(GLO)- Bằng việc phát huy khả năng, sở trường và mạnh dạn giao nhiệm vụ phù hợp cho những chiến sĩ có tay nghề, mỗi năm, Tiểu đoàn bộ binh 50 (Trung đoàn 991, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã tiết kiệm được khoảng 300 triệu đồng trong việc xây dựng đơn vị.
Thiếu tá Lê Bá Văn-Chính trị viên Tiểu đoàn bộ binh 50-cho biết: Ngay khi ổn định biên chế cho chiến sĩ, đơn vị đã tổng hợp, nắm chắc số lượng những người có tay nghề trước khi nhập ngũ đưa vào các tổ, đội để cùng tham gia thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Hiện nay, Tiểu đoàn có khoảng 11 tổ, đội gồm: cắt tóc, thợ xây, thợ hàn, thợ mộc, kẻ vẽ trang trí... với khoảng 50 thành viên.
Các chiến sĩ trong tổ thợ xây đang hoàn hiện công trình. Ảnh: Phương Dung |
Cùng chúng tôi ra tham quan công trình chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn (19-8) vừa mới hoàn thành, Thiếu tá Lê Bá Văn giới thiệu đầy tự hào: “Đây là công trình của các chiến sĩ trong tổ xây dựng”. Đó là bảng pa nô khẩu hiệu với dòng chữ đắp nổi trên nền xi măng: “Huấn luyện-sẵn sàng chiến đấu cao, thực hiện nhiệm vụ chính trị của Tiểu đoàn” có chiều dài 77 m, rộng 6 m. Vì là pa nô, khẩu hiệu chào mừng 55 năm ngày thành lập đơn vị nên mọi công đoạn từ đo đạc, thiết kế, kẻ vẽ, cho đến việc đắp chữ, đắp huy hiệu “Tiểu đoàn Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” đều được các chiến sĩ làm khá tỉ mỉ, đảm bảo chữ đắp đều, cân đối, việc tô màu chữ nổi bật... Theo Thiếu tá Lê Bá Văn, công trình này nếu thuê thợ bên ngoài vào làm thì chi phí lên đến 70 triệu đồng. Trong khi đó, các chiến sĩ trong tổ thợ xây đã hoàn thành với chi phí không đáng kể.
Được đơn vị tin tưởng giao trọng trách “tổng chỉ huy” công trình, chiến sĩ Dương Văn Trọng bộc bạch: “Mấy tháng nay mưa liên tục, tôi cũng sợ công trình không hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, mọi chiến sĩ đều rất quyết tâm”. Trong 16 tháng quân ngũ, Trọng đã kịp ghi dấu ấn với nhiều công trình xây dựng ở đơn vị, từ việc kẻ vẽ pa nô, khẩu hiệu phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cho đến các khẩu hiệu tuyên truyền ở khu vực tăng gia sản xuất; từ các công trình xây dựng cảnh quan cho đến biển, bảng giáo dục truyền thống đơn vị. Chiến sĩ Dương Văn Trọng chia sẻ: “Trước khi nhập ngũ, tôi cũng không nghĩ công việc thi công các công trình quảng cáo của mình lại được phát huy ở đơn vị. Vì vậy, khi được giao nhiệm vụ, tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất, hy vọng sẽ đóng góp một phần công sức vào xây dựng đơn vị”.
Với 2 năm kinh nghiệm làm nghề thợ xây trước khi nhập ngũ nên khi tham gia tổ thợ xây, chiến sĩ Nguyễn Văn Tây (Trung đội 6, Đại đội 2) cũng nhanh chóng phát huy sở trường. Vừa tham gia xây dựng xong hệ thống 14 chuồng chăn nuôi heo trong khu tăng gia tập trung của đơn vị, Nguyễn Văn Tây chia sẻ: “Mỗi công trình được hoàn thành, tôi cảm thấy rất phấn khởi vì đã góp một phần công sức cho đơn vị”. Còn với chiến sĩ Đinh Văn Mua (Trung đội 3, Đại đội 1, thành viên đội kẻ vẽ) thì: “Tôi mới tham gia kẻ vẽ các tấm biển chỉ các tên đường gắn với những mốc thời gian quan trọng của đơn vị. Sau khi kẻ vẽ xong, tôi cũng nhớ luôn các dấu mốc”. Những tấm biển chỉ tên đường mà Mua nói đó là cách làm mới của đơn vị nhằm giáo dục truyền thống một cách trực quan cho bộ đội. Qua việc lấy các cột mốc quan trọng của đơn vị đặt làm tên các con đường nội bộ như: đường 19-8 (ngày thành lập Tiểu đoàn), đường 8/73 (tháng 8-1973 Tiểu đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân)…, ngày ngày cán bộ, chiến sĩ đi ngang qua đều nhìn thấy và dễ nhớ.
Theo Chính trị viên Tiểu đoàn, hiện nay, các tổ: cắt tóc, thợ xây trong đơn vị làm không hết việc. Bình quân mỗi tháng, tổ cắt tóc phục vụ cho khoảng 900 lượt cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, giúp tiết kiệm chi phí, góp phần thực hiện lễ tiết tác phong quân nhân. Riêng tổ thợ xây, ngoài hoàn thành công trình chào mừng kỷ niệm 55 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn thì trước đó cũng mới xây dựng xong khán đài ở sân vận động, chuồng heo 14 ô với diện tích 239 m2...
Phương Dung