Tháo gỡ “điểm nghẽn” để thu hút đầu tư-Kỳ 1: Đánh thức tiềm năng, thế mạnh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm gần đây, Gia Lai thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên, công tác thu hút đầu tư và triển khai các dự án vẫn có những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ để cải thiện năng lực cạnh tranh, nâng cao vị thế, tăng sức hút với các nhà đầu tư.

Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo và du lịch. Nhiều dự án thu hút đầu tư được triển khai đã và đang đánh thức tiềm năng, phát huy các thế mạnh này.

Nhiều lợi thế phát triển

Với gần 850.000 ha đất màu mỡ cùng với khí hậu thuận lợi, Gia Lai có điều kiện để phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, tỉnh có vùng nguyên liệu dồi dào phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến với hơn 98.700 ha cà phê, gần 88.000 ha cao su, hơn 29.000 ha cây ăn quả, hơn 23.300 ha điều, hơn 79.300 ha mì, hơn 76.000 ha lúa nước, gần 37.000 ha mía, 690 ha chè… Hầu hết các loại cây trồng chủ lực đều hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn gắn với các nhà máy chế biến phục vụ xuất khẩu.

Với mục tiêu gia tăng giá trị canh tác, phát triển sản xuất bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong giai đoạn 2016-2022, các địa phương trong tỉnh đã linh hoạt chuyển đổi hơn 41.582 ha cây trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao và ưu tiên dành một phần quỹ đất cho phát triển các dự án chăn nuôi, xây dựng các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sơ chế chuối tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. Ảnh: Hà Duy

Sơ chế chuối tại Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn. Ảnh: Hà Duy

Các mô hình chuyển đổi cây trồng đều mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn gấp 2-5 lần so với trước. Đây là cơ sở để các địa phương, doanh nghiệp, người dân trong tỉnh đầu tư đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững.

Có thể kể đến một số mô hình chuyển đổi đem lại hiệu quả kinh tế cao như: trồng chanh dây với chi phí đầu tư bình quân khoảng 160-170 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được khoảng 400-450 triệu đồng/ha; trồng chuối già Nam Mỹ với chi phí đầu tư trung bình khoảng 200-220 triệu đồng/ha, sau khi trồng khoảng 12 tháng cho thu hoạch, lợi nhuận khoảng 380-400 triệu đồng/ha; trồng dứa Cayen chi phí đầu tư trung bình khoảng 120-140 triệu đồng/ha, lợi nhuận khoảng 110-130 triệu đồng/ha…

Việc chuyển đổi cây trồng góp phần nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập trên một đơn vị diện tích; hình thành vùng chuyên canh sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, dược liệu hàng hóa có giá trị kinh tế cao, có quy mô đủ lớn để sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa và thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo nguồn nguyên liệu có chất lượng tốt phục vụ hoạt động sơ chế, chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tỉnh đang phấn đấu đến năm 2025, tổng giá trị thu nhập bình quân trên 1 ha đất thực hiện chuyển đổi cây trồng đạt khoảng 150-200 triệu đồng/năm, cao gấp 3-4 lần so với trước đó.

Bên cạnh lợi thế về trồng trọt, mật độ chăn nuôi của tỉnh còn trong ngưỡng hấp dẫn các nhà đầu tư lớn đến triển khai dự án. Tính đến hết tháng 2-2023, toàn tỉnh đã thu hút khoảng 280 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến. Những dự án này đi vào hoạt động đã góp phần tích cực trong thực hiện mục tiêu đưa nông sản của Gia Lai xuất khẩu sang các thị trường lớn trên thế giới.

Các dự án điện gió đi vào hoạt động đã tăng sản lượng điện và đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Ảnh: Vũ Thảo

Các dự án điện gió đi vào hoạt động đã tăng sản lượng điện và đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh. Ảnh: Vũ Thảo

Cùng với nông nghiệp, các lĩnh vực tiềm năng khác của tỉnh như năng lượng tái tạo, du lịch cũng đang tạo được sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Những năm gần đây, Gia Lai đã đón một làn sóng đầu tư mạnh mẽ với hàng trăm dự án điện gió, điện mặt trời được đăng ký đầu tư. Riêng điện gió, trong hơn 100 dự án đăng ký đầu tư, UBND tỉnh đã phê duyệt chủ trương đầu tư 17 dự án với tổng công suất 1.242 MW, tổng vốn hơn 43.000 tỷ đồng.

Gia Lai còn có lợi thế khác khi nằm ở vị trí quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; nằm trên hành lang thương mại quốc tế Myanmar, Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Bắc Campuchia vào khu vực Tây Nguyên, duyên hải miền Trung thông qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh theo quốc lộ 19, quốc lộ 25 đến Cảng biển Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Phú Yên; đồng thời, nằm trên dải hành lang phát triển kinh tế-đô thị Bắc Nam thông qua quốc lộ 14, kết hợp Cảng Hàng không Pleiku và là hành lang kinh tế Đông Tây thông qua quốc lộ 19, quốc lộ 25. Đây là điều kiện thuận lợi và là nguồn lực quan trọng trong phát triển sản xuất, lưu thông hàng hóa của Gia Lai.

Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 20-1-2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030 đã đưa ra quan điểm: Thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm nhằm khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế để tạo đột phá phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Đến năm 2030, Gia Lai phấn đấu trở thành vùng động lực của Tây Nguyên, có vị thế quan trọng trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam.

Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu trở thành vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tập trung có quy mô lớn, đa dạng cho tiêu dùng và xuất khẩu; gắn sản xuất với chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng Gia Lai trở thành vùng sản xuất năng lượng sạch của khu vực và cả nước, khai thác các lợi thế, tiềm năng về phát triển du lịch, nghỉ dưỡng của vùng Tây Nguyên.

Ngoài việc lựa chọn các dự án theo đúng quan điểm mà tỉnh đã xác định, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế khẳng định: “Chính quyền Gia Lai luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, cố gắng tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai, thực hiện dự án”.

Đánh thức tiềm năng, thế mạnh

Từ năm 2018 đến nay, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư cho 228 dự án với vốn đăng ký gần 80.285 tỷ đồng. Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp thời gian gần đây là việc triển khai và đưa vào hoạt động nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn. Theo đó, toàn tỉnh đã có 22 dự án chăn nuôi đi vào hoạt động với hơn 47.000 con bò, 159.600 con heo. Ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa-cho biết: Trên địa bàn huyện có 22 dự án chăn nuôi được nhà đầu tư quan tâm, đề xuất triển khai thực hiện. Hiện có 4 dự án chăn nuôi đã đi vào hoạt động, 2 dự án đang làm các thủ tục liên quan.

“Ia Pa có những vùng toàn đất cát, cây trồng khó phát triển, nếu chúng ta không thu hút những trang trại chăn nuôi vào thì lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất canh tác sẽ không có. Vì vậy, huyện sẽ hỗ trợ và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án trong thời gian tới”-ông Tuấn nhấn mạnh.

Vườn ươm giống chanh dây chất lượng cao của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Lam Giang

Vườn ươm giống chanh dây chất lượng cao của Công ty cổ phần Quốc tế Thông Đỏ tại huyện Chư Pưh. Ảnh: Lam Giang

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2022, toàn tỉnh có 35 dự án được phê duyệt vào danh mục dự án thu hút đầu tư giai đoạn 2022-2025 (đợt 2), tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: xây dựng cơ sở hạ tầng, du lịch, nông-lâm nghiệp, công nghiệp chế biến.

Cùng với đó, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 15 dự án đăng ký mới được phê duyệt với tổng vốn 1.270 tỷ đồng. Trong quý I-2023, Sở cũng đã hướng dẫn 15 dự án đăng ký bổ sung vào danh mục dự án thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2023-2025.

Trong khi đó, ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, những năm qua, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn như nhà máy của DOVECO Gia Lai, Quicornac… với công nghệ sản xuất hiện đại để đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu từ các loại cây trồng.

Ông Đinh Văn Tĩnh-Phó Giám đốc DOVECO Gia Lai-cho hay: Hiện nay, Công ty có các sản phẩm xuất khẩu chiến lược như dứa lạnh, dứa hộp, nước dứa cô đặc, nước chanh dây cô đặc đáp ứng được tiêu chuẩn của thị trường các nước và được đánh giá cao.

Thị trường xuất khẩu của Công ty không ngừng mở rộng. Năm 2022, Công ty xuất khẩu 40.000 tấn sản phẩm rau quả, kim ngạch xuất khẩu đạt 90 triệu USD. Tiềm năng xuất khẩu vẫn còn dư địa rất lớn. Vì vậy, Công ty sẽ tiếp tục liên kết với các hợp tác xã, nông dân mở rộng vùng nguyên liệu, đồng thời nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng thị trường trong thời gian tới.

Huyện Đak Đoa được xem là điểm sáng trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Chủ tịch UBND huyện Phạm Minh Trung cho hay: Riêng trong giai đoạn 2018-2022, huyện có 7 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư (hiện 4 dự án đã triển khai, 3 dự án đang hoàn thiện các điều kiện cần thiết để triển khai thực hiện); 44 dự án được các nhà đầu tư quan tâm, nghiên cứu, đề xuất thực hiện. Các dự án đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Chỉ riêng năm 2022, các dự án điện gió đã đóng góp 145 tỷ đồng vào giá trị sản xuất công nghiệp của huyện, giải quyết việc làm cho khoảng 500 lao động tại chỗ, trong đó có khoảng 350 lao động là người dân tộc thiểu số.

Chế biến rau quả xuất khẩu tại DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Chế biến rau quả xuất khẩu tại DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy

Nói về hiệu quả thu hút đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo, ông Phạm Văn Binh-Giám đốc Sở Công thương-cho biết: Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, chỉ trong 2 năm qua, tỉnh đã có thêm 1.200 MW. Việc triển khai các dự án năng lượng tái tạo đã thu hút một nguồn vốn rất lớn, mức đầu tư trung bình đối với điện gió là 35 tỷ đồng/MW, thủy điện là 30 tỷ đồng/MW, điện mặt trời nối lưới 25 tỷ đồng/MW, điện mặt trời mái nhà 15 tỷ đồng/MW.

Riêng 16 dự án điện gió đã thu hút nguồn vốn đầu tư hơn 40.000 tỷ đồng. Các dự án điện gió đã và đang phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng cường kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn với gần 190 km đường giao thông các loại được hình thành, tạo thêm việc làm cho rất nhiều lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

Gia Lai diễn tập chữa cháy rừng cấp tỉnh năm 2024

(GLO)- Sáng 20-12, tại Tiểu khu 392 thuộc Trung tâm Lâm nghiệp Nhiệt đới (phường Chi Lăng, TP. Pleiku), Chi cục Kiểm lâm Gia Lai phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện và các chủ rừng diễn tập chữa cháy rừng năm 2024.

Khởi động thị trường cây cảnh phục vụ Tết nguyên đán

Khởi động thị trường cây cảnh phục vụ Tết nguyên đán

(GLO)- Những ngày này, lượng khách đến tham quan, mua sắm cây cảnh về trang trí công trình và nhà cửa để đón Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025 bắt đầu tăng. Nắm bắt xu thế đó, các nhà vườn và cơ sở kinh doanh cây cảnh cũng tăng số lượng cây bán ra thị trường nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Ông Bing (xã Chư Á, TP. Pleiku) chăm sóc bò được hỗ trợ từ Tiểu dự án 1-Dự án 3. Ảnh: N.D

Quan tâm hỗ trợ người dân sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh (Sở Nông nghiệp và PTNT) phối hợp với các địa phương triển khai có hiệu quả Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp. Dự án giúp cho các hộ nghèo, cận nghèo ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Gia Lai hiện có 6 nông hội thuộc lĩnh vực ngành, nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, rượu ghè). Ảnh: Hà Duy

Đẩy mạnh phát triển mô hình nông hội để nâng chất lượng sản phẩm địa phương

(GLO)- Gia Lai hiện có 168 mô hình nông hội, trong đó, nhiều nông hội hoạt động hiệu quả đã góp nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp, giúp đời sống hội viên được nâng lên. Tuy nhiên, còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc triển mô hình nông hội nên hoạt động thiếu hiệu quả.

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

Năm 2025 Gia Lai phấn đấu thu ngân sách 6.435 tỷ đồng

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 440/NQ-HĐND về việc quyết định dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu-chi ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2025.