Trăn trở nhịp ting ning

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Như một thói quen, mỗi khi rảnh rỗi, ông A Yươnh (làng Bờ, xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang) lại tìm đến với cây đàn ting ning để cùng bầu bạn. Tiếng đàn ting ning mộc mạc đã gắn bó cùng ông bước qua bao chuyện buồn vui gần trọn kiếp người...

 Ông A Yươnh biểu diễn đàn Ting Ning trong Ngày hội Đại đoàn kết ở làng Bờ. Ảnh: L.H
Ông A Yươnh biểu diễn đàn Ting Ning trong Ngày hội Đại đoàn kết ở làng Bờ. Ảnh: L.H

Hôm nay làng Bờ ngày hội lớn: Ngày hội Đại đoàn kết. Khi ánh bình minh chưa kịp ló lên sau rặng núi, đất trời còn đẫm mùi sương đêm, ông A Yươnh đã trở dậy, lấy cây đàn ting ning đem kiểm tra kỹ lưỡng một lần nữa cho thật yên tâm trước khi khoác lên người chiếc áo thổ cẩm truyền thống của người Bahnar để đến nhà rông. Trước đó cả tháng, ông A Yươnh đã đồng ý lời đề nghị của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, rằng sẽ đánh một bản nhạc bằng cây đàn ting ning trước toàn thể quan khách và bà con làng Bờ…

Đã quá quen với những buổi biểu diễn trên sân khấu làng nhưng hôm nay, ông A Yươnh vẫn cảm thấy hồi hộp khó tả, có lẽ vì có nhiều khách quý. “Đó là một bản nhạc ca ngợi công ơn Bác Hồ, ca ngợi con người Tây Nguyên”-ông A Yươnh tâm sự. Tiếng đàn tính tang lúc dìu dặt, lúc rộn ràng… rót vào lòng người những cung điệu chất chứa đầy xúc cảm. Thanh âm phát ra từ cây đàn ting ning nhỏ bé đã đánh thức ký ức đẹp đẽ của bao người trở về với nhịp sống buôn làng xa xưa với những ngày hội vui.

 

Đàn ting ning (đàn đinh goong, đàn goong) được cấu tạo từ một ống tre dài, có đường kính 5-8 cm gắn với nửa quả bầu khô ở cuối thân đàn làm nhiệm vụ tăng độ vang cho âm thanh. Đàn có từ 10 đến 18 dây, là cây đàn dành riêng cho nam giới sử dụng. Người Bahnar trước đây thường dùng tiếng ting ning để bày tỏ tình yêu, góp vui trong đám cưới, các lễ hội, ngày vui hay đơn giản là tự chơi thỏa niềm yêu thích mỗi khi rảnh rỗi, có tâm sự... Ting ning có thể dùng độc tấu hoặc đệm hát. Nghệ sĩ Ưu tú Thảo Giang là người có công lớn cải tiến để nâng ting ning lên một tầm cao mới, đưa ting ning trở thành loại nhạc cụ có thể tham gia hòa tấu cùng dàn nhạc hiện đại.

Ông A Yươnh làm quen với cây đàn ting ning từ năm 12 tuổi. Như một mối lương duyên kỳ lạ, A Yươnh đặc biệt có hứng thú với cây đàn này. Niềm yêu thích đã tạo động lực thôi thúc cậu bé A Yươnh khi ấy quên ăn, mải mê học đàn. “Tôi còn nhớ, cây đàn ấy được mình làm từ một quả bầu khô xin của mẹ. Ống tre tôi tìm chặt được trên rừng và sấy khô trên gác bếp hàng tháng trời rồi cặm cụi đục lỗ. Sợi dây đàn được rút từ bó dây phanh của một chiếc xe đạp xin của người anh trong làng. Phải rất khó, rất lâu mới có thể hoàn thiện một cây đàn ting ning riêng cho mình dù âm thanh vẫn chưa được trong vang”-ông A Yươnh kể.

Có cây đàn cùng bầu bạn, đi đâu A Yươnh cũng đem theo. Sau này, cũng nhờ tiếng đàn ting ning mà A Yươnh “lọt mắt xanh” cô gái xinh đẹp, ngoan nhất làng. Suốt những năm tháng đi bên nhau, chẳng thể đếm được đã bao dịp buồn vui bên bếp lửa hồng trong căn nhà sàn nhỏ ấm áp, A Yươnh đã đánh những bản ting ning dành lời tâm sự cho người bạn đời và những đứa con thơ. Nhịp ting ning đã gắn bó, vun đắp cho ngôi nhà nhỏ ấy vô vàn tiếng cười hạnh phúc…

Người ta gọi ting ning (đàn goong) là cây đàn tình. Bởi ngày xưa, chàng trai Bahnar thường mượn tiếng đàn ting ning để bày tỏ tình cảm dành cho người con gái mình thầm thương trộm nhớ. Ting ning từng gợi nguồn cảm hứng và đi vào nhiều sáng tác của các nhạc sĩ gắn bó, tâm huyết với âm nhạc dân gian Tây Nguyên. Có thể kể đến, như nhạc sĩ Ngọc Tường với tác phẩm nhạc múa “Tiếng đàn đêm trăng” hay bài hát “Tiếng đàn đinh goong” với những ca từ say đắm: “Em hát lời chi/Đàn anh buông phím/Em nói lời chi/Tình anh lửa tím… Như tiếng đàn đinh goong réo rắt/Nói lời yêu nhau”. Nhạc sĩ, ca sĩ trẻ Y Jang Tuyn cũng dành nhiều tình cảm cho ting ning-nhạc cụ truyền thống của người Bahnar dân tộc của anh. Y Jang  Tuyn từng sáng tác và thể hiện rất thành công nhạc phẩm “Ting ning” ca ngợi cây đàn Ting ning mộc mạc, quen thuộc nơi bản làng yên bình: “Đêm từng đêm mang câu hát/Mang nhịp chiêng, nhịp tim rộn ràng/Mang tình anh khao khát, khát khao như tiếng đàn ting ning anh/Đàn anh mang lời ca của gió/Đàn anh mang tình yêu của núi rừng/Đàn anh mang lời ca con suối/Mang tình em, tình em khát cháy…/Đàn ting ning mang tình em mãi mãi…”. Ca từ bài hát miêu tả trọn vẹn cuộc sống, ngọn lửa tình yêu khát khao mạnh mẽ và đẹp đẽ, chân thành của những chàng trai Tây Nguyên dành cho người con gái họ yêu thương. Cũng không thể không kể đến Nghệ sĩ Ưu tú Thảo Giang-người đã góp công lớn trong việc nghiên cứu, cải tiến và đưa cây đàn ting ning lên một tầm cao mới, hòa nhập với dàn nhạc hiện đại để hiện thực hóa giấc mơ đưa ting ning vượt khỏi “lũy tre làng”…

Ông Đinh Plơnh-một nghệ nhân ở làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang) từng tham gia biểu diễn đàn ting ning tại nhiều chương trình lớn của khu vực và cả nước không giấu nổi sự nuối tiếc khi chứng kiến những tiếng đàn ting ning dần mai một trong đời sống cộng đồng. “Làng Stơr bây giờ chỉ có người già biết chơi ting ning, bọn trẻ không thích học, chẳng thích chơi. Có vài đứa mày mò học thử được vài hôm lại bỏ lửng. Chúng bây giờ thích âm nhạc hiện đại, cũng chẳng đủ kiên trì để theo đuổi chinh phục và làm bạn với cây đàn ting ning. Chúng thương ai, thích ai chắc không dùng tiếng ting ning để bày tỏ nỗi lòng nữa”-ông Đinh Plơnh bộc bạch.   

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.