Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ NNPTNT sẽ chủ động lập đường dây nóng với địa phương giáp biên giới của Trung Quốc để kịp thời tháo gỡ nếu có khó khăn trong tiêu thụ nông sản.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, Bộ NNPTNT sẽ chủ động lập đường dây nóng với địa phương giáp biên giới của Trung Quốc để kịp thời tháo gỡ nếu có khó khăn trong tiêu thụ nông sản. |
Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 đang khiến nhiều địa phương, doanh nghiệp và người dân lo lắng trong vấn đề tiêu thụ nông sản, nhất là với những loại nông sản đang chuẩn bị vào vụ, có sản lượng lớn và thời gian thu hoạch ngắn như vải thiều, nhãn. Trước tình hình đó, Bộ NNPTNT đã có giải pháp gì để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thưa Thứ trưởng?
- Trước tình hình dịch Covid-19 có nguy cơ lan rộng, có thể ảnh hưởng đến việc tiêu thụ nông sản, Bộ NNPTNT đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh mới.
Năm 2020, dù dịch Covid-19 có nhiều tác động bất lợi nhưng ngành nông nghiệp vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng 2,7%, riêng trong 4 tháng đầu năm 2021, ngành vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 3,16%.
Đáng chú ý, các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đều giữ được tốc độ tăng trưởng, không chỉ tăng về sản lượng, năng suất mà chất lượng còn cải thiện đáng kể.
Vải thiều sớm Tân Yên sẵn sàng xuất khẩu sang Trung Quốc, EU,... |
Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, nhiều nước có chiều hướng thiếu hụt nông sản, khó khăn do dịch Covid-19 cũng có thể ảnh hưởng đến cơ cấu sản xuất, thương mại cũng như chuỗi cung ứng, điều chúng ta cần quan tâm là làm sao vừa chỉ đạo sản xuất hiệu quả vừa thúc đẩy tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Theo đó, chúng tôi thống nhất chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương vừa phòng chống dịch bệnh, tiếp tục khoanh vùng các ổ dịch đồng thời với việc duy trì sản xuất ổn định.
Bộ NNPTNT cũng sẽ yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường công tác kiểm dịch thực vật, đảm bảo lô hàng xuất khẩu đáp ứng được yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đối với các vùng chuyên canh cây ăn trái sắp đến vụ thu hoạch như vải, thanh long, xoài, cần triển khai nhanh các giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Xã viên HTX Đoàn Kết (xã Mường Bú, huyện Yên Châu, Sơn La) dán tem xoài để xuất khẩu. Ảnh: Đức Tuấn |
Qua thực tiễn của năm 2020 cho thấy địa phương nào chủ động xây dựng phương án tiêu thụ kịp thời, có kịch bản ứng phó với dịch bệnh thì kết quả tiêu thụ, xuất khẩu nông sản vẫn rất khả quan.
Năm 2021, các địa phương phải tiếp tục phát huy tinh thần này, những địa phương có vùng nông sản lớn phải có phương án, hỗ trợ nông dân, hợp tác xã đẩy nhanh tiêu thụ nông sản, tránh việc ứ đọng cục bộ.
Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương cũng sẽ thành lập tổ công tác liên ngành hỗ trợ các địa phương giải quyết các vướng mắc trong tiêu thụ nông sản, đặc biệt ở khu vực cửa khẩu biên giới.
Ngoài ra, Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao cũng cần thông tin đến đại sứ quán các nước về quy mô sản xuất ở các nước để doanh nghiệp, người dân có kế hoạch cung ứng sản phẩm kịp thời.
Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT sẽ có văn bản gửi đến cơ quan chức năng Trung Quốc đề nghị họ tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan nông sản tại các cửa khẩu cặp biên giới, tránh ứ đọng cục bộ; đồng thời lập đường dây nóng với tỉnh Nam Ninh của Trung Quốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Có một nét mới trong tiêu thụ vải thiều năm nay là các địa phương chủ động kết nối với các sàn thương mại điện tử để tiêu thụ vải thiều. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về phương thức này?
- Đây là một xu hướng tất yếu, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, tiêu thụ nông sản truyền thống.
Bộ NNPTNT luôn khuyến khích các chuỗi liên kết, tiêu thụ trực tuyến, tiêu thụ nông sản thông qua các loại hình phân phối bán lẻ online trong điều kiện dịch Covid-19.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Theo Anh Thơ (ghi/Dân Việt)