Thư viện thân thiện lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với không gian mở và sinh động, thư viện thân thiện tại các cơ sở giáo dục tiểu học tỉnh Gia Lai ngày càng thu hút học sinh. Cũng từ nơi này, thói quen đọc sách của các em dần được hình thành, góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) luôn cố gắng xây dựng không gian thư viện gần gũi, thân thiện với học sinh để các em có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Mộc Trà
Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông) luôn cố gắng xây dựng không gian thư viện gần gũi, thân thiện với học sinh để các em có thể đọc sách mọi lúc, mọi nơi. Ảnh: Mộc Trà

Năm học 2017-2018, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Bàu Cạn) được Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) huyện Chư Prông chọn là đơn vị triển khai thực hiện thí điểm mô hình thư viện thân thiện. Theo Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hiền, sau khi tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về mô hình, nhà trường đã thành lập tổ cộng tác thư viện và phân công các thành viên tiến hành dán gáy sách, sắp xếp và trang trí các góc cho thư viện như: góc đọc, góc viết, góc nghệ thuật... Để hoạt động của thư viện thêm phong phú, hấp dẫn, nhà trường còn huy động giáo viên, phụ huynh, học sinh tặng các loại sách, đồ dùng học tập và một số đồ chơi.

“Trước đây, thư viện nhà trường tồn tại như một kho sách hơn là phục vụ học sinh. Vì thế, khi thư viện thân thiện ra đời đã trở thành nơi hấp dẫn thu hút các em tới đọc sách. Hàng tuần, mỗi lớp học còn có 1 tiết đọc thư viện theo từng chủ đề khác nhau để các em thỏa sức trải nghiệm. Nhà trường cũng tổ chức ngày hội đọc sách hàng năm với nhiều hình thức đa dạng như: kể chuyện theo sách, thi đọc diễn cảm, giới thiệu sách mới, sắp xếp sách theo mô hình... nhằm gắn kết các em với thư viện và văn hóa đọc”-cô Hiền cho hay.

Năm học 2021-2022, thư viện xanh của Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) chính thức được đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí đầu tư công trình hơn 147 triệu đồng, được huy động từ nguồn xã hội hóa. Thư viện tọa lạc ngay cạnh cổng trường với diện tích 48 m2, toàn bộ tường được làm bằng kính cường lực, tạo không gian mở và thoáng đãng, tận dụng ánh sáng tự nhiên. Bên trong, kệ sách, bàn ghế được sắp xếp gọn gàng và trang trí thêm cây xanh khá đẹp mắt. Cô Trần Thị Minh Huệ-nhân viên thư viện-thông tin: Thư viện hiện có khoảng 10.000 đầu sách, trong đó có 5.000 đầu sách, báo, truyện thiếu nhi. Nhà trường cũng thành lập Đội cộng tác viên thư viện, Câu lạc bộ “Sách và em” để giới thiệu những cuốn sách hay và hỗ trợ, hướng dẫn học sinh khi vào thư viện đọc sách. Em Trần Vũ Hoàng My (lớp 5/4) vui vẻ nói: “Từ khi có thư viện xanh, đều đặn vào đầu mỗi buổi học hay giờ ra chơi, em và các bạn đều rủ nhau ra đây. Em đọc nhiều sách nhưng thích nhất là truyện lịch sử và những mẩu chuyện về Bác Hồ với thiếu nhi”.

Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) đọc sách tại thư viện xanh của nhà trường. Ảnh: Mộc Trà
Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (phường Tây Sơn, TP. Pleiku) đọc sách tại thư viện xanh của nhà trường. Ảnh: Mộc Trà
Mô hình thư viện thân thiện đã góp phần nâng cao tỷ lệ thư viện trường học đạt chuẩn theo Quyết định số 01/2003/QĐ-BGDĐT ngày 2-1-2003 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về xây dựng trường học xanh-sạch-đẹp cũng như xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Toàn tỉnh hiện có 160 thư viện trường học tiểu học đạt chuẩn, chiếm 77%.

Những năm qua, Trường Tiểu học Trần Phú (xã Song An, thị xã An Khê) cũng dành không gian riêng để xây dựng thư viện theo hướng thân thiện, gần gũi với học sinh; góp phần lan tỏa phong trào đọc sách, báo, tài liệu trong nhà trường. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Đặng Yến Linh cho hay: “Nhà trường đã bố trí thư viện với nhiều góc hoạt động hấp dẫn cho học sinh như: đọc, viết, trò chơi, mỹ thuật, cộng đồng. Đến với thư viện, các em không chỉ đọc sách mà còn được luyện chữ, vẽ tranh, nặn tượng, làm đồ chơi bằng giấy hay tham gia các trò chơi dân gian như: cờ vua, ô ăn quan, cờ tướng, cờ đua ngựa… Ngoài ra, tại góc cộng đồng, học sinh còn được bổ sung kiến thức về văn hóa, lịch sử địa phương, qua đó bồi đắp thêm cho các em tình yêu quê hương, đất nước”.

Theo Sở GD-ĐT, từ năm học 2012-2013, trên cơ sở Dự án mô hình trường học mới (VNEN) do Bộ GD-ĐT triển khai, toàn tỉnh đã có 70 trường tham gia xây dựng thư viện thân thiện và cho thấy hiệu quả tích cực. Đến nay, mô hình này đã được hình thành và phát triển trong tất cả các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh, bao gồm: thư viện trung tâm, thư viện cầu thang, thư viện hành lang, thư viện xanh, thư viện ngoài trời... Các trường cũng tổ chức ngày hội đọc sách, giao lưu tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, giúp các em ham thích đọc sách, mạnh dạn, tự tin trong giao tiếp.

Bà Bùi Khoa Nghi-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-nhận định: Có thể nói, thư viện thân thiện là trái tim của các trường, tác động tích cực đến việc phát triển văn hóa đọc. Tuy nhiên, hiện nay, một số trường chưa có nhân viên thư viện chuyên trách nên rất khó tổ chức các hoạt động đạt hiệu quả. Một số trường phải sử dụng phòng học để vừa làm thư viện vừa làm phòng thiết bị nên không có không gian bố trí phòng đọc cho học sinh và giáo viên; còn thiếu kinh phí để bổ sung sách, truyện để tăng cường văn hóa đọc trong nhà trường…

“Thời gian đến, Sở GD-ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường huy động mọi nguồn lực để xây dựng và phát huy hiệu quả mô hình thư viện thân thiện; đặc biệt chú trọng đến hoạt động thư viện lưu động cho học sinh tại các điểm lẻ, tạo cho các em thói quen đọc sách ở mọi lúc, mọi nơi. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên hiểu rõ vai trò của thư viện thân thiện trong xu thế đổi mới giáo dục; tạo điều kiện để nhân viên thư viện tham gia tập huấn, học tập, bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn và lòng yêu nghề. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa giới thiệu về kỹ năng, phương pháp đọc, phương pháp thu thập và xử lý thông tin cũng như các cuộc thi đọc sách, ngâm thơ, kể chuyện… cho học sinh, qua đó phát triển văn hóa đọc gắn với yêu cầu đổi mới giáo dục trong nhà trường”-bà Nghi cho biết.

 

 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không còn phù hợp

Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 không còn đặt ra tỷ lệ học nghề sau THCS khoảng 30% như giai đoạn trước. Thực tế cho thấy việc áp tỷ lệ phân luồng sau THCS không phù hợp và nảy sinh nhiều hệ lụy.

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

Công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai

(GLO)- Chiều 3-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai và Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ công bố Quyết định thành lập Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai.