Trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng dân phòng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Lực lượng dân phòng luôn có mặt đầu tiên ở hiện trường để tham gia chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại cơ sở. Vì vậy, những năm qua, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh Gia Lai đặc biệt quan tâm xây dựng, củng cố, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) cho lực lượng này.

Thành phố Pleiku có mật độ nhà cao tầng, các loại hình kinh doanh dịch vụ và cơ sở, nhà máy sản xuất lớn nhất cả tỉnh nên tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ. Do đó, những năm qua, chính quyền và lực lượng chức năng thành phố đã tập trung xây dựng, củng cố các đội dân phòng tại địa phương. Đến nay, thành phố đã xây dựng được 175 đội dân phòng với 1.760 đội viên. Đây là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC-CNCH tại cơ sở.

Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH Công an TP. Pleiku đã hướng dẫn củng cố, kiện toàn, đẩy mạnh tập huấn, huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ PCCC-CNCH cho lực lượng dân phòng. Trung tá Lương Anh Sơn-Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an TP. Pleiku) thông tin: Đến thời điểm này, Công an TP. Pleiku đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ về công tác PCCC-CNCH cho gần 70% lực lượng dân phòng trên địa bàn.

Nội dung tập huấn tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm như: các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác PCCC-CNCH; kiến thức cơ bản về PCCC-CNCH. Ngoài ra, lực lượng dân phòng được hướng dẫn về quy trình, thao tác sử dụng, cách bảo quản, bảo dưỡng các trang-thiết bị, phương tiện PCCC; một số kỹ năng, phương pháp thoát nạn khi có tai nạn, sự cố xảy ra; hướng dẫn cách sơ cứu, di chuyển người bị nạn; cách sử dụng các phương tiện chữa cháy tại chỗ để dập tắt đám cháy…

Công an TP. Pleiku huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng dân phòng. Ảnh: Bá Bính

Công an TP. Pleiku huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng dân phòng. Ảnh: Bá Bính

“Thông qua chương trình huấn luyện đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, trình độ nghiệp vụ về công tác PCCC-CNCH của lực lượng dân phòng, phát huy triệt để phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng-chống cháy, nổ, các sự cố cháy xảy ra trên địa bàn”-Trung tá Sơn cho biết.

Theo thống kê, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.576 đội dân phòng với 16.586 đội viên. Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an tỉnh) phối hợp với Công an các địa phương tổ chức tuyên truyền, tập huấn nghiệp vụ PCCC-CNCH cho 2.764 đội viên dân phòng, phấn đấu đến hết tháng 6-2023 sẽ tổ chức tập huấn cho 100% đội viên dân phòng trên địa bàn tỉnh.

Qua các lớp tập huấn cho thấy, nhận thức, trách nhiệm của lực lượng dân phòng đối với công tác PCCC-CNCH đã chuyển biến tích cực. Phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng được đẩy mạnh; lực lượng, phương tiện tại các đơn vị đã được củng cố, tăng cường. Tình hình cháy, nổ được kiềm chế. Công tác PCCC-CNCH đạt hiệu quả cao hơn.

Công an TP.Pleiku hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy cho lực lượng dân phòng. Ảnh: R'Ô HOK

Công an TP.Pleiku hướng dẫn sử dụng bình chữa cháy cho lực lượng dân phòng. Ảnh: R'Ô HOK

Để nâng cao tinh thần trách nhiệm và hỗ trợ cho hoạt động của lực lượng dân phòng, ngày 8-7-2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 28/2022/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng cho chức danh đội trưởng, phó đội trưởng đội dân phòng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đội trưởng đội dân phòng được hỗ trợ hàng tháng bằng 18% mức lương tối thiểu vùng; phó đội trưởng được hỗ trợ hàng tháng bằng 15% mức lương tối thiểu vùng. Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2023.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế của Công an tỉnh thì hiện vẫn còn 2 huyện Chư Pưh và Phú Thiện chưa phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ. Ngoài ra, 4 huyện gồm: Chư Păh, Đak Đoa, Kông Chro, Mang Yang chưa bố trí kinh phí để tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng thuộc phạm vi quản lý. Bên cạnh đó, cả 1.576 đội dân phòng trên địa bàn tỉnh đều chưa được trang bị phương tiện PCCC và chưa bố trí được nơi sinh hoạt, làm việc nên gây khó khăn cho hoạt động.

Từ thực tế cho thấy, khi xảy ra sự cố cháy, nổ tại cơ sở, vai trò của lực lượng dân phòng trong công tác chữa cháy, CNCH là rất quan trọng. Những năm qua, lực lượng dân phòng luôn có mặt đầu tiên trong gần 60% số vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh để phối hợp với các lực lượng chức năng dập tắt đám cháy. Chính vì vậy, việc đầu tư và phát huy hiệu quả hoạt động của lực lượng này sẽ góp phần giảm thiểu số vụ cháy xảy ra, kịp thời dập tắt các đám cháy ngay từ khi mới phát sinh, không để cháy lan, cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Khôn lỏi !

Khôn lỏi !

Hành vi trồng cây, xây dựng tạm trong phạm vi dự án để chờ đền bù thể hiện sự khôn lỏi, cố tình trục lợi bất chính từ chính sách của nhà nước.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

Phát huy hiệu quả Quỹ “Vì người nghèo”

(GLO)- Những năm qua, Quỹ “Vì người nghèo” nhận được sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các tầng lớp nhân dân. Từ nguồn quỹ này, hàng chục ngàn hộ nghèo trong tỉnh Gia Lai được hỗ trợ để vươn lên ổn định cuộc sống.

Vị quê giữa phố

Vị quê giữa phố

(GLO)- Đó là những thức món rất dân dã, thậm chí trước kia còn được gọi là món “con nhà nghèo”. Vậy mà giờ đây vị quê lại thành “đặc sản” giữa phố.