Thơm ngon chả cá thác lác Ayun Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, chả cá thác lác Cô Sáu (thôn Thanh Thượng, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) được người tiêu dùng ưa chuộng và khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Kể về cái duyên đến với nghề làm chả cá, ông Ngô Viết Giỏi-chủ cơ sở chả cá thác lác Cô Sáu-cho hay: Năm 1990, vợ chồng ông từ Quảng Nam lên lập nghiệp tại xã Ayun Hạ. Vốn quen với sông nước, ông theo một số người dân Bình Định làm nghề đánh bắt cá trên lòng hồ Ayun Hạ. Lúc bấy giờ, cá thác lác rất nhiều. Bình quân mỗi ngày, ông đánh bắt được khoảng 30 kg cá thác lác. Cả đoàn hơn 100 người hành nghề sông nước, mỗi ngày thu được hàng tấn cá các loại.
Tuy nhiên, cá tươi được đại lý thu mua chuyển đi các chợ đầu mối, chưa ai biết chế biến cá tại chỗ. Sau này, qua tìm hiểu, thấy các tiểu thương thường sử dụng cá thác lác làm chả, vợ chồng ông học làm theo. Ăn thấy ngon, lạ miệng, ông gửi biếu người thân, bạn bè, ai cũng tấm tắc khen. Năm 2010, vợ chồng ông chuyển sang làm đại lý thu mua, chế biến chả cá thác lác. Năm 2016, cơ sở chế biến chả cá thác lác Cô Sáu chính thức ra đời. Đây cũng là cơ sở chế biến chả cá đầu tiên tại xã Ayun Hạ.
Ông Ngô Viết Giỏi-chủ cơ sở chả cá thác lác cô Sáu (thứ 2 từ phải qua, thôn Thanh Thượng, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.Ảnh.Vũ Chi
Ông Ngô Viết Giỏi (thứ 2 từ phải qua; thôn Thanh Thượng, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) giới thiệu sản phẩm với người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Chi
Theo bà Đinh Thị Kỳ (tên thường gọi là bà Sáu, vợ ông Giỏi), để làm được chả cá thơm ngon thì cá phải tươi, thân cứng, da óng ánh. Nhiều người cho rằng, thịt cá thác lác màu trắng nên chả cá có màu trắng là tất yếu.
Tuy nhiên, bà Sáu khẳng định điều ngược lại: “Nếu chả cá có màu trắng chứng tỏ làm từ cá ươn, ướp đông lạnh trước khi chế biến. Cá sau khi đánh bắt được chế biến ngay rồi mới bảo quản đông lạnh sẽ lên màu đỏ. Vì vậy, dù cá về giờ nào, vợ chồng tôi cũng tập trung nhân lực chế biến ngay, bất kể ngày đêm để giữ độ tươi ngon cho sản phẩm”.
Bên cạnh đó, chả cá làm thủ công dai, ngon hơn làm bằng máy móc. Vì khi giã cá bằng chày sẽ giữ nguyên được các thớ thịt cá, khi ăn chả sẽ dai hơn. Hiện cơ sở chế biến chả cá thác lác Cô Sáu có 6 nhân công làm việc thường xuyên. Bình quân mỗi ngày, cơ sở thu mua khoảng 1 tạ cá thác lác tươi, tương đương với 50 kg chả cá qua chế biến. Nếu bảo quản trong tủ đông, chả cá có thể để được 3 tháng. Phần da và xương cá được bán lại cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc.
Cơ sở chế biến chả cá thác lác Cô Sáu chuyên cung cấp chả cá ướp gia vị và chả cá nguyên chất. Gia vị ướp chả cá gồm bột ngọt, hạt nêm, tiêu, tuyệt đối không ướp hành và ớt. Khi chuẩn bị chế biến món ăn, tùy khẩu vị mà người dùng có thể ướp thêm. Ông Giỏi chia sẻ: 1 kg chả cá chỉ ướp 1 muỗng gia vị các loại. Nếu ướp chung hành, ớt, ăn liền sẽ thấy ngon, nhưng sau một thời gian chả sẽ bở, không còn vị thơm ngon ban đầu.
Chả cá thác lác Cô Sáu được làm hoàn toàn thủ công, đảm bảo độ dai, thơm, ngon của sản phẩm. Ảnh: Vũ Chi
Chả cá thác lác Cô Sáu được làm hoàn toàn thủ công, đảm bảo độ dai, thơm, ngon của sản phẩm. Ảnh: Vũ Chi
Mỗi ngày, cơ sở bán ra thị trường khoảng 30 kg chả cá. Riêng dịp Tết, nhu cầu tiệc cưới cùng quà biếu tăng cao, lượng chả cá tiêu thụ tăng 50-70 kg/ngày. Với giá bán 250.000 đồng/kg chả cá, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình ông Giỏi thu về hơn 250 triệu đồng. Năm 2020, chả cá thác lác Cô Sáu đã được chứng nhận sản phẩm OCOP. Hiện sản phẩm chả cá thác lác Cô Sáu còn được xuất đi thị trường các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh.
Anh Phạm Nguyên Hoàng (thôn Sơn Bình, xã Ayun Hạ) nhận xét: “Chả cá thác lác Cô Sáu là đặc sản của vùng đất Phú Thiện, ai đã ăn một lần thì nhớ mãi. Tôi thường mua về chế biến các món ăn trong gia đình và làm quà biếu người thân mỗi dịp lễ, Tết. Vì được làm thủ công, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên chất lượng sản phẩm luôn đảm bảo”.
Chia sẻ về dự định sắp tới, ông Giỏi cho biết, bên cạnh chả cá thác lác, cơ sở đang chế biến thêm sản phẩm cá rô phi một nắng. Đây cũng là nguồn thủy sản phong phú từ lòng hồ Ayun Hạ. Cá rô phi sau khi rửa sạch, phi lê, ướp gia vị, phơi khô và bảo quản tủ đông. Cá rô phi một nắng có thể rim mắm đường ăn với cơm hoặc làm đồ nướng đều được. Ông đang làm thủ tục đăng ký tham gia OCOP đối với sản phẩm cá rô phi một nắng.
Trao đổi với P.V, ông Phạm Văn Quyến-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho biết: Từ nguồn thủy sản phong phú của lòng hồ Ayun Hạ, hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 10 cơ sở chế biến chả cá thác lác. Tuy nhiên, chả cá thác lác Cô Sáu đã khẳng định được thương hiệu bởi chất lượng và uy tín trước người tiêu dùng. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để đặc sản của địa phương có thể tham gia các hội chợ, gian hàng thương mại giúp quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế, chuyển 100% biên chế cấp huyện về xã

Dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế, chuyển 100% biên chế cấp huyện về xã

(GLO)- Định hướng một số nhiệm vụ về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp dự kiến bình quân mỗi cấp xã có khoảng 32 biên chế.

Mô hình trồng ngô ngọt của phụ nữ Ia Broăi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Vũ Chi

Phụ nữ Ia Broăi thay đổi nếp nghĩ, cách làm

(GLO)- Với sự đồng hành của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), nhiều hội viên phụ nữ dân tộc thiếu số đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện gia đình, mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống.

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Sở Tài chính Gia Lai đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

(GLO)- Ngày 11-4, Sở Tài chính tỉnh Gia Lai có Công văn số 1269/STC-QLNS về việc đề xuất phân bổ lại kinh phí chi thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.

Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết tỉnh Preah Vihear

Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Gia Lai thăm, chúc Tết tỉnh Preah Vihear

(GLO)- Tiếp tục chuyến công tác tại Vương quốc Campuchia, sáng 10-4, Đoàn lãnh đạo cấp cao tỉnh Gia Lai do đồng chí Trương Văn Đạt-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết tỉnh Preah Vihear nhân dịp Tết Cổ truyền Chol Chnam Thmay.