Nhiều giáo viên dừng dạy thêm học sinh tiểu học

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ 14.2.2025 quy định "không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống".

LỚP TIẾNG ANH CŨNG TẠM NGHỈ

Từ trước tết mấy tuần, khi thông tin xung quanh Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm bắt đầu nóng dần, chị Ngọc An (tên nhân vật được thay đổi), có con học tiểu học ở Q.1 (TP.HCM), nhận được thông tin lớp học thêm buổi chiều tối các môn toán, tiếng Việt của con sẽ tạm nghỉ. Cho đến nay, lớp vẫn chưa được mở lại. Tuy nhiên, chị vẫn đưa con tới học tiếng Anh tại một trung tâm. Ở đây, lớp học vẫn được tổ chức bình thường.

Học sinh tan học ở một trung tâm văn hóa ngoài giờ. Từ ngày 14.2, sẽ chính thức áp dụng quy định mới về dạy thêm, học thêm
Học sinh tan học ở một trung tâm văn hóa ngoài giờ. Từ ngày 14.2, sẽ chính thức áp dụng quy định mới về dạy thêm, học thêm

Tương tự, mấy tuần qua, cô Ngọc Bích (tên được thay đổi), giáo viên (GV) tiếng Anh tại Hưng Yên đã dừng lớp tiếng Anh cho học sinh (HS) tiểu học vì sợ vi phạm Thông tư 29, chỉ duy trì các lớp cho HS bậc THCS và THPT để ôn thi các chứng chỉ, thi vào lớp 10, tốt nghiệp THPT. Đây đều không phải HS do cô Bích dạy chính khóa (cô dạy chính khóa bậc tiểu học). Là GV trường công lập nên cô Bích không thể tổ chức dạy thêm, học thêm, song cô đi dạy thêm ở cơ sở có đăng ký kinh doanh, đóng thuế đầy đủ.

Cô Bích khẳng định Thông tư 29 rất hay ở điểm "GV đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của HS đối với HS mà GV đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường". Điều này sẽ loại bỏ được việc "ép" HS đi học thêm.

NHỮNG ĐIỀU CÒN BĂN KHOĂN

Tuy nhiên cô Bích rất băn khoăn khi khoản 1, điều 4 Thông tư 29 quy định "không tổ chức dạy thêm đối với HS tiểu học, trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống" nhưng không hề nhắc tới ngoại ngữ ở nhóm được "trừ" này.

Cô Bích cũng chỉ ra một vấn đề là hiện nay sĩ số mỗi lớp rất đông, không phải ở đâu cũng đáp ứng dưới 35 HS/lớp như điều lệ trường tiểu học, trong khi GV tiếng Anh trong trường công thì tuyển rất khó, có trường còn thiếu. "Mỗi tiết tiếng Anh trên trường chỉ 35 phút, sẽ là thách thức lớn nếu muốn HS tiểu học chỉ học trên trường mà có thể giỏi tiếng Anh, nhất là để đáp ứng các kỳ thi, bài khảo sát để vào lớp 6 các trường tốp đầu", cô Bích cho hay.

Một GV dạy tiếng Anh ở một trường tiểu học công lập tại TP.HCM cũng băn khoăn về việc ngoài giờ làm ở trường, cô ký hợp đồng đi dạy ở một trung tâm tiếng Anh và việc tuyển sinh hoàn toàn do trung tâm thực hiện. Chương trình cô dạy tại trung tâm tiếng Anh theo các giáo trình khác với sách giáo khoa hiện hành, giúp HS thi các chứng chỉ như Starters, Movers hay IELTS… Vậy việc làm thêm của cô có bị tính là tham gia đi dạy thêm phải tuân thủ quy định tại Thông tư 29 hay không?

"Tôi không tham gia quá trình tuyển sinh, và cũng không thu tiền. Tôi chỉ đi dạy theo hợp đồng với trung tâm. Nếu GV tiếng Anh của trường tiểu học tham gia dạy tiếng Anh ở trung tâm, lại dạy đúng lớp có HS mà mình đang dạy ở trên trường thì có vi phạm Thông tư 29 không?", GV này đặt vấn đề.

Nhiều phụ huynh cũng có cùng băn khoăn. "Con tôi là HS tiểu học, đi học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ có bị tính là vi phạm không?", phụ huynh Ngọc An thắc mắc.

Những trường hợp được và không được dạy thêm
Những trường hợp được và không được dạy thêm

DẠY TIẾNG ANH Ở TRUNG TÂM KHÔNG XẾP VÀO "DẠY THÊM"

Trả lời PV Thanh Niên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: "Việc dạy tiếng Anh tại các trung tâm chú trọng luyện nói, nghe, đọc, ôn thi các chứng chỉ như Starters, Movers… không phải dạy kiến thức trên lớp, học tiếng Anh ở đây để phát triển năng lực. Nên dạy tiếng Anh ở trung tâm (kể cả với HS tiểu học) không được xếp là dạy thêm".

Ông Minh cũng nhấn mạnh cần nắm rõ khái niệm dạy thêm, học thêm là gì. Tại khoản 1, điều 2 Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐ ngày 30.12.2024 của Bộ GD-ĐT quy định về dạy thêm, học thêm có định nghĩa: "Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng quy định trong kế hoạch giáo dục đối với các môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành".

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM nói: "Các trung tâm ngoại ngữ khi được cấp giấy phép hoạt động tổ chức dạy học thì không phải được cấp phép để dạy nội dung ở trong trường, mà để dạy tiếng Anh Starters, Movers, KET, PET…, theo một tài liệu khác, một kỹ năng phát triển khác, nên không nằm trong các nội dung chương trình chính khóa".

"Các trung tâm ngoại ngữ tại TP.HCM đang được cấp phép hoạt động giáo dục để dạy tiếng Anh thực hành theo Thông tư 28 (Thông tư số 28/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT về ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên về tiếng Anh thực hành). Không có trung tâm ngoại ngữ nào được cấp phép để dạy tiếng Anh trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 cả. Do đó nếu trung tâm ngoại ngữ tổ chức dạy học tiếng Anh chương trình GDPT 2018 là làm sai giấy phép", ông Hồ Tấn Minh nói thêm.

Phóng viên nêu câu hỏi vậy nếu trung tâm ngoại ngữ "lách luật", vẫn dạy HS ôn tập kiến thức theo Chương trình GDPT 2018 thì sao? Ông Minh cho biết ở đây là câu chuyện quản lý, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. UBND TP.HCM đã ban hành công văn, việc quản lý dạy thêm, học thêm phải tiến hành từ tất cả các cấp, từ Sở GD-ĐT tới UBND quận - huyện, phường - xã. Trung tâm, cơ sở dạy thêm, học thêm phải có trách nhiệm làm đúng theo thông tư. Trung tâm phải công khai GV, giáo trình; ai dạy, dạy những nội dung gì, giáo trình gì. Nếu đoàn kiểm tra tới thấy dạy không đúng theo giấy phép thì trung tâm bị xử phạt, thu hồi giấy phép, không được tổ chức hoạt động nữa.

Chúng tôi nêu ví dụ một GV dạy trường tiểu học công lập, ngoài giờ làm việc đi dạy chứng chỉ IC3 ở trung tâm ngoại ngữ - tin học, vậy có tính là dạy thêm theo Thông tư 29 không? Nếu GV này dạy đúng HS đang dạy ở trường tiểu học thì có được không?

Về trường hợp này, ông Minh cho biết đây không phải là hoạt động dạy thêm, học thêm, bởi dạy IC3 là dạy kỹ năng, phát triển năng lực, phẩm chất cho HS. IC3 không nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, trung tâm dạy để HS có được chứng chỉ quốc tế, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng cho HS, và đây không phải dạy kiến thức chính khóa.

GV tiểu học vẫn được dạy thêm trong một số trường hợp

Ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh Thông tư số 29 không cấm GV dạy thêm, vấn đề là phải dạy đúng quy định trong thông tư, đừng làm mất đi sự tôn nghiêm cao đẹp của ngành giáo dục, của nhà giáo.

Với GV tiểu học, thông tư cũng không cấm dạy thêm. "GV tiểu học không được dạy thêm những môn mình dạy chính khóa ở trường, ở lớp. Còn lại các thầy cô có thể dạy rèn chữ đẹp, dạy thủ công mỹ nghệ, dạy STEM, đàn hát, vẽ tranh nghệ thuật, năng khiếu…", ông nói.

Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM cũng cho biết một GV âm nhạc ở trường công vẫn có thể ra trung tâm dạy các môn nhạc cụ cho HS. Hoặc GV trong trường vẫn có thể ra trung tâm dạy đàn, dạy vẽ, thể thao… vì đây là các môn bồi dưỡng năng khiếu cho HS, không được tính là các môn dạy kiến thức văn hóa nên không bị xếp là dạy thêm, học thêm.

Theo Thúy Hằng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Ổn định dạy và học sau kỳ nghỉ Tết

Ổn định dạy và học sau kỳ nghỉ Tết

(GLO)- Ngày 6-2, thầy và trò các cấp học trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trở lại trường học sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2025. Cùng với hoạt động “khai xuân” sôi nổi, các trường học đã ổn định nền nếp, triển khai công tác dạy và học, quyết tâm hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Pleiku tăng cường phòng-chống bạo lực học đường năm 2025

Pleiku tăng cường phòng-chống bạo lực học đường năm 2025

(GLO)- Nhằm tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng-chống bạo lực học đường trong các cơ sở giáo dục năm 2025, Phòng Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) TP. Pleiku đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch góp phần xây dựng một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.