Tôi tin ở cảm nhận của mình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi đang dọn nhà để làm lại, cái nhà cấp 4 đã hơn 20 năm xập xệ lắm rồi. Vấn đề là, trong quá trình dọn, thấy có khá nhiều giấy khen của Báo Gia Lai tặng cộng tác viên tích cực. Thực ra thì bây giờ tôi cũng vẫn tích cực cộng tác với Báo Gia Lai, nhưng tích cực kiểu khác. Ngày xưa năng nổ, hăng hái, viết ào ào. Viết xong là gửi, mail (hoặc fax) rồi vẫn còn cẩn thận in thêm một bản cầm lên tận nơi trao tận tay biên tập viên. Giờ chững lại, vẫn viết, nhưng chỉ khi Ban Biên tập yêu cầu, tức là đặt bài. Lý do đơn giản thôi, báo giờ đông phóng viên trẻ, khỏe và tài năng. Mình cậy có tí tuổi, tí kinh nghiệm, cái gì cũng xông vào thì… các cháu, các em thất nghiệp à. Là nói thế, chứ cũng còn lý do là… lười nữa, dù tình yêu với báo thì vẫn ngùn ngụt và khi đã nhận lời thì dẫu nửa đêm cũng vùng dậy viết.

Nghề báo có 2 việc, khác nhau, là làm báo và viết báo. Làm báo là trực ở tòa soạn, tổ chức in ấn, xuất bản tờ báo. Còn viết báo là sáng tạo bài báo để giao cho tòa soạn sản xuất ra tờ báo. Tôi cộng tác với Báo Gia Lai chủ yếu là viết, nhưng thi thoảng cũng tổ chức bài vở, như từng làm các trang thơ, trang văn hóa, từng giữ mục “Gia Lai muôn mặt” đến mấy năm. Tức là có nhiều kỷ niệm, giờ nhận lời đặt của báo viết về kỷ niệm, cứ bồi hồi không biết chọn kỷ niệm gì?

Cũng là nhờ dọn nhà, thấy xuất hiện cái quyết định của Tổng Biên tập Báo Gia Lai thời ấy, là chú Phạm Thượng Ký, về việc “đồng ý tiếp nhận ông Văn Công Hùng về Báo Gia Lai nếu được cấp trên đồng ý, công việc khi về sẽ giao”. Tức là suýt nữa tôi là người của Báo Gia Lai chứ không phải là cộng tác viên nữa. Nếu thế thì bây giờ tôi sẽ đang cùng các đồng nghiệp tất bật lo cho cuộc kỷ niệm này chứ không phải là anh cộng tác viên ngồi rung đùi hồi tưởng… ký ức. Nhưng rồi đận ấy, cấp trên không đồng ý, nên tôi vẫn… là tôi bây giờ, là cộng tác viên, bạn bè thân thiết của báo.

Mỗi một thời kỳ báo có một sự phát triển riêng, một nét nổi bật riêng, nhưng nếu tính chung thì tôi thấy thời cách đây mươi năm đổ lại, Báo Gia Lai có sự phát triển vượt bậc. In đẹp, phát hành đều, số lượng tăng, tức là bạn đọc tăng, trang-thiết bị hiện đại, có nhiều cái để đọc trên từng số báo, và điều quan trọng là, báo không bị chìm nghỉm trong cơn lốc mạng xã hội hiện nay, vẫn là một địa chỉ uy tín để bạn đọc tin vào những điều chính thống.

Ngày trước, cả tòa soạn có mỗi cái máy ảnh chung được giao cho phóng viên ảnh Đức Thanh. Giờ, hầu như ai cũng tự sắm máy ảnh riêng mình. Thậm chí máy ảnh giờ cũng… thất nghiệp, cái điện thoại smartphone đã thay thế cả máy ghi âm, máy ảnh, thậm chí là cả laptop. Tôi đã từng làm tin cho Báo Gia Lai từ Quảng Nam bằng cái điện thoại iPhone khi biên tập viên nhờ tôi tường thuật một sự kiện. Tức là, với công nghệ như hiện nay, làm báo rất dễ, ai cũng có thể trở thành một nhà báo, nếu anh có một tài khoản mạng xã hội. Và như thế thì, làm báo chính thống lại càng rất khó, bởi phải cạnh tranh quyết liệt với mạng xã hội, với các nhà báo nghiệp dư. Tức là làm báo chuyên nghiệp bây giờ không chỉ đúng, nguyên tắc hàng đầu lâu nay, mà còn phải hay. Yếu tố hay thường bị bỏ qua, giờ trở thành yếu tố quyết định để báo truyền đạt cái đúng. Nếu không hay, người đọc không đọc thì anh thông tin cái đúng cho ai được. Thực ra nếu chịu khó đọc mạng xã hội, thấy rất nhiều người chả liên quan gì đến chữ nghĩa lại viết rất hay, cả chữ và vấn đề, nhà báo chuyên nghiệp nếu không tự trau dồi rất dễ tụt hậu.

Báo Gia Lai cũng là tờ báo giữ được nhiều cộng tác viên dù xa xôi. Yếu tố xa rất quan trọng, bởi thi thoảng muốn mời cộng tác viên họp, gặp mặt, mà xa thì họ cũng ngại. Thế mà trong các cuộc họp cộng tác viên, tôi từng gặp những cộng tác viên từ Buôn Ma Thuột, Đà Nẵng, Huế… về họp. Nó chứng tỏ cái tình của báo với người viết. Nhiều báo trả nhuận bút cho cộng tác viên rất cao nhưng thiếu ấm áp là cộng tác viên “lười” ngay.

Và đây cũng là tờ báo tỉnh, theo tôi là duy nhất, có văn phòng thường trú ở… huyện. Bề thế, khang trang và chuyên nghiệp, báo phát huy được nhu cầu thông tin nhanh nhạy chính xác từ cơ sở bằng chính phóng viên của mình. Ngay một số tờ báo ngành muốn có các văn phòng đại diện hoặc thường trú ở các tỉnh thành lắm nhưng cũng không đủ lực, cả con người và điều kiện vật chất, thế mà Báo Gia Lai có hai văn phòng thường trú bề thế thì quả là đáng nể.

Và, với tư cách là người làm nghề, cộng tác với rất nhiều báo, đánh giá một cách nghiêm túc, tôi thấy Báo Gia Lai là một tờ báo có uy tín ở làng báo tỉnh cả nước, nằm ở tốp trên ở khu vực. Là cảm nhận riêng của tôi thôi, người gần 40 năm là cộng tác viên của báo, từ cái thuở báo còn in 4 trang nhỏ bằng kỹ thuật in typo sắp chữ chì, còn của người khác thế nào, tôi không biết. Nhưng, thường thì tôi tin ở cảm nhận của mình…

Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.