Vụ việc đất công do Trường Hàng không quản lý nhưng Cục Hàng không Việt Nam lại có quyết định cấp đất cho cán bộ sau khi bị phát lộ, mở rộng tìm hiểu, phóng viên tiếp tục phát hiện thêm nhiều bất thường...
Phát hiện có hai quyết định trùng số "1103/CAAV" của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam với nhiều dấu hiệu bất thường? (Ảnh - Chính Kỳ)
“Thất thoát” đất công ở khu 38 Lam Sơn?
Trước đó, Báo NB&CL đã đăng tải bài viết “Lộ “bất thường” từ quyết định cấp đất cho cán bộ ở Cục Hàng không Việt Nam?”, phản ánh sự “lạ lùng” khi câu chuyện đất công tại khu 38 Lam Sơn, phường 2, quận Tân Bình do Trường Hàng không quản lý (sau nay đổi tên thành Học Viện Hàng không Việt Nam) nhưng phát hiện có Quyết định số 1103/CAAV ngày 15/5/1993 do Cục phó Cục Hàng không dân dụng Việt Nam (nay là Cục Hàng không Việt Nam) Vũ Quý Đĩnh thừa ủy quyền Cục trưởng ký “cấp đất” cho một cán bộ có tên Chu Hoàng Hà với diện tích lên đến 235 m2. Đáng chú ý, trong quyết định này, ngoài các phần đánh máy theo thể thức văn bản bình thường thì phần nội dung quyết định cấp cho ai, đơn vị nào, diện tích bao nhiêu… lại được viết bằng tay?
Chưa hết, sau khi Cục Hàng không dân dụng Việt Nam cấp 235 m2 đất vào năm 1993 cho ông Chu Hoàng Hà, thì mãi đến hai năm sau, tức năm 1995 ông Hà mới được chuyển về công tác tại Trường Hàng không. Và thật bất ngờ, tại đây, ông Hà tiếp tục được Trường Hàng không cho “mượn đất” để ở. Điều này đồng nghĩa với việc tại khu đất 38 Lam Sơn, ông Chu Hoàng Hà được hai lần “cấp đất” và “mượn đất”! Vì sao lại có chuyện “ưu ái” cán bộ một cách lạ lùng đến vậy?
Đặc biệt, trong quá trình tiếp cận sự việc, phóng viên (PV) phát hiện có thêm một quyết định khác trùng số với quyết định “cấp đất” trước đó cho ông Hà!
Cụ thể, ngoài quyết định cấp đất cho ông Hà số 1103/CAAV ngày 15/5/1993 thì khoảng một tháng sau, tức ngày 10/6/1993, Cục Hàng không dân dụng Việt Nam lại tiếp tục có một quyết định khác cũng trùng số với quyết định trước đó, chỉ khác là lần này do ông Đỗ Xuân Viên thừa ủy quyền Phó Cục trưởng ký cho ông Nguyễn Văn Thanh cán bộ Cục Hàng không dân dụng Việt Nam “mượn đất” để xây dựng nhà ở với diện tích 60 m2 thuộc khu sân bay Gia Lâm (Hà Nội).
Trước dấu hiệu bất thường liên quan đến hai quyết định trùng số và những vấn đề khuất tất đối với việc cấp đất công cho cán bộ Chu Hoàng Hà, để khách quan Báo NB&CL đã có công văn gửi Cục trưởng Cục Hàng không đề nghị trả lời về những vấn đề trên. Tất nhiên dù sự việc do yếu tố lịch sử để lại, nhưng những “khuất tất” này cần thiết phải được làm rõ để “đất công” không bị “thất thoát” bởi những dấu hiệu không minh bạch.
Trong khi chờ Cục Hàng không phản hồi, PV tiếp tục mở rộng tìm hiểu thông tin theo phản ánh trước đó của bạn đọc về những câu chuyện ẩn chứa hàng loạt sai phạm xảy ra tại khu đất 38 Lam Sơn do Học Viện Hàng Không Việt Nam (HKVN) quản lý. Và thật bất ngờ, trong qua trình tiếp cận các nguồn tin khác nhau từ các cơ quan chức năng cùng những hồ sơ, tư liệu có được cho thấy, nhiều diện tích “đất công” tại đây đã không còn nguyên vẹn, kể cả có thông tin làm giả hồ sơ để “chiếm” đất công!
Cụ thể, khu đất 38 Lam Sơn, phường 2, quận Tân Bình trước đây có nguồn gốc do Nhà nước quản lý. Kể từ sau năm 1975 khu đất được giao lại cho Trường Hàng không thuộc Tổng Cục Hàng không quản lý và sử dụng với diện tích 5.634,33 m2.
Khoản năm 1989 đến năm 1993, Trường Hàng không đã có các quyết định cấp đất cho 26 hộ gia đình là cán bộ, giáo viên của trường, và sau này đều được chính quyền thời bấy giờ cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà với tổng diện tích 2.980,33 m2.
Với diện tích còn lại 2.654 m2, Trường Hàng không tiếp tục cấp, tạm cấp và cho mượn đối với sáu hộ gia đình là cán bộ, giáo viên của trường với diện tích khoảng 1.080 m2 (bao gồm nhà và đất xung quanh), còn lại là phần đất trống cùng đường nội bộ khoảng trên 1.500 m2. Đến năm 2006, Trường Hàng không chính thức đổi tên thành Học viện Hàng không Việt Nam và trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Năm 2010, Bộ Tài Chính có công văn gửi Bộ GTVT về việc thực hiện phương án tổng thể sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các đơn vị thuộc Bộ GTVT trên địa bàn TP.HCM. Theo đó toàn bộ khu đất 38 Lam Sơn do Học viện Hàng không quản lý sẽ được chuyển giao lại cho TP.HCM quản lý, xử lý theo quy định.
Tuy nhiên, theo các hồ sơ tư liệu có được cho thấy trước khi chuyển giao về cho Thành phố thì đất công tại đây đã bị các hộ dân lấn chiếm sử dụng nhưng đến nay vẫn không bị xử lý triệt để hoặc thu hồi trả lại nguyên trạng theo đúng quy định pháp luật.
Hiện trạng Khu đất 38 Lam Sơn, phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM. (Ảnh - CK)
Cụ thể, có khoảng 10 hộ dân lấn chiếm hẻm 38 Lam Sơn với tổng diện tích 227,15 m2 để làm sân sau nhà đồng thời làm tường rào bao lại. Về vấn đề này, UBND TP.HCM đã có văn bản số 5224/VP-PCNC ngày 3/7/2013 chỉ đạo giao cho UBND quận Tân Bình kiểm tra, xử lý về hành vi lấn chiếm đất của các hộ dân đối với phần đất 227,15 m2, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả để trả lại sự thông thoáng và hiện trạng ban đầu của con hẻm chung, sau khi xử lý giao UBND quận Tân Bình lập thủ tục kê khai và quản lý sử dụng.
Thế nhưng đến nay, phần đất bị các hộ dân lấn chiếm vẫn còn nguyên vẹn, đồng nghĩa với diện tích 227,15 m2 đất công tại đây có dấu hiệu thất thoát và nguy cơ trở thành tài sản riêng của các hộ dân.
Giả mạo giấy tờ để hợp thức hóa đất công!
Không dừng lại ở những trường hợp lấn chiếm đất công, mà tại khu đất 38 Lam Sơn, phường 2, quận Tân Bình, theo phản ánh còn có một trường hợp đình đám khác mà ai cũng biết đó là làm giả hồ sơ để chiếm đoạt đất công do Trường Hàng không quản lý?
Để xác thực thông tin trên, sau hơn một tháng tiếp cận tìm hiểu, PV đã xác tín trường hợp làm giả hồ sơ để hợp thức hóa đất công tại đây là có thật!
Cụ thể, từ các hồ sơ, tư liệu thu thập được cho thấy nhà đất tại số 38/21 Lam Sơn (số mới là 29/17 Yên Thế), phường 2, quận Tân Bình đã bị ông Ngụy Hữu Bá (nguyên cán bộ Trường Hàng không) giả mạo giấy tờ để làm thủ tục hợp thức hóa ngôi nhà. Sau đó được Sở Địa chính Nhà đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và đất ở số 4078/ĐCNĐ đối với căn nhà 38/21 Lam Sơn với diện tích 87,3 m2, thửa số 11, tờ bản đồ số 37 cho hai vợ chồng ông Bá. Đến đầu năm 2004, ông Bá và vợ làm hợp đồng tặng cho ngôi nhà trên cho con gái là Ngụy Thị Sao Chi. Và khoảng tám tháng sau, bà Chi tiếp tục chuyển nhượng căn nhà số 38/21 Lam Sơn cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Luyện…
Về vấn đề này, các cơ quan chức năng của thành phố cũng đã vào cuộc và có kết luận liên quan đến hành vi giả mạo để hợp thức hóa nhà đất của ông Ngụy Hữu Bá. Đồng thời UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 2926/QĐ-UBND ngày 5/6/2012 để hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nêu trên.
Tuy nhiên, về hành vi giả mạo giấy tờ để hợp thức hóa nhà đất của ông Ngụy Hữu Bá lại không thấy bị xử lý theo quy định của pháp luật? Mặt khác, theo nguồn tin riêng của PV cho biết, cũng tại diện tích đất công 87,3 m2 số nhà 38/21 Lam Sơn (số mới 29/17 Yên Thế) từ khi bị hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và đất ở đến nay, khu đất này vẫn chưa được hoàn trả nguyên trạng lại cho Trường Hàng không, ngược lại vẫn tiếp tục bị chuyển dịch sở hữu cho những người mua sau…
Để làm rõ thông tin liên quan đến trường hợp này, PV đã liên hệ và có buổi làm việc với lãnh đạo UBND phường 2, quận Tân Bình, nơi quản lý địa bàn của khu vực này. Theo đó, vị lãnh đạo UBND phường 2, quận Tân Bình hứa hẹn sẽ rà soát và cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến địa chỉ ngôi nhà trên cùng một số trường hợp khác sở hữu nhà đất tại khu 38 Lam Sơn nhưng không có giấy tờ hợp pháp.
Ngoài ra, PV cũng trực tiếp liên hệ Ban Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam để đặt lịch hẹn và tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến việc quản lý đất công tại khu 38 Lam Sơn, tuy nhiên hiện tại lãnh đạo Học viện vẫn chưa chốt được lịch làm việc với PV.
Chính Kỳ (CLO)