quay lại quê chồng để giải quyết thủ tục ly hôn, tìm lại các giấy tờ của mình và đứa con với người chồng ngoại là điều bất khả kháng với những cô dâu Việt đã về nước" - bà Hương nói.

 

Cần Thơ có 700 con lai

Toàn Q.Thốt Nốt hiện có 154 trẻ em con lai, nhưng theo bà Hương, con số này rất biến động vì nhiều trẻ về không khai báo và đến đi liên tục. Trong đó chỉ từ năm 2014 đến nay quận đã thu hồi 33 giấy khai sinh cấp sai thẩm quyền, đồng thời ngưng cấp mới khai sinh cho nhiều trẻ con lai không đủ điều kiện.

Còn rộng hơn trong toàn TP Cần Thơ, theo thống kê tạm thời của Sở Tư pháp, có hơn 700 trẻ con lai đang sinh sống, trong đó hơn 400 trẻ không có quốc tịch Việt Nam.

Sở Tư pháp Cần Thơ cho biết năm 2016, chủ tịch UBND TP Cần Thơ từng có văn bản kiến nghị Bộ Tư pháp để các trẻ em con của công dân Việt Nam với người nước ngoài được "tham gia học tập và hưởng các quyền lợi như trẻ em Việt Nam".

Tuy nhiên, mong muốn đó cho đến nay với các trẻ con lai ở Cần Thơ và các tỉnh khác vẫn là điều ngoài tầm với.

Hiện nay, ngay cả những đứa trẻ có mẹ là người Việt Nam, cha là người Việt Nam, sinh ra ở Việt Nam nhưng cũng không có khai sinh, không có quốc tịch Việt Nam chỉ vì mẹ chúng từng kết hôn với người nước ngoài.

Viễn Sự-Sơn Lâm/tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.