Việc thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng góp phần giúp tỉnh hoàn thành chương trình “Phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu” trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Ngày 23-2 vừa qua, Công ty cổ phần Hiếu Phúc Gia Lai được UBND tỉnh cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trồng rừng sản xuất tại xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang. Dự án có tổng mức đầu tư 8 tỷ đồng.
Bà Trương Thị Thủy-Giám đốc Công ty cổ phần Hiếu Phúc Gia Lai-cho hay: “Dự án được triển khai tại khoảnh 3 tiểu khu 496 thuộc địa phận xã Đăk Djrăng với diện tích 50 ha, trồng cây mắc ca. Chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền địa phương. Hiện chúng tôi đang làm hồ sơ và các thủ tục có liên quan để thuê đất. Dự kiến sau khi hoàn thành thủ tục thuê đất, Công ty sẽ khai hoang để trồng rừng”.
Tương tự, ngày 7-3, dự án trồng rừng sản xuất tại xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp Phú Vinh Gia Lai đã được UBND tỉnh cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Ông Võ Đức Hậu-Giám đốc Công ty-cho biết: “Dự án có tổng mức đầu tư 14 tỷ đồng, được triển khai tại khoảnh 2, 3, 4, 5 và 6 tiểu khu 205, thuộc địa phận xã Ia Khươl với tổng diện tích hơn 190 ha, trong đó, 100 ha trồng cây lâu năm như tràm, trắc, sao và hơn 90 ha trồng cây nguyên liệu như keo, bạch đàn...
Cây lâu năm thì khoảng 12 năm trở lên mới cho khai thác, còn cây nguyên liệu thì khoảng 6 năm. Năm 2025, chúng tôi sẽ trồng trước khoảng 50 ha, một nửa là cây lâu năm, một nửa là cây nguyên liệu. Hiện chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ thuê đất”.
Dự án trồng rừng sản xuất tại xã Ia Rsai (huyện Krông Pa) của Công ty TNHH Thanh Danh cũng được UBND tỉnh cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 28-2. Dự án này có tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng, được triển khai tại khoảnh 2, 6 tiểu khu 1290; khoảnh 1, 2, 3, 4, 5, 6 tiểu khu 1300; khoảnh 1, 2, 3 tiểu khu 1301.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 16 dự án đầu tư trồng rừng với tổng vốn đăng ký hơn 312 tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã hoàn thành kế hoạch trồng rừng như: Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Lâm Khang trồng 175 ha rừng tại xã Ia Ka (huyện Chư Păh); Công ty TNHH Thương mại Việt Stone Gia Lai trồng 540 ha rừng sản xuất tại xã Ia Tul (huyện Ia Pa); Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Minh Phước đã trồng hơn 561 ha rừng tại xã Ia Hdreh (huyện Krông Pa) và 373 ha rừng sản xuất tại xã Chư A Thai (huyện Phú Thiện)…
“Phát triển lâm nghiệp bền vững, tăng cường sinh kế, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu” được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định là 1 trong 4 chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ 2020-2025. Được biết, Gia Lai có tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp hơn 723 ngàn ha; diện tích đất có rừng là 631.281 ha (trong đó, rừng tự nhiên hơn 478.820 ha, rừng trồng hơn 152.470 ha); tỷ lệ che phủ rừng và cây công nghiệp thân gỗ đạt 47%.
Gia Lai cũng là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất vùng Tây Nguyên, chiếm 25,2% diện tích toàn vùng và chiếm 4,3% diện tích rừng cả nước. Hiện toàn tỉnh có gần 3.500 ha rừng được cấp chứng chỉ bền vững; có 16/34 đơn vị chủ rừng được phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững.
Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường-cho biết: “Sở thường xuyên theo dõi, đôn đốc các địa phương, đơn vị kiểm tra, tháo gỡ vướng mắc về đất đai, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác đầu tư, liên kết trồng rừng. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn về chính sách, cải thiện môi trường đầu tư để kêu gọi, thu hút thêm nhiều dự án đầu tư ở lĩnh vực trồng rừng”.