Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nói giải pháp thực hiện quy định mới về dạy thêm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, nêu 5 giải pháp để chấn chỉnh được tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay.

Trao đổi với báo chí chiều nay 10.2, ông Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, dạy thêm, học thêm ngoài những đổi mới về quản lý còn cần sự thay đổi trong nhận thức của cả xã hội với vấn đề này. Do vậy, cần nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để quản lý việc dạy thêm, học thêm hiệu quả. Ở đây, ông Thưởng đề cập tới một số giải pháp.

Ông Phạm Ngọc Thưởng
Ông Phạm Ngọc Thưởng

Thứ nhất là giải pháp về hành chính. Thứ hai, giải pháp chuyên môn: nâng cao năng lực, phương pháp giảng dạy của giáo viên, trách nhiệm của nhà giáo; phát huy năng lực tự học của học sinh; đổi mới kiểm tra, đánh giá, trong đó, kiểm tra, đánh giá thường xuyên, đánh giá cuối kỳ, thi tuyển sinh phải phù hợp với nội dung, yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; không đánh đố, không ra đề ngoài nội dung chương trình để đảm bảo học sinh học theo đúng chương trình, không cần học thêm vẫn sẽ vượt qua các kỳ kiểm tra, tuyển sinh.

Tăng cường liên thông giữa giáo dục phổ thông và giáo dục đại học cụ thể như trong các bài kiểm tra năng lực đầu vào đại học sử dụng kiến thức phổ thông, không đánh đố...

Thứ ba, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất, trường học: cần có đủ trường học để đảm bảo công bằng về cơ hội tiếp cận giáo dục của học sinh. Tăng số trường, lớp dạy học 2 buổi/ngày.

Thứ tư, giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Thứ năm, giải pháp về tuyên truyền, vận động, qua đó nâng cao ý thức tự tôn, tự trọng của giáo viên để nói “không” với dạy thêm không đúng với quy định.

Ông Thưởng chia sẻ thêm, việc quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ là vấn đề chính sách mà là sự thay đổi nhận thức của xã hội. Ngoài ra, những chính sách để đảm bảo đời sống cho nhà giáo cũng là giải pháp cho vấn đề này.

Thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều tham mưu và đang tiếp tục tham mưu về các chính sách cho nhà giáo, trong đó luật Nhà giáo dự kiến được ban hành trong thời gian tới cũng sẽ mang lại những chính sách tích cực cho nhà giáo.

Theo Tuệ Nguyễn (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Ổn định dạy và học sau kỳ nghỉ Tết

Ổn định dạy và học sau kỳ nghỉ Tết

(GLO)- Ngày 6-2, thầy và trò các cấp học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025. Cùng với hoạt động “khai xuân” sôi nổi, các trường học đã ổn định nền nếp, triển khai công tác dạy và học, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2024-2025.