Tình nguyện vì cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 262 đội tình nguyện với 1.641 tình nguyện viên. Chỉ cần nhận cuộc điện thoại nhờ hỗ trợ là các tình nguyện viên thuộc các câu lạc bộ (CLB), đội, nhóm lập tức lên đường. Công việc vất vả, không có thù lao nhưng mọi người luôn sẵn sàng tình nguyện vì cộng đồng.

Hạnh phúc khi được cứu giúp người khác

Anh Trần Vũ-Chủ nhiệm CLB máu nóng Gia Lai (thuộc Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh) cho biết: Anh thường xuyên nhận những cuộc điện thoại khẩn cấp từ các bệnh viện nhờ hỗ trợ hiến máu cứu người. Khi tiếp nhận thông tin, bằng nhiều cách, CLB chia sẻ rộng rãi thông tin để vận động người có nhóm máu, đủ điều kiện phù hợp tham gia hiến máu cứu người. Qua vận động, kêu gọi, các tình nguyện viên nhanh chóng hỗ trợ bất kể thời gian nào, có trường hợp vượt hàng chục ki lô mét để đến tận nơi hiến máu cứu người.

“Câu lạc bộ Máu nóng Gia Lai được thành lập từ năm 2017, hiện có 20 thành viên nòng cốt, hơn 1.000 tình nguyện viên và có hơn 4.500 hội viên tương tác trên mạng xã hội. Thành viên CLB đa phần là các bạn trẻ, có nhiệt huyết và tinh thần hoạt động cao. Trung bình mỗi năm, CLB vận động tình nguyện viên tham gia hiến 800-1.000 đơn vị máu an toàn, trong đó có trên 50% là hiến máu khẩn cấp tại các bệnh viện”-anh Vũ thông tin.

Anh Nguyễn Phúc Cường (bìa phải)-thành viên Câu lạc bộ Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai tham gia lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức. Ảnh: N.N

Anh Nguyễn Phúc Cường (bìa phải)-thành viên Câu lạc bộ Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai tham gia lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu do Hội Chữ thập đỏ tỉnh tổ chức. Ảnh: N.N

Còn anh Nguyễn Phúc Cường-thành viên CLB Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai (thuộc Hội CTĐ tỉnh) thì cho hay: “Tôi là tài xế. Với mong muốn được hỗ trợ kịp thời cho anh em bạn hữu gặp sự cố về giao thông, tôi vào CLB được 2 năm và đã tham gia hỗ trợ cho hàng trăm trường hợp. Cứ có điện thoại về đường dây nóng của CLB thì các tình nguyện viên lập tức lên đường hỗ trợ”.

Tương tự, anh Hoàng Tuấn Anh-thành viên Đội tình nguyện viên xe cứu thương 115 Anh Biên Gia Lai-chia sẻ: “Công việc của chúng tôi liên quan đến cấp cứu cho các bệnh nhân bị tai nạn. Khi có điện thoại là chúng tôi lập tức lên đường bởi chậm giây phút nào là sức khỏe, tính mạng của người bệnh càng thêm nguy cấp. Trong quá trình làm việc, chúng tôi gặp nhiều tình huống khác nhau, có trường hợp, nếu tâm lý không vững thì sẽ bị ám ảnh, nhất là các vụ tai nạn. Vậy nhưng, niềm vui lấn át nỗi sợ và chúng tôi hạnh phúc vì góp phần cứu sống nhiều người bệnh”.

Cũng theo anh Tuấn Anh, Đội tình nguyện viên xe cứu thương 115 Anh Biên Gia Lai hỗ trợ hoàn toàn miễn phí các ca cấp cứu nội thành Pleiku và trung bình mỗi năm hỗ trợ cho hàng trăm trường hợp. Bên cạnh đó, nếu có đợt thiện nguyện thăm, tặng quà người nghèo, người khó khăn trên địa bàn tỉnh thì các thành viên của đội đều sẵn sàng góp kinh phí để có những phần quà thiết thực tặng người dân.

Nâng cao kiến thức cho tình nguyện viên

Không chỉ có sự nhiệt huyết, năng nổ, cống hiến mà tình nguyện viên còn phải có kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ cộng đồng, nhất là các kỹ năng sơ cấp cứu. Anh Cường cho hay: “Tôi vừa tham gia lớp tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu do Hội CTĐ tỉnh tổ chức. Đối với tình nguyện viên hỗ trợ về giao thông thì những kiến thức này hết sức quan trọng. Có thể trong một sự cố giao thông nào đó, nhờ có kiến thức, kỹ năng học được, chúng tôi có thể áp dụng kịp thời sơ cấp cứu giúp người gặp nạn vượt qua nguy hiểm ban đầu. Tôi cho rằng, một tình nguyện viên có hiểu biết, có kiến thức đa dạng thì việc hỗ trợ sẽ càng đạt hiệu quả cao”.

Tình nguyện viên sẵn sàng tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Như Nguyện

Tình nguyện viên sẵn sàng tham gia hiến máu tình nguyện. Ảnh: Như Nguyện

Theo anh Vũ, để huy động mọi người tham gia hiến máu tình nguyện đòi hỏi phải có kỹ năng nhất định. Vì vậy, có lớp tập huấn nào liên quan vấn đề này thì anh và các thành viên CLB đều dành thời gian tham gia. Nhờ tham gia các lớp tập huấn, các thành viên có kiến thức, kinh nghiệm và triển khai các hoạt động của CLB một cách hiệu quả.

Toàn tỉnh hiện có 262 đội tình nguyện với 1.641 tình nguyện viên. Nhằm nâng cao kiến thức cho các tình nguyện viên, hàng năm, Hội CTĐ tỉnh phối hợp tổ chức các lớp tập huấn liên quan đến công tác CTĐ như: tập huấn về vận động hiến máu tình nguyện, kỹ năng sơ cấp cứu tai nạn giao thông...

Ông Cao Xuân Nam-Phó Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh-thông tin: Trong năm 2023, Hội phối hợp tổ chức 8 lớp tập huấn sơ cấp cứu ban đầu cho 388 lượt cán bộ, tình nguyện viên CTĐ tại các huyện Đak Pơ, Chư Pưh, Chư Sê, Mang Yang, Phú Thiện, thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và các CLB, đội, nhóm. Qua tập huấn, các tình nguyện viên có thêm kiến thức, kỹ năng từ đó hỗ trợ cộng đồng hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

Vợ chồng nghèo cưu mang cháu bé bị bỏ rơi

(GLO)- Tuy gia cảnh nghèo khó nhưng vợ chồng anh Rơ Lan Ky (SN 1991), chị Kpuih Krak (SN 1994, ở làng Grôn, xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vẫn mở rộng vòng tay cưu mang bé gái bị bỏ rơi. Đã hơn 3 năm trôi qua, họ vẫn chăm bẵm nuôi nấng cháu bé như con mình.

Đã nghèo còn gặp tai ương

Đã nghèo còn gặp tai ương

(GLO)- Ở tuổi 60, ông Võ Văn Nhị (thôn Tiên Sơn 1, xã Tân Sơn, TP. Pleiku) vẫn phải lặn lội hàng chục cây số để làm thợ hồ. Rồi tai ương bất ngờ ập đến sau vụ sập giàn giáo. Tuy giữ được mạng sống nhưng ông Nhị phải nằm liệt ở bệnh viện, cuộc sống gia đình đã cơ cực nay lại càng thêm khó.

Không thể cuốn trôi…

Không thể cuốn trôi…

Cơn bão số 3 hoành hành, nhiều tỉnh miền Bắc chìm trong biển nước. Sau mưa bão, hàng trăm người đã ra đi mãi mãi, có những gia đình bơ vơ không còn nhà cửa, phải sống tạm bợ.