(GLO)- Dù mới hoàn thành, đưa vào sử dụng gần 2 năm nay, nhưng sau tác động của các đợt mưa lũ trước, nhiều hạng mục công trình trên đoạn tuyến tránh ngập của tỉnh lộ 669 hiện nay đã bị hư hỏng nặng, đe dọa đến sự an toàn của tuyến đường này…
Tỉnh lộ 669 có tổng chiều dài gần 30 km (từ thị xã An Khê đến huyện Kbang) và kết nối với tuyến quốc lộ 19 tại ngã ba Đồng Găng. Những năm trước, trong quá trình xây dựng thủy điện An Khê-Ka Nak, tuyến đường này bị hư hỏng nặng, gây khó khăn cho người dân trong quá trình tham gia giao thông trong một thời gian dài và mới được khởi công xây dựng lại từ tháng 4-2009. Dự án cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 669 đoạn từ Km0+287 đến Km29+408 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án thủy điện 7 đóng vai trò quản lý dự án với quy mô thiết kế đường cấp IV, kết cấu mặt đường được đổ bê tông nhựa. Dự án được chia làm 6 gói thầu xây lắp, với tổng kinh phí xây dựng hơn 83 tỷ đồng.
Nhiều hạng mục trên đoạn tuyến tránh ngập bị hư hỏng hoàn toàn. Ảnh: Lê Anh |
Đến năm 2013, tất cả các hạng mục công trình trên tỉnh lộ 669 được hoàn thành và đưa vào sử dụng, đồng thời bàn giao cho Sở Giao thông-Vận tải quản lý. Tuy nhiên, trong cơn bão số 15 có kèm theo mưa lớn, cùng với quá trình xả lũ của thủy điện An Khê-Ka Nak (vào ngày 15-11-2013), đã gây hư hại nặng cho các đoạn tuyến tránh ngập từ Km5 + 900 đến Km6 + 514, tỉnh lộ 669 (thuộc địa phận phường An Phước, thị xã An Khê).
Qua quá trình kiểm tra của đoàn công tác Sở Giao thông-Vận tải về hạ tầng giao thông của tỉnh lộ 669 trước mùa mưa bão năm nay đã xác định được: ở khu vực thượng lưu và hạ lưu; lượng bê tông bị sạt lở gần hơn 40 m3, cuốn trôi 500 m3 đất đá, nhiều cống thoát nước bị đẩy ra xa khỏi vị trí, tường cánh chắn sóng đoạn tuyến tránh ngập nhiều nơi bị sập đổ hoàn toàn… và đang xâm lấn dần vào lòng đường. Theo cơ quan chuyên môn, trong mùa mưa bão năm nay, nếu gặp thời tiết bất lợi, mưa lớn kéo dài, cùng với quá trình xả lũ của thủy điện, trên các đoạn tuyến tránh ngập này sẽ tiếp tục bị hư hỏng, dẫn đến nguy cơ tỉnh lộ 669 có thể bị chia cắt hoàn toàn.
Lớp bê tông bị bong trốc. Ảnh: Lê Anh |
Ngay sau khi có kết quả kiểm tra, các phòng ban chuyên môn của Sở Giao thông-Vận tải cũng đã lên các phương án để khắc phục sự cố trên. Trong đó, phải đắp lại khối lượng đất đá, bê tông bị sạt lở và cuốn trôi, đắp hơn 50 rọ đá làm bờ kè 3 lớp, đóng cọc thép để đảm bảo an toàn cho các kè đá, lắp đặt lại hệ thống cống thoát nước… ước tính tổng kinh phí để xây dựng mới và khắc phục những hư hỏng trên tuyến gần 1 tỷ đồng. Dù đang trong tình trạng nguy cấp khi mùa mưa lũ đã bắt đầu, nhưng đến nay những phương án gia cố, sửa chữa những hư hỏng trên đoạn tuyến tránh ngập này vẫn chưa được thực hiện.
Ông Trịnh Văn Thọ-Trưởng phòng Quản lý Kết cấu Hạ tầng Giao thông (Sở Giao thông-Vận tải) cho biết: “Qua quá trình kiểm tra, đánh giá tình hình, đơn vị đã xác định được những phương án để gia cố, khắc phục và cần thiết phải gấp rút thực hiện trong thời gian tới, khi mà mực nước trên lòng hồ thủy điện còn thấp. Nếu để kéo dài, khi mực nước dâng cao sẽ khó cho quá trình thi công và nguy cơ tiếp tục hư hỏng nặng trên đoạn tuyến tránh ngập này trong mùa mưa bão năm nay là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vấn đề nguồn kinh phí để khắc phục cho những hư hỏng trên đang gặp khó khăn, nên đến nay chưa thể thực hiện được…”.
Lê Anh