"Tăng tốc" sản xuất kinh doanh ngay sau Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau những ngày Tết, các doanh nghiệp, cơ sở thu mua nông sản và nông dân ở tỉnh Gia Lai nhanh chóng bắt tay vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Tất cả đều hy vọng vào một năm mới nhiều thành công.

Những chuyến hàng đầu năm

Sáng mùng 4 Tết, cơ sở thu mua nông sản của bà Trần Thị Trang (làng Bông, xã Hà Bầu, huyện Đak Đoa) bắt đầu nhộn nhịp trở lại khi bà con nông dân chở chanh dây đến bán lấy may đầu năm. Bà Trang cho hay: “Gia đình tôi thu mua các loại chanh dây xuất đi các tỉnh và một số địa phương trong tỉnh. Mọi năm, vào mùng 3 Tết, gia đình đã thu mua trở lại. Năm nay, dù muộn hơn 1 ngày nhưng tôi cũng mua được 2 tấn với giá chanh dây loại 1 là 15.000 đồng/kg, còn lại khoảng 7.500 đồng/kg. Trong số chanh thu mua có 200 kg đảm bảo các tiêu chuẩn cung cấp cho bạn hàng ở TP. Hồ Chí Minh xuất khẩu sang thị trường châu Âu”.

 Nông dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) tưới nước vườn chanh dây vào mùng 4 Tết. Ảnh: Nguyễn Diệp
Nông dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) tưới nước cho vườn chanh dây vào mùng 4 Tết. Ảnh: Nguyễn Diệp


Cũng bắt tay vào sản xuất từ ngày mùng 4 Tết, ông Trần Văn Sơn (thôn 5, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho biết: “Đang trong những ngày xuân nên rất khó thuê nhân công. Vì vậy, gia đình tự thu hoạch được khoảng 200 kg chanh dây để bán lấy may đầu năm. Ngoài ra, gia đình tôi còn tranh thủ bơm nước tưới cho vườn cà phê và hồ tiêu để cây đảm bảo độ ẩm, phát triển tốt. Mong sao sang năm mới, giá cà phê và hồ tiêu ổn định trở lại để nông dân yên tâm đầu tư sản xuất”.

Từ mùng 2 Tết, các chủ vựa chuyên cung cấp rau củ quả cho các tỉnh miền Trung cũng đã xuất những chuyến hàng đầu tiên trong năm mới. Ông Nguyễn Văn Thương (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku) cho biết: “Cũng như mọi năm, từ mùng 2 Tết, tôi đã thu mua và xuất hơn 1 tấn rau củ quả các loại cho bạn hàng truyền thống tại các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam và TP. Đà Nẵng… Số lượng rau xanh xuất đi bắt đầu tăng dần trong những ngày tiếp theo để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng các tỉnh”.

Nhiều ước vọng

Sau những ngày vui xuân, đón Tết, hầu hết bà con nông dân cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở thu mua nông sản đã trở lại công việc sản xuất kinh doanh. Tất cả đều ước vọng một năm mới mưa thuận gió hòa, dịch Covid-19 được khống chế để hoạt động phát triển kinh tế thuận lợi hơn.

Bà Vũ Thị Lan-quyền Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai-cho biết: Sáng mùng 4 Tết, nông dân bắt đầu ra đồng chặt mía trở lại. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguồn lao động và nhân công vận hành còn hạn chế. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các ngành cùng các địa phương trong vùng nguyên liệu hỗ trợ vừa chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo thu mua mía kịp thời để giảm thiệt hại cho bà con nông dân cũng như duy trì hoạt động sản xuất của nhà máy trong thời gian tới.

Người dân xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) bắt đầu thu hoạch mía . Ảnh: Nguyễn Diệp
Người dân xã Pờ Tó (huyện Ia Pa) bắt đầu thu hoạch mía. Ảnh: Nguyễn Diệp


Còn bà Đỗ Thị Mỹ Thơm-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) cho hay: Đến sáng mùng 6 Tết, các thành viên Hợp tác xã mới bắt đầu thu hoạch chanh dây trở lại. Chúng tôi hy vọng bước sang năm mới, dịch Covid-19 được khống chế để người dân yên tâm sản xuất và Hợp tác xã có nguồn nguyên liệu cung cấp cho bạn hàng.

Tương tự, bà Trần Thị Lan Anh-Phó Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp thông tin: Từ đầu năm đến nay, Công ty đã xuất khẩu nhiều chuyến hàng cà phê sang thị trường các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… thu về khoảng 20 triệu USD. Dự kiến, từ nay đến hết tháng 2-2021, Công ty tiếp tục xuất đi khoảng 300 container theo hợp đồng đã ký kết. Để đảm bảo chất lượng cà phê đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường các nước, trong năm mới, Công ty tiếp tục đầu tư, hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn UTZ, 4C và Organic. Chúng tôi cũng mong ước sớm khống chế được dịch Covid-19 để ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp nông dân có nguồn thu nhập ổn định.

 

 NGUYỄN DIỆP
 

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.