Tạo điều kiện thuận lợi để già làng phát huy tốt vai trò nòng cốt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 19-3, tại Hội trường 2-9, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và UBND tỉnh Gia Lai đã long trọng tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Quyết tâm thư của già làng các dân tộc Tây Nguyên (2009-2019). 
Dự hội nghị, về phía Trung ương có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân-Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Đỗ Văn Chiến-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc của Chính phủ... 
Về phía tỉnh Gia Lai có các đồng chí: Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Võ Ngọc Thành-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Huỳnh Nữ Thu Hà-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng 224 đại biểu già làng tiêu biểu các dân tộc khu vực Tây nguyên.
Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy
* Gương mẫu đi đầu trong các phong trào
Báo cáo tại hội nghị, ông Đàm Hữu Đắc-Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: Hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên có khoảng 3.000 già làng. Những năm qua, các già làng luôn thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Các già làng luôn là chỗ dựa vững chắc, là hạt nhân quan trọng trong các phong trào ở địa phương. Theo đó, 10 năm qua, các già làng đã tổ chức 10.567 buổi tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; vận động đồng bào định canh, định cư, phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; thực hiện nếp sống văn hóa, xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng buôn làng, khu dân cư lành mạnh... 
Mặc dù tuổi cao, nhưng các già làng luôn nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, tận tụy với mọi công việc, luôn sâu sát, hướng dẫn những gia đình khó khăn thay đổi nếp nghĩ cách làm, phát huy tiềm lực thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống. Già làng Y Xuyên (buôn Ja Rah, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) chia sẻ: “Thời gian qua, bằng uy tín của bản thân, tôi đã phối hợp cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động 20 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong buôn trở về nhà, không tham gia khiếu kiện việc tranh chấp đất đai trên địa bàn. Tôi cũng vận động đoàn viên, thanh niên tham gia gần 300 ngày công giúp sửa chữa, làm mới 7 công trình vệ sinh và 34 chuồng trại nuôi gia súc; vận động nhân dân xóa bỏ những phong tục lạc hậu; tích cực hưởng ứng đi đầu thực hiện các phong trào thi đua yêu nước...”
ồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân-Chủ tịch Quốc hội trò chuyện với các già làng. Ảnh: Đức Thụy
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân-Chủ tịch Quốc hội trò chuyện với các già làng. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều già làng bằng kiến thức, kinh nghiệm tích lũy trong cuộc sống, với nhiệt huyết, trách nhiệm đã truyền lửa cho đồng bào các dân tộc ý chí không cam chịu đói nghèo, vươn lên làm giàu cho gia đình, cho quê hương; hướng dẫn đồng bào các dân tộc từng bước ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi để thoát nghèo bền vững. Vừa  là già làng kiêm Trưởng ban Công tác Mặt trận làng, hơn 10 năm qua, già Rơ Lan Hào (làng Hăng Ring, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) còn là nhân viên hỗ trợ giáo viên trong làng vận động học sinh đến trường. “Tôi đã tham gia vận động được 25 cháu quay trở lại trường học; tham gia hòa giải thành công 12 vụ, trong đó 8 vụ tranh chấp đất đai, 3 vụ bạo lực gia đình, qua đó làm ấm lên tình làng nghĩa xóm”.
Đặc biệt, các già làng còn tích cực vận động quần chúng đấu tranh, làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, vấn đề đất đai để lôi kéo, kích động nhân dân gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên... 
Phát biểu chào mừng Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang khẳng định: “Qua 10 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư, già làng các dân tộc trên địa bàn Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng đã thực sự là lực lượng nòng cốt, tiêu biểu ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Đồng chí Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Đồng chí Dương Văn Trang-Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai hy vọng các đại biểu già làng của tỉnh Gia Lai sẽ tích cực trao đổi, chia sẻ và học tập những kinh nghiệm quý báu từ già làng các tỉnh bạn, từ đó phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong thời gian tới. Với tinh thần “Tuổi cao-Gương sáng”, bằng cách này hay cách khác, các già làng trên khắp mảnh đất Tây Nguyên vẫn tiếp tục hằng ngày cố gắng quyết tâm thực hiện tốt Quyết tâm thư, là “Cây cao bóng cả” của buôn, làng để bà con học tập và làm theo.
* Lời hứa từ Quyết tâm thư
Tại hội nghị, 224 già làng tiêu biểu không chỉ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, những cách làm hay, các già làng còn bày tỏ mong muốn cũng như nêu cao quyết tâm của bản thân trong thời gian tới. Già A Yêu, (thôn Đăk Đê, xã Rơ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) quyết tâm: “Tôi sẽ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác Hội, cùng với Ban Chấp hành Hội người cao tuổi xã không ngừng tổ chức tuyên truyền để nhân dân hiểu và thực hiện tốt 5 nội dung của Quyết tâm thư. Đồng thời chấp hành tốt các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào, cuộc vận động, quy định của địa phương”. Già Điểu Bác (buôn Bù Dach, xã Quảng Tín, huyện Đak R’Lấp, tỉnh Đak Nông) cũng hứa trước các đại biểu và toàn thể Hội nghị rằng: “Bản thân sẽ tiếp tục làm tốt vai trò của một già làng, góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc tiếp tục ra sức xây dựng và giữ vững thế trận quốc phòng của địa phương vững chắc, làm nòng cốt xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh”. 
Các gia làng về dự hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Các gia làng về dự hội nghị. Ảnh: Đức Thụy
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của các già làng trong việc phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. 10 năm qua, với 5 nội dung quyết tâm thư của các già làng Tây Nguyên đã trở thành hơi thở cuộc sống, gắn bó với hành động và suy nghĩ của mỗi người con Tây Nguyên, trở thành mục tiêu, động lực trong lao động, học tập và xây dựng Tây nguyên ngày một giàu mạnh. Các già làng đã phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, cách mạng, bất khuất của nhân dân các dân tộc khu vực Tây Nguyên, kiên quyết làm thất bại mọi âm mưu, hành động trực tiếp và gián tiếp của các thế lực thù địch; phát huy vai trò của Người Cao tuổi Việt Nam hưởng ứng phong trào thi đua “Tuổi cao-Gương sáng”. 
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Già làng và người cao tuổi các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng bào các dân tộc trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là những lời dạy trong Thư của Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku, tỉnh Gia Lai (năm 1946), gắn với nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. 
Đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần tiếp tục nâng cao nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của các già làng trong đồng bào dân tộc thiểu số; quan tâm, động viên, biểu dương kịp thời những đóng góp của các già làng có uy tín, tạo điều kiện thuận lợi hơn để các già làng phát huy tốt vai trò nòng cốt của mình trong các lĩnh vực của đời sống xã hội... 
“Cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp cần quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người dân tộc thiểu số ở các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội; quan tâm thu hút đầu tư phát triển kinh tế; động viên, khuyến khích người dân tộc thiểu số tham gia xuất khẩu lao động để tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào... Đồng thời, có giải pháp thiết thực để bảo tồn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp, xóa bỏ một số tập tục lạc hậu, mê tín, dị đoan hiện còn tồn tại làm ảnh hưởng đến sự phát triển của các dân tộc; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn”-Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ đạo.
Dịp này, lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tặng bức trướng cho Hội Người cao tuổi 5 tỉnh Tây nguyên với dòng chữ “Già làng Tây nguyên đoàn kết, nêu gương sáng, hiến kế, hiến công, xây dựng quê hương giàu mạnh”. Chủ tịch Trung ương Hội Người Cao tuổi Việt Nam trao kỷ niệm chương cho 44 đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ, ngành và tỉnh; Các bộ, ngành cũng trao bằng khen cho 224 già làng. 
Minh Triều-Phương Dung

Có thể bạn quan tâm

Thanh niên xã Nghĩa An (huyện Kbang) khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Ảnh: M.P

Kbang bảo đảm chất lượng thanh niên lên đường nhập ngũ

(GLO)- Nhằm nâng cao chất lượn tuyển quân năm 2025, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) huyện Kbang, Gia Lai triển khai đồng bộ quy trình tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ, đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức khám sơ tuyển sức khỏe NVQS bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, đúng luật.

Người dân nhận thực phẩm cứu trợ tại Deir al-Balah, Dải Gaza ngày 23-11. Ảnh: THX/TTXVN

Israel bị cáo buộc “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Dải Gaza

(GLO)- Ngày 5-12, Hãng tin AFP cho biết, Tổ chức Ân xá Quốc tế cáo buộc Israel “tiến hành diệt chủng” đối với người Palestine tại Gaza kể từ khi chiến sự xảy ra. Tuy nhiên, Israel đã nhiều lần kiên quyết bác bỏ các cáo buộc diệt chủng, đồng thời cáo buộc Hamas lợi dụng người Palestine làm lá chắn sống.