(GLO)- Sở Công thương đã phối hợp với các sở, ban, ngành và doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh Gia Lai xây dựng kế hoạch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2020. Mục tiêu mà các đơn vị đặt ra là đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá.
15.180 tỷ đồng dự trữ hàng Tết
Theo Sở Công thương, tổng lượng hàng dự trữ cho 2 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2020 là 15.180 tỷ đồng với nhóm hàng hóa thiết yếu gồm lương thực, thực phẩm, hàng công nghiệp, may mặc, giày dép, mũ nón, hoa... Riêng tháng cận Tết, dự báo nhu cầu mua sắm sẽ tăng khoảng 30% với giá trị hàng hóa thiết yếu tương ứng 8.580 tỷ đồng; trong đó, các chủ thể kinh doanh thương mại thuộc các thành phần kinh tế khoảng 6.579 tỷ đồng, các doanh nghiệp đầu mối khoảng 1.256 tỷ đồng và hệ thống siêu thị 744 tỷ đồng.
|
Siêu thị Co.op Mart Pleiku đã trưng bày hàng hóa phục vụ Tết từ rất sớm để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Ảnh: V.T |
Ông Phạm Ngọc Dự-Phó Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Sở tích cực đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh trên địa bàn chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, tập trung một số mặt hàng thiết yếu như: lương thực, thực phẩm, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, quần áo, giày dép, điện tử, hàng gia dụng… nhằm đảm bảo số lượng, chất lượng, giá cả hợp lý, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết. Bên cạnh đó, Sở đã vận động các doanh nghiệp đầu mối có kế hoạch phân bổ nguồn hàng cho các đại lý trực thuộc tại các huyện, thị xã trong tỉnh để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân với phương châm không để thiếu hàng, sốt giá”.
Đến thời điểm này, theo các doanh nghiệp đầu mối, lượng hàng hóa dự trữ phục vụ Tết cơ bản đã chốt với nhà cung cấp, một số đã được nhập kho. Nhiều doanh nghiệp có lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ lớn như: Nhà máy Đường An Khê với trị giá 250 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại Bia Sài Gòn Tây Nguyên 354 tỷ đồng, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên 144 tỷ đồng, PV Oil-Chi nhánh Gia Lai 145 tỷ đồng, Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai 87 tỷ đồng, Siêu thị Co.op Mart Pleiku 112 tỷ đồng, Hệ thống Vinmart+ 240 tỷ đồng…
Bên cạnh việc đôn đốc các doanh nghiệp tham gia dự trữ hàng hóa Tết, Sở Công thương còn tổ chức cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp kết nối với ngân hàng thương mại giới thiệu chương trình cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp kinh doanh thương mại thuộc diện tham gia chương trình dự trữ hàng hóa và bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết. Ngoài ra, Sở còn phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, nâng giá tùy tiện ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Dự báo sức mua tăng 11-15%
Hàng hóa dự trữ Tết chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu gồm: 47.000 tấn lương thực; 9.200 tấn thịt gia súc, gia cầm; 6.800 tấn cá tươi; 29 triệu quả trứng; 19.000 tấn rau củ; 10.000 tấn thực phẩm tươi sống khác; 1,2 triệu chai rượu; 24 triệu lít bia và nước giải khát; 1.900 tấn bánh mứt; 138 triệu lít xăng dầu; 450.000 bình gas; 55.000 bộ hàng điện tử… |
Ngoài việc chuẩn bị một lượng hàng hóa khá dồi dào để phục vụ Tết, các doanh nghiệp còn đẩy mạnh các đợt khuyến mãi, giảm giá bán vừa để hỗ trợ người có thu nhập thấp tiếp cận được các mặt hàng bình ổn giá, vừa thực hiện kích cầu tiêu dùng. Dự báo sức mua hàng hóa trên thị trường dịp Tết sẽ tăng so với các tháng bình thường trong năm khoảng 11-15%. Tuy nhiên, việc giá cả một số mặt hàng nông sản giảm thấp ảnh hưởng đến thu nhập của người dân nên dự báo sẽ tác động lớn đến sức mua trên thị trường. Do đó, mặc dù nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa từ rất sớm nhưng giá trị dự trữ không tăng nhiều so với các tháng trước đó.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc-Phó Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cổ phần Thương mại Gia Lai, lượng hàng hóa chuẩn bị gần như không tăng so với năm trước do dự báo sức mua giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu dự trữ hàng dịp Tết hiện nay không còn cao như trước kia bởi hàng hóa từ các nhà cung cấp rất dồi dào. Hiện Công ty có 34 chiếc xe tải phục vụ bán hàng lưu động ở khắp các địa bàn trong tỉnh và sẽ thực hiện xuyên suốt từ nay đến ngày 29 tháng Chạp. Trong quá trình này, nếu có phát sinh nhu cầu thì Công ty sẽ tăng cường nhập hàng từ các nhà cung cấp và chủ động thêm xe bán hàng lưu động phục vụ nhân dân mua sắm, đảm bảo không để xảy ra thiếu hàng.
Là một đầu mối bán lẻ lớn trên địa bàn, Siêu thị Co.op Mart Pleiku cũng đã chủ động chuẩn bị hàng hóa phục vụ nhu cầu người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán với trị giá hơn 112 tỷ đồng. Bà Châu Hoàng Thy-Phó Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Pleiku-cho hay: Tùy ngành hàng sẽ có mức dự trữ tăng 5-10% so với năm trước. Bên cạnh các mặt hàng truyền thống, Co.op Mart còn có nhóm hàng nhãn riêng với các sản phẩm mới như: bánh kẹo, mứt, nước giải khát; đồng thời bổ sung mới hàng chục loại đặc sản 3 miền Bắc-Trung-Nam để phục vụ người dân. “Ngay từ tháng 10, toàn hệ thống đã bắt đầu tăng tần suất kiểm soát chất lượng hàng hóa lên 2-4 lần so với trung bình 6 tháng đầu năm; cao điểm 2 tháng cận Tết sẽ tăng tần suất lấy mẫu lên gấp 8-10 lần so với quy chuẩn hiện nay. Đặc biệt, để hỗ trợ khách hàng, toàn hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op sẽ cố gắng giữ và giảm giá bán với chương trình giảm giá trực tiếp đến 50% cho hơn 10.000 sản phẩm Tết và 10 ngày cận Tết sẽ tiếp tục giảm giá sâu hơn nữa”-bà Thy cho biết thêm.
VŨ THẢO