Thăm “rừng tượng” làng Kép 1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tồn tại qua nhiều thế hệ, khu nhà mồ làng Kép 1 (xã Ia Ly, tỉnh Gia Lai) là một trong những điểm đến của người dân và du khách khi muốn tìm hiểu về văn hóa của đồng bào Jrai. Cũng bởi nơi này có một “rừng tượng” được tạc từ đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân trong làng.

Chúng tôi đến làng Kép 1 trong một ngày mưa giăng kín lối. Con đường được thảm nhựa phẳng lì theo ô bàn cờ khiến khoảng cách và thời gian như ngắn lại. Dưới làn mưa bụi bay, khu nhà mồ hiện ra trước mắt chúng tôi trong vẻ bình thản, tĩnh lặng. Thảng hoặc, một cơn gió thổi tới, cây gáo nhẹ rung tàng lá, tựa như lời rì rầm của đất, của nước. Tưởng như chúng tôi đang được nghe câu chuyện với bộn bề ký ức của những tháng ngày đã qua.

anh-1.jpg
Khu nhà mồ làng Kép 1 (xã Ia Ly, tỉnh Gia Lai) là một trong những điểm đến của người dân và du khách. Ảnh: T.B

Cũng như những nhà mồ của các dân tộc ở vùng Trường Sơn-Tây Nguyên, khu nhà mồ làng Kép 1 là quần thể kiến trúc độc đáo. Ở nơi bà con dành riêng cho người đã mất để chờ đến lễ pơ thi (bỏ mả) này là cả một thế giới nghệ thuật với sự phong phú sắc màu, thể hiện giá trị nhân văn sâu sắc trong đời sống cũng như trong quan niệm tâm linh.

anh-2.jpg
Nhà mồ ở làng Kép 1 là quần thể kiến trúc độc đáo. Ảnh: T.B

Theo quan sát của chúng tôi, cấu trúc của khu nhà mồ ở đây gồm: nhà, không gian xung quanh nhà và tượng. Bên trong là các phần mộ và treo một số vật dụng-phần tài sản mà người còn sống chia cho người đã khuất như: gùi, rìu, đồ dùng sinh hoạt...

Sau lễ pơ thi, mọi ràng buộc, mối liên hệ với người chết coi như chấm dứt. Từ cuộc chia ly vĩnh viễn này, nỗi quyến luyến yêu thương giữa người ở lại và người về với cõi Atâu không còn nữa, mọi thứ có trong ngôi nhà mồ sẽ được bỏ mặc cùng mưa nắng thời gian, mục dần theo năm tháng.

anh-3.jpg
Bên trong nhà mồ treo một số vật dụng-phần tài sản mà người còn sống chia cho người đã khuất như: gùi, rìu. Ảnh: T.B

Tượng nhà mồ được tạc từ chất liệu gỗ với hình hài rất phong phú và đa dạng, chủ yếu là những hình ảnh quen thuộc trong đời sống mà mỗi người đã từng chứng kiến, đã từng trải qua như: mẹ địu con, người ngồi ôm mặt khóc, người ngồi chống cằm, phụ nữ mang bầu... Trong đó, nhiều nhất là tượng người ngồi ôm mặt khóc. Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa, tư thế ôm mặt là tư thế bào thai trong bụng mẹ, thể hiện mong muốn được tái sinh ở kiếp khác của người Jrai.

Trong niềm thương nỗi nhớ của người sống đối với người đã mất, những bức tượng dần được tạc nên hình hài, dáng vóc và được đặt xung quanh nhà mồ với mong muốn người ở cõi Atâu có bầu có bạn.

Lặng nhìn những tượng mồ đã mục dần theo thời gian, chúng tôi chợt đọc cho nhau nghe một đoạn trong bài “Tượng mồ” của nhà thơ Văn Công Hùng: “Chiều như lửa đốt lòng nhau/tượng mồ run rẩy về đâu kiếp người/đã đành hồn sẽ rong chơi/cũng đành xác đã tơi bời gió sương/mà còn đây nỗi vấn vương/mà còn đây nhớ với thương một đời/nỗi đau khóc chẳng thành lời/lặn vào thớ gỗ ru người/người ơi”. Có lẽ cũng không cần thêm lời bình nào, bởi thơ đã nói lên tất cả.

anh-4.jpg
Tượng người ngồi ôm mặt khóc. Ảnh: T.B

Điều chúng tôi ấn tượng hơn cả là những đường nét hoa văn được gắn trên nóc nhà mồ. Đường nóc thường được làm bằng một thanh gỗ dẹp hoặc bằng tôn, cao chừng 30 cm, chiều dài tùy thuộc vào diện tích nhà mồ. Ở đầu đường nóc có vòng tròn đục thủng, tựa như hình ảnh của mặt trời; kế đến là biểu tượng được uốn cong một đầu như cánh tay vươn lên. Cạnh đó là hoa văn biểu trưng cho cây brang. Trong cuộc sống thường nhật, khi cây brang già sẽ nằm xuống đất cho mùa sau nảy lên cây con. Vì vậy, họa tiết này cũng là một biểu tượng của sự tái sinh.

Cùng với cây brang, ở trên đường nóc, các hoa văn còn lại được bố trí theo những chủ đề khác nhau như: biểu diễn cồng chiêng, uống rượu cần, cưỡi voi... Tất cả đều mang tính ước lệ, tượng trưng, thể hiện cách nhìn về cuộc sống của người Jrai.

anh-5.jpg
Những đường nét hoa văn trên nóc nhà mồ. Ảnh: T.B

Từ lâu, khu nhà mồ ở làng Kép 1 đã được nhiều người biết đến qua những lễ pơ thi đậm sắc màu văn hóa với nồng nàn hương rượu cần và vang vọng tiếng chiêng. Và, cũng từ những lần góp mặt trong lễ pơ thi ấy, nhà thơ Đào An Duyên đã viết bài thơ “Lời tượng gỗ” với những câu thơ chứa chan cảm xúc: “Ta từng ước sống một đời đại thụ/tỏa vào em bóng mát đến tận cùng/ngờ đâu lại hóa thành thân tượng gỗ/ôm mối sầu mục ruỗng tận mai sau/Thôi cũng đành mình đi qua đời nhau/ai oán khóc than đêm nay rồi biền biệt/em ạ, nếu còn điều gì nuối tiếc/thì cũng đành hẹn lại những xưa sau”.

Có thể bạn quan tâm

Ông từ giữ đình cứu sống cây đa cổ thụ

Ông từ cứu sống cây đa cổ thụ ở An Khê đình

(GLO)- Vô tình bị lửa “thiêu”, cây đa cổ thụ phía sau An Khê đình (Khu di tích Tây Sơn Thượng đạo, phường An Khê) suy yếu dần, có nguy cơ bị chết. Với tinh thần trách nhiệm cao, ông Ngô Văn Đường-Câu đình (người trông giữ, hương khói đình làng) đã cứu sống cây đa này.

Nguyễn Nhật Ánh: Người làm vườn

Nguyễn Nhật Ánh: Người làm vườn

Tôi không phải một dịch giả chuyên nghiệp - mào đầu vậy hoàn toàn không phải để biện hộ cho những sơ suất, sai sót và thô lậu mà bất cứ ai khi chạm tay vào việc dịch nói riêng, việc chữ nghĩa nói chung, dẫu là tay thuận hay tay ngang, đều phải đối mặt và chịu trách nhiệm.

Khẳng định vị thế là cơ quan báo chí chủ lực

Khẳng định vị thế là cơ quan báo chí chủ lực

Để chào đón thời khắc đặc biệt của đất nước, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ cao cả với vai trò, vị thế là cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thực hiện nhiệm vụ mà người đứng đầu hệ thống Mặt trận đã tin tưởng giao phó; kể từ tháng 7.2025, Báo Đại đoàn kết ra mắt ấn phẩm Tinh hoa Việt bộ mới.
Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

Đèo An Khê: Dấu ấn lịch sử

(GLO)- Nếu như Tây Bắc có “tứ đại danh đèo”: Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Pha Đin, Khau Phạ thì vùng duyên hải miền Trung lên đại ngàn Tây Nguyên cũng có “ngũ danh đèo”: An Khê, Phượng Hoàng, Khánh Lê, Ngoạn Mục, Violak.

default

Địa phận Phủ Hoài Nhơn được xác lập năm Hồng Đức thứ 2 (1471), là miền “viễn châu” khá rộng; sau hơn 550 năm, vùng đất rộng lớn lúc ban đầu được phân chia thành nhiều tỉnh thuộc Nam Trung bộ và Bắc Tây Nguyên. 
Pleiku, miền nhớ...

Pleiku, miền nhớ...

(GLO)- Nếu tính từ dấu mốc ký Nghị định Toàn quyền Đông Dương thành lập đại lý hành chính Pleiku thuộc tỉnh Kon Tum ngày 24-5-1925, Pleiku với ý nghĩa một địa danh cả về cách đọc và cách viết đã ra đời và tồn tại đến ngày nay đã được 100 năm.

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Ðại ngàn nối liền những niềm vui

Trong ngôi nhà sàn dưới chân núi ở làng K8, xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), Nghệ nhân nhân dân Ðinh Chương nở nụ cười sảng khoái, hồ hởi nói: “Bà con trong làng đang trông chờ ngày 1.7.2025, để không chỉ núi liền núi, sông liền sông mà đồng bào Bana ở hai tỉnh trước đây sẽ về chung mái nhà tỉnh Gia Lai mới”.
Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Tổng Bí thư Tô Lâm dự khai mạc Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp”

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1.7.1915 – 1.7.2025), sáng 29.6, tại Hà Nội, Văn phòng Trung ương Đảng tổ chức Triển lãm “Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - Cuộc đời và sự nghiệp” nhằm tri ân những cống hiến to lớn của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với Đảng, đất nước và nhân dân. Tổng Bí thư Tô Lâm dự và cắt băng khai mạc Triển lãm.
Khoảng trời quê

Khoảng trời quê

Mẹ vợ tôi, bà ngoại của 2 con trai của tôi, luôn miệng thắc mắc, ở thành phố lạ nhỉ, lúc nào cũng đông như mắc cửi và đèn điện như sao xa.

Nhen tình yêu dân ca, bài chòi

Nhen tình yêu dân ca, bài chòi

Với ngọn lửa đam mê nghệ thuật truyền thống, vợ chồng Nghệ nhân Ưu tú Lý Thành Long đứng ra truyền dạy làn điệu dân ca, bài chòi cho nhiều học sinh tại Trường THCS Tam Quan (ở phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn).

null