Thương hiệu "Gạo Phú Thiện": Giấc mơ đang thành hiện thực

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Phú Thiện là địa phương có diện tích trồng lúa lớn nhất tỉnh Gia Lai. Những năm qua, huyện đã tập trung nhiều nguồn lực quyết tâm xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”. Đến nay, những thủ tục cần thiết đã hoàn thành và dự kiến cuối năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Phú Thiện”. Việc được định danh trên bản đồ lúa gạo trong nước sẽ giúp hạt gạo Phú Thiện nâng tầm giá trị, mở rộng thị trường tiêu thụ.



Trong hành trình xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”, việc sản xuất lúa ở địa phương này những năm gần đây đã không ngừng khởi sắc. Nhiều giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt đã được đưa vào trồng trên những cánh đồng lớn, góp phần nâng cao giá trị thương mại của hạt gạo, tăng thu nhập cho người dân.

Đưa giống lúa chất lượng cao vào sản xuất

Nhờ có công trình đại thủy nông Ayun Hạ cung cấp nguồn nước tưới dồi dào nên huyện Phú Thiện trở thành vựa lúa của tỉnh và cả khu vực Tây Nguyên với diện tích hơn 6.000 ha, năng suất bình quân 90.000 tấn lúa/năm. Lúa là một trong những cây trồng mũi nhọn của huyện Phú Thiện song giá trị sản xuất vẫn chưa cao. Chính vì thế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Phú Thiện lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020) đã xác định nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng đến nâng cao giá trị sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích nhằm tăng thu nhập cho người dân. Trong đó, giải pháp quan trọng là xây dựng cánh đồng lúa lớn một giống, tiến tới xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”.

Nhiều giống lúa chất lượng cao được huyện Phú Thiện đưa vào sản xuất trên những cánh đồng lớn. Ảnh: N.S
Nhiều giống lúa chất lượng cao được huyện Phú Thiện đưa vào sản xuất trên những cánh đồng lớn. Ảnh: N.S



Ông Mai Ngọc Quý-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Một trong những giải pháp then chốt góp phần xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện” được huyện triển khai khá mạnh trong những năm qua là việc lựa chọn đưa vào sản xuất các giống lúa có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, để hình thành và xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”, huyện cũng tập trung củng cố, kiện toàn các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn, từng bước đưa các đơn vị này hoạt động theo mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị trong sản xuất.

Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai (xã Ia Ake) là một trong những đơn vị tiên phong tham gia xây dựng thương hiệu “Gạo Phú Thiện”. Ông Phạm Ngọc Nghĩa-Giám đốc HTX-cho hay: “Những năm qua, HTX đã liên kết với một số doanh nghiệp như: Tổng Công ty Thái Bình, Công ty Giống Điền Nguyên, Công ty Giống Nha Hỗ… đưa vào trồng thử nghiệm các giống lúa mới cho năng suất cao, chất lượng tốt. Sau quá trình thử nghiệm thành công, đến nay, HTX đã xây dựng được 3 cánh đồng lúa lớn một giống có tổng diện tích 120 ha với hàng trăm hộ tham gia sản xuất. Các cánh đồng lúa lớn này đều có sự tham gia của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số”.

Thu hoạch lúa ở huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.T
Thu hoạch lúa ở huyện Phú Thiện. Ảnh: Đ.T



Gia đình ông Ksor Wan (làng Glung A, xã Ia Ake) có 1 ha đất trồng lúa. Vụ Đông Xuân 2018-2019, ông gieo trồng giống lúa OM6976. Tuy nhiên, theo ông Wan, loại lúa này cây yếu, hạt thưa, năng suất chỉ đạt 7 tạ/sào. Đến vụ mùa 2019, gia đình ông được HTX Nông nghiệp Chư A Thai cung cấp giống lúa LH12 và hướng dẫn tham gia cánh đồng lớn. Đây là giống lúa đã được huyện Phú Thiện trồng thử nghiệm trong vụ Đông Xuân 2015-2016. Kết quả cho thấy, lúa sinh trưởng khỏe, chống chịu khá với hầu hết các loại sâu bệnh hại như: đạo ôn, khô vằn, bạc lá… “Tôi thấy giống lúa LH12 mà HTX cung ứng tốt hơn so với giống trước đây mình từng gieo trồng. Ưu điểm của giống lúa LH12 là bông dài, cứng cây, hạt đóng dày. Vụ mùa năm nay, gia đình tôi thu hoạch được 7,5 tấn/ha. Nếu giống này trồng ở vụ Đông Xuân thì năng suất có thể đạt 8,5 tấn/ha”-ông Wan vui mừng nói.

Theo ông Mai Ngọc Quý, hiện nay, huyện đã xây dựng được một số giống lúa chất lượng cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của địa phương, hạt gạo được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao gồm: giống LH12, JO2, TBR225, DT6, OM4900... Các giống lúa này cho năng suất cao, trung bình đạt 8-8,5 tấn/ha/vụ, chất lượng gạo ngon. Những giống lúa trên đã được địa phương lập hồ sơ gửi đến Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đề nghị cấp chứng nhận thương hiệu “Gạo Phú Thiện”.

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện cho hay: “Sau 4 năm triển khai xây dựng cánh đồng lúa lớn một giống, đến nay, trên địa bàn huyện đã có 24 cánh đồng với tổng diện tích 1.200 ha. Hàng năm, những cánh đồng này đã cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh hàng ngàn tấn gạo chất lượng cao. Các giống lúa này đều có giá bán cao hơn 300-400 đồng/kg so với giống lúa khác, giúp thu nhập bình quân của người nông dân được nâng lên, đạt 30-35 triệu đồng/ha. Nhờ đó, đời sống của bà con nông dân đã được cải thiện đáng kể, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. Hiện sản phẩm gạo Phú Thiện đã có mặt ở các thị trường như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đak Lak, Kon Tum. Đặc biệt, năm 2019, sản phẩm gạo Phú Thiện tham gia Hội chợ liên minh các HTX toàn quốc tổ chức tại Hà Nội được người tiêu dùng đánh giá rất cao”.

Sản phẩm gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai được trưng bày tại phiên chợ nông sản an toàn do UBND huyện Phú Thiện tổ chức. Ảnh: N.S
Sản phẩm gạo của Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai được trưng bày tại phiên chợ nông sản an toàn do UBND huyện Phú Thiện tổ chức. Ảnh: N.S


Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện: “Thời gian tới, huyện sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu “Gạo Phú Thiện”, đồng thời tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển, mở rộng thị trường. Với hướng đi này, việc xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm gạo sẽ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế, giúp người tiêu dùng nhận biết và lựa chọn đúng sản phẩm. Bên cạnh đó, huyện sẽ tập trung vào việc tiếp tục đưa các giống lúa mới có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện của địa phương vào sản xuất. Thông qua đó, sản phẩm lúa gạo sẽ tạo ra đặc trưng riêng, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị thương mại của hạt gạo”.

Hiện nay, nhiều HTX nông nghiệp ở Phú Thiện đã đăng ký để được cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đồng thời gắn với quy trình sản xuất “3 giảm, 3 tăng” (ICM) để hạt gạo không bị tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Ông Phạm Ngọc Nghĩa chia sẻ: Theo chủ trương của huyện, HTX Nông nghiệp Chư A Thai đã quy hoạch vùng sản xuất lúa gạo chất lượng cao, đặc biệt là cánh đồng lúa sản xuất theo quy trình ICM. Không những thế, chúng tôi còn thực hiện chuỗi liên kết với bà con nông dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nhằm giải quyết đầu ra, tránh bị tư thương ép giá. Kết thúc mỗi vụ, HTX thu mua hơn 70 tấn lúa về xay xát, đóng bao bì cung ứng ra thị trường trong và ngoài tỉnh. “Hiện nay, chúng tôi đã ký kết hợp đồng cung ứng sản phẩm gạo DT66, TBR225, JO2, LH12 cho 5 đại lý ở TP. Pleiku và 2 đại lý ở TP. Hồ Chí Minh với tổng cộng 15 tấn gạo/tháng. Tất cả những sản phẩm trên đều in logo của đơn vị và gắn tem truy xuất nguồn gốc sử dụng nhãn hiệu “Gạo Phú Thiện” trên bao bì”-ông Nghĩa thông tin.

Đóng gói sản phẩm gạo Phú Thiện của Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai. Ảnh: N.S
Đóng gói sản phẩm gạo Phú Thiện của Hợp tác xã Nông nghiệp Chư A Thai. Ảnh: N.S



Bên cạnh đó, để thương hiệu “Gạo Phú Thiện” được nhiều người tiêu dùng biết đến thì không thể thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển, đặc biệt là trong khâu chế biến, tiêu thụ. Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: Hiện nay, Công ty cổ phần Nông nghiệp Tây Nguyên đang đầu tư xây dựng nhà máy chế biến gạo tại địa phương có công suất 30.000 tấn/năm. Khi nhà máy này đi vào hoạt động sẽ góp phần nâng cao giá trị hạt gạo, chuỗi giá trị sản xuất và cải thiện đời sống người trồng lúa. Dự kiến, khoảng cuối năm 2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Gạo Phú Thiện”. Đây là cơ hội để sản phẩm gạo Phú Thiện tạo lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Nói về giải pháp nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo của địa phương, ông Tuấn cho rằng, điều quan trọng nhất là các HTX nông nghiệp và người dân cần tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Cùng với đó, người nông dân phải có nhận thức về tầm quan trọng của sản xuất an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng cũng như chính bản thân họ. Địa phương cũng đã có những hoạt động hỗ trợ thiết thực giúp bà con nông dân nhận thấy lợi ích về kinh tế từ việc tham gia cánh đồng lớn để mạnh dạn chuyển đổi sang các phương pháp sản xuất bền vững hơn, góp phần xây dựng những nhãn hiệu gạo đặc sản có xuất xứ từ vựa lúa Phú Thiện.

 NGỌC SANG

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

Gia Lai quy định mức tỷ lệ % để tính đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, đất có mặt nước

(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế vừa ký ban hành Quyết định số 61/2004/QĐ-UBND quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất, mức đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm, mức đơn giá thuê đất đối với đất có mặt nước trên địa bàn tỉnh.

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

Những mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân Ia Rtô

(GLO)- Hưởng ứng cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) đã triển khai một số mô hình hay nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, tự lực vươn lên phát triển kinh tế.

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

Ia Ka đa dạng giải pháp hỗ trợ giảm nghèo

(GLO)- Những năm qua, xã Ia Ka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo.

Kông Chro mùa gió

Kông Chro mùa gió

(GLO)- Những dãy núi cứ thế hiện ra huyền ảo trong sương sớm. Mặt trời mùa gió thắm nhẹ vén màn mưa để trải ánh vàng xuống miền đất của người Bahnar phía rừng già. Và tôi đã có những ngày mê đắm nơi vùng đất Kông Chro.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã có thể gửi ý kiến về các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất thông qua hệ thống Google form. Ảnh: Hà Duy

Gia Lai: Tiếp nhận kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp qua Google form

(GLO)- Sở Kế hoạch và Đầu tư vừa có Công văn số 3260/SKHĐT-DN đề nghị các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp, nhà đầu tư, hợp tác xã và các Hội nghề nghiệp triển khai tiếp nhận ý kiến, kiến nghị của các nhà đầu tư, doanh nghiệp qua hệ thống Google form.

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.