Ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII:

Thẳng thắn, trách nhiệm trong phiên thảo luận tổ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 9-7, kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Phiên thảo luận tổ đã ghi nhận nhiều ý kiến thẳng thắn, đầy tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu nhằm hoàn thiện các báo cáo, dự thảo nghị quyết cũng như góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Tại kỳ họp này, các đại biểu đã chia thành 5 tổ để thảo luận; trong đó, tổ 1 gồm 30 đại biểu, tổ 2 có 24 đại biểu, tổ 3 gồm 26 đại biểu, tổ 4 có 27 đại biểu và tổ 5 có 24 đại biểu.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đ.T
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Gia Lai Hồ Văn Niên tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đ.T

Trăn trở về các chỉ tiêu, tờ trình

Trên cơ sở gợi ý thảo luận của chủ tọa kỳ họp và các tổ trưởng, đại biểu đã tập trung đánh giá, phân tích về những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm 2024 ở tất cả các lĩnh vực; đồng thời, xem xét và cho ý kiến về các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong thời gian tới cũng như dự thảo Nghị quyết mà UBND tỉnh trình tại kỳ họp.

Đề cập đến Dự thảo Nghị quyết thông qua dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025, đại biểu Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku-nêu trăn trở: Kế hoạch đầu tư công năm 2025 với nguồn vốn bố trí theo dự thảo là quá khiêm tốn. Đối với vốn ngân sách địa phương có 4 nguồn, gồm: vốn đầu tư trong cân đối theo tiêu chí hơn 1.118 tỷ đồng, vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất trên 1.077 tỷ đồng, vốn xổ số kiến thiết 185 tỷ đồng và bội chi ngân sách địa phương hơn 46,5 tỷ đồng. Tất cả các nguồn đều thấp, đặc biệt, vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất chỉ bằng 83% của năm 2024. Thêm vào đó, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách trung ương đối với vốn trong nước cũng chỉ hơn 2.516 tỷ đồng. Vì vậy, dù thông qua tại kỳ họp này, chúng ta vẫn cần nghiên cứu thêm để đảm bảo triển khai thực hiện.

Đại biểu Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku nêu trăn trở về kế hoạch đầu tư công năm 2025. Ảnh: Đ.T

Đại biểu Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku nêu trăn trở về kế hoạch đầu tư công năm 2025. Ảnh: Đ.T

Nhìn nhận thực trạng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, đại biểu Hồ Phước Thành-Phó Chánh văn phòng Tỉnh ủy-thẳng thắn nêu quan điểm: “Lâu nay, chúng ta vẫn cứ loay hoay về giá đất, thêm vào đó là quy hoạch, cụ thể là quy hoạch phân khu, trong khi đây đều là những việc thuộc thẩm quyền của mình. Đây là vấn đề cần khắc phục bởi tiền sử dụng đất là nguồn thu đáng kể của ngân sách nhà nước”.

Bàn thảo về tờ trình dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết một số nội dung về chế độ, mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để áp dụng trên địa bàn tỉnh, hầu hết đại biểu cho rằng, cần xem xét kỹ lưỡng nguồn chi này để tránh một số địa phương gặp khó. Đại biểu Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Chư Prông-nêu rõ: Trước yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới, việc HĐND tỉnh xem xét để cụ thể hóa Luật Lực lượng tham tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần phải tính toán thật kỹ lưỡng, bởi các địa phương phải chi rất nhiều trong khi nguồn thu hạn chế.

Đại biểu Trần Đình Hiệp-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mang Yang nêu ý kiến về các nội dung trong dự thảo nghị quyết liên quan đến chế độ, mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: Đ.T

Đại biểu Trần Đình Hiệp-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mang Yang nêu ý kiến về các nội dung trong dự thảo nghị quyết liên quan đến chế độ, mức chi cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: Đ.T

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Đình Hiệp-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mang Yang-nêu ý kiến: “Vấn đề đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở là rất quan trọng và lực lượng này cũng cần được tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động. Song, việc nghiên cứu kỹ lưỡng các nội dung trong dự thảo nghị quyết là cần thiết. Chúng ta phải căn cứ tình hình thực tế của địa phương để áp dụng cho phù hợp bởi nguồn thu không có”.

Nhiều đại biểu cũng bày tỏ sự quan ngại trước vấn nạn ma túy hiện đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh phát hiện, bắt 142 vụ với 232 đối tượng tàng trữ, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; xử lý hành chính 48 vụ và 101 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy; thu giữ 26,9 gram heroin, 170,8 gram ma túy đá, 494,7gram ma túy dạng khay… là những con số đáng báo động.

Đại biểu Phan Văn Trung-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Kông Chro nêu kiến nghị: “Công an tỉnh phải có những chương trình, kế hoạch cụ thể để lãnh đạo, chỉ đạo phối hợp với các lực lượng cùng 17 huyện, thị xã, thành phố đấu tranh ngăn chặn tệ nạn ma túy; đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, đảm bảo an ninh chính trị, an ninh nông thôn, triển khai kịp thời các giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tội phạm liên quan đến ma túy”.

Thảo luận nhiều vấn đề cử tri quan tâm

Tại phiên thảo luận tổ sáng nay, nhiều đại biểu cũng đề cập đến kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 19 HĐND tỉnh khóa XII nói riêng và tại các kỳ họp trước đây nói chung.

Đại biểu Đỗ Thị Hương Lan-Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai đề cập đến việc giải quyết kiến nghị của cử tri huyện Kbang về tình trạng sạt lở dọc theo bờ sông Đăk Pne (xã Kon Pne). Ảnh: Đ.T

Đại biểu Đỗ Thị Hương Lan-Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Gia Lai đề cập đến việc giải quyết kiến nghị của cử tri huyện Kbang về tình trạng sạt lở dọc theo bờ sông Đăk Pne (xã Kon Pne). Ảnh: Đ.T

Đề cập đến việc giải quyết kiến nghị của cử tri huyện Kbang về tình trạng sạt lở dọc theo bờ dòng sông Đăk Pne thuộc địa phận xã Kon Pne, đại biểu Đỗ Thị Hương Lan-Phó trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh-cho hay: “Tôi đồng tình với cách giải quyết của UBND tỉnh là đề nghị huyện bổ sung công trình kè chống sạt lở bờ sông Đăk Pne vào danh mục kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2026-2030 để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng sạt lở ở đây vẫn đang diễn ra. Vì vậy, UBND tỉnh cần chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương khảo sát và sớm có giải pháp để hỗ trợ người dân khắc phục tạm thời để bà con an tâm sản xuất”.

Cũng liên quan đến vấn đề dân sinh, đại biểu Trần Quốc Khánh-Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Ayun Pa-nêu thực trạng: Dự án cấp nước sinh hoạt cho xã Ia Rtô (thị xã Ayun Pa) hoàn thành cách đây 2 năm, người dân cũng đã đóng tiền để trang bị đồng hồ nước. Tuy nhiên, đến nay, việc xây dựng giá nước còn bất cập, khi đơn vị cấp nước đề xuất hơn 20.000 đồng/m3, cao hơn mặt bằng chung ở thị xã hiện tại là 7.000 đồng/m3. Theo công ty, nếu giá thấp hơn, đơn vị sẽ bị thua lỗ. Mức giá này, người dân xã Ia Rtô với 80-90% người dân tộc thiểu số sẽ không có khả năng chi trả. Do đó, nếu phê duyệt theo giá công ty đưa ra, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, trình HĐND tỉnh xem xét để có cơ chế, chính sách trợ giá nước sinh hoạt để đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương có cơ hội tiếp cận với nguồn nước đảm bảo chất lượng.

Nhiều đại biểu cũng đề cập đến kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp. Ảnh: Đ.T

Nhiều đại biểu cũng đề cập đến kết quả giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri tại kỳ họp. Ảnh: Đ.T

Vấn đề thiếu đất ở, đất sản xuất tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được các đại biểu quan tâm. Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trường Trung Tuyến thông tin: “Mặc dù các ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng việc triển khai Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Hiện các địa phương không còn quỹ đất để cấp cho người dân, đề nghị các cấp, ngành quan tâm tháo gỡ vướng mắc này”.

Đối với các kiến nghị của cử tri TP. Pleiku liên quan đến 3 khu đất quốc phòng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung cho hay: Sở và TP. Pleiku đã nhiều lần làm việc với các đơn vị quân đội nhưng họ không có hồ sơ bàn giao. Sở đã đề nghị các đơn vị quân đội kiểm tra lại hồ sơ gốc và cung cấp lại cho Sở để làm quy trình. Hiện nay, TP. Pleiku cũng đang hoàn chỉnh các quy hoạch phân khu. Đây cũng là căn cứ để làm việc, trình Bộ Quốc phòng thống nhất thu hồi đất. Tiếp thu ý kiến cử tri, sau kỳ họp này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cùng với TP. Pleiku và những xã, phường có vị trí đất nói trên làm việc lại với các đơn vị quân đội một lần nữa trước khi báo cáo UBND tỉnh. Nếu vẫn không có biên bản hiện trạng, sơ đồ thì phương án mà ngành đưa ra là đề xuất bố trí kinh phí để đo theo hiện trạng sử dụng, làm cơ sở giải quyết.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung giải trình về kiến nghị của cử tri TP. Pleiku liên quan đến 3 khu đất quốc phòng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Ảnh: Đ.T

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung giải trình về kiến nghị của cử tri TP. Pleiku liên quan đến 3 khu đất quốc phòng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Ảnh: Đ.T

Nhìn nhận về kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri thời gian qua, đại biểu Vũ Thị Thu-Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy-cho hay: Qua báo cáo giám sát, nhìn chung, các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã được UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo các sở, ngành giải quyết, cơ bản đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri (75% kiến nghị của cử tri đã được giải quyết xong). Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều ý kiến cử tri chưa giải quyết hoặc giải quyết chưa dứt điểm; thậm chí có những kiến nghị đã kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết thấu đáo, gây bức xúc trong Nhân dân. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh thời gian đến tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các sở, ngành liên quan trong việc thực hiện trách nhiệm, nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị chính đáng của cử tri.

Liên quan đến vấn đề này, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cho rằng, ý kiến, kiến nghị của cử tri tại các kỳ họp trước đây có nhiều nội dung đơn giản nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để, cử tri vẫn kiến nghị lại nhiều lần. Điều này thuộc về trách nhiệm tham mưu, đề xuất của các cơ quan, đơn vị liên quan. “Tôi đề nghị khi giải quyết cần có sự phân loại; nội dung kiến nghị nào thuộc thẩm quyền thì phải tập trung giải quyết triệt để, liên đới nhiều cơ quan thì phải phối hợp chặt chẽ để giải quyết, còn vượt thẩm quyền thì cần kiến nghị, đeo bám để có câu trả lời thỏa đáng cho cử tri, tránh để tồn đọng, kéo dài”-Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh.

Chiều nay, các đại biểu sẽ tiếp tục thảo luận chung tại hội trường. Trước đó, thư ký kỳ họp báo cáo kết quả thảo luận tổ; đồng thời, UBND tỉnh cũng sẽ giải trình một số vấn đề cần làm rõ. Tại phiên họp này, đại biểu cũng sẽ thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn theo quy định.

Có thể bạn quan tâm

HĐND tỉnh Gia Lai giám sát việc cấp giấy CNQSDĐ cho đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất

HĐND tỉnh Gia Lai giám sát việc cấp giấy CNQSDĐ cho đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất

(GLO)-Chiều 16-12, tại Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Đoàn giám sát HĐND thực hiện giám sát Sở TN-MT, Ban Dân tộc tỉnh về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính

Chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực khi thực hiện thủ tục hành chính

(GLO)- Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai vừa thông báo đến các sở, ban, ngành, địa phương về triển khai văn bản của Văn phòng Chính phủ liên quan đến việc chấn chỉnh tình trạng lạm dụng yêu cầu cung cấp bản sao chứng thực từ bản chính khi thực hiện thủ tục hành chính (TTHC).