Thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025: Khác biệt hành trình, cùng chung đích đến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo thông tin từ Sở GD&ÐT, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026 ghi nhận hai thủ khoa trường THPT thường là em Võ Bảo Hân, lớp 9A2, Trường THCS Cát Thắng (huyện Phù Cát), đạt 28,5 điểm khi thi vào Trường THPT số 3 Phù Cát (huyện Phù Cát); em Nguyễn Hoàng Dũng, lớp 9A5, Trường THCS Quang Trung (TP Quy Nhơn) thủ khoa trường chuyên, đạt 47,25 điểm khi thi chuyên Hóa vào Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn (TP Quy Nhơn).

Hai học sinh này ở hai vùng quê, hai cá tính học tập hoàn toàn khác nhau. Nhưng điểm chung là cùng vươn tới đỉnh cao bằng chính năng lực, biết lựa chọn đúng trong quá trình học tập.

Võ Bảo Hân - Chăm chỉ, tự học và cầu tiến

Khác với hình dung về một thủ khoa giỏi toàn diện, Võ Bảo Hân không phải là học sinh luôn đứng đầu lớp; em tự nhận mình “không nhanh nhạy bằng nhiều bạn khác”, nhưng luôn học một cách bền bỉ và kỷ luật.

Võ Bảo Hân luôn có kế hoạch học tập cụ thể. Ảnh: HỒ ĐIỂM

Võ Bảo Hân luôn có kế hoạch học tập cụ thể.  Ảnh: HỒ ĐIỂM

Tổng 28,5 điểm (Ngữ văn 8,5; Toán 10; Tiếng Anh 10) là thành quả được xây dựng từ một công thức học rất riêng, với kế hoạch thời gian biểu bài bản. Thời gian ôn tập, mỗi ngày em học 3 môn, mỗi môn làm đúng 2 việc (lý thuyết và bài tập) và trước khi ngủ nghiên cứu lại toàn bộ tóm tắt học tập  trong ngày đã tự
xây dựng.

Chiến lược học của Hân được lên kế hoạch chi tiết từ đầu năm lớp 9. Em lập từng cột mốc kiến thức, chia nhỏ mục tiêu theo tuần, tháng. Không ôm đồm, không chạy theo quá nhiều lớp học thêm, Hân chọn cách “tự huấn luyện” theo kỷ luật học tập đã thiết kế. Chính tinh thần tự học, tự mày mò, tìm tòi đã giúp Hân tích góp thêm nhiều kiến thức thú vị, đặc biệt là môn Toán.

“Em chỉ sợ nhất là bị hổng kiến thức căn bản. Với Toán, em học kỹ từng dạng rồi mới nâng mức độ khó, tự luyện đề, vướng chỗ nào em hỏi thầy cô giáo. Với tiếng Anh, em học từ vựng theo chủ đề và luyện đề xen kẽ”, Hân chia sẻ.

Đặc biệt, Hân rất chú trọng giờ giấc và sức khỏe trong quá trình luyện thi. “Em luôn đi ngủ vào đúng 22 giờ. Giấc ngủ cũng là một phần quan trọng trong kế hoạch học của em”, Hân bộc bạch.

Theo thầy Đặng Thanh Tuấn, giáo viên chủ nhiệm của Hân, Hân không quá nổi trội lúc đầu, nhưng là học sinh có tinh thần cầu tiến, kỷ luật và chủ động học tập tốt. Em không tùy hứng, mà có kế hoạch khoa học, điều rất ít học sinh lớp 9 làm được. Chính vì vậy, trong quá trình học tập em luôn chủ động giải đề, hoàn thành tốt các bài tập được giao.

“Không chỉ học giỏi, Hân còn là lớp trưởng gương mẫu, luôn đi đầu trong các hoạt động của lớp và trường. Em năng nổ, trách nhiệm trong mọi việc, từ học tập đến phong trào, được thầy cô tin tưởng và bạn bè quý mến bởi sự gần gũi, chân thành”, thầy Tuấn chia sẻ thêm.

Nguyễn Hoàng Dũng - Cậu học trò “nghĩ bằng phản ứng hóa học”

Trái với sự trầm ổn, nguyên tắc của Hân, Nguyễn Hoàng Dũng lại nổi bật với nhiều thành tích ấn tượng, bởi tư duy nhạy bén và niềm yêu thích đặc biệt với môn Hóa. Ngay từ năm lớp 7, Dũng đã được thầy cô chú ý bởi khả năng phân tích hiện tượng và nhớ bản chất phản ứng cực nhanh.

Nguyễn Hoàng Dũng thường xuyên tìm tòi, khám phá kiến thức mới theo hướng logic. Ảnh: HỒ ĐIỂM

Nguyễn Hoàng Dũng thường xuyên tìm tòi, khám phá kiến thức mới theo hướng logic. Ảnh: HỒ ĐIỂM

“Em mê nhất là những phản ứng có màu sắc hoặc tạo khí. Nó giống như mình đang làm phép thuật; các công thức hóa học cũng tạo cho em niềm yêu thích đặc biệt, càng học càng thấy thú vị và muốn tìm tòi thêm”, Dũng chia sẻ.

Dự thi vào Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (TP Quy Nhơn), Dũng xuất sắc trở thành thủ khoa khối trường chuyên với 47,25 điểm (Ngữ văn 8,5; Toán 10; Anh 9,75; chuyên Hóa học 9,5) kết quả này chủ yếu đến từ quá trình tự khám phá và xử lý kiến thức theo kiểu “suy luận ngược”

Dũng tâm sự, thay vì học thuộc lý thuyết, em thường bắt đầu tự đặt các câu hỏi ngược: “Tại sao phản ứng xảy ra như vậy?”, “Nếu đổi chất A thành chất B thì cần điều kiện gì?”… Cách học này giúp em nhớ sâu và biến kiến thức thành hệ thống logic.

Cô Đồng Thị Mỹ Lệ, giáo viên chủ nhiệm em Dũng, cho biết: Dũng là học sinh rất ngoan, hiền, thông minh, có tư duy nhanh nhẹn, học đều tất cả các môn. Điều đặc biệt, Dũng có khả năng nhớ kỹ và nắm bắt các nội dung vấn đề rất sâu sắc, em còn nhiệt tình giúp đỡ, hỗ trợ bạn bè trong quá trình học tập.

Ngoài môn chuyên, Dũng cũng có cách tiếp cận Toán và tiếng Anh rất “hóa học”, giải quyết bài bằng sự kết nối - phân tích vấn đề như một chuỗi phản ứng.

Trong suốt 9 năm học, Dũng luôn đạt thành tích xuất sắc. Em còn đạt nhiều thành tích trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, cấp tỉnh, gần đây nhất là giải nhất kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Hóa học, Giải thưởng Quang Trung về học tập.

***

Cùng trở thành thủ khoa, Võ Bảo Hân và Nguyễn Hoàng Dũng đã chứng minh rằng thành tích không đến từ một khuôn mẫu cố định, mà từ việc hiểu rõ bản thân, lựa chọn phương pháp học phù hợp và bền bỉ theo đuổi mục tiêu. Cả hai đang chuẩn bị bước vào một chặng đường mới, nhiều thử thách hơn, nhưng cũng mở ra những cơ hội lớn hơn. Dù còn rất trẻ, hành trình vừa qua đã đủ để các em trở thành hình mẫu tích cực, truyền cảm hứng học tập và tinh thần nỗ lực cho nhiều học sinh khác.

HỒ THỊ ĐIỂM

Có thể bạn quan tâm

Công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 theo tỉnh, thành mới

Công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 theo tỉnh, thành mới

Công tác chấm thi tốt nghiệp THPT 2025 diễn ra khi vừa sáp nhập tỉnh, thành, việc công bố điểm thi sẽ theo tỉnh, thành mới; Bộ GD-ĐT sẽ phân tích kết quả thi để đánh giá độ khó của đề thi; phân tích điểm hiệu chỉnh giữa các môn thi...là những điểm đặc biệt trong việc chấm thi và công bố kết quả thi.

Ngã rẽ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT: Chọn đại học hay học nghề?

Ngã rẽ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT: Chọn đại học hay học nghề?

(GLO)- Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã khép lại nhưng cánh cửa tương lai của các sĩ tử vừa mới mở ra. Đề thi năm nay được đánh giá có độ phân hóa rõ rệt khiến nhiều em lo ngại điểm số không như kỳ vọng. Trước tình hình đó, nhiều học sinh bắt đầu trăn trở trước ngã rẽ: chọn đại học hay học nghề?

Trường ĐH Quy Nhơn, Tập đoàn GEO và Công ty TNHH O-Door Việt Nam ký kết biên bản ghi nhớ. Ảnh: Hồ Điểm

Gia Lai: Ký kết hợp tác xây dựng Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực năng lượng tái tạo hiện đại

(GLO)- Ngày 14-7, tại Trường Đại học Quy Nhơn đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Trường Đại học Quy Nhơn, Tập đoàn GEO (Đức) và Công ty TNHH O-Door Việt Nam về việc xây dựng Trung tâm đào tạo và phát triển nguồn nhân lực năng lượng tái tạo.

Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai tuyển 300 chỉ tiêu hệ chính quy năm học 2025-2026

Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai tuyển 300 chỉ tiêu hệ chính quy năm học 2025-2026

(GLO)- Năm học 2025-2026, Phân hiệu Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh tại Gia Lai sẽ tuyển sinh 300 chỉ tiêu cho 4 mã ngành. Đây là năm đầu tiên Phân hiệu thực hiện tuyển sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh và góp phần nâng cao chất lượng đầu vào ở khu vực Tây Nguyên.

null