Tận tâm, sáng tạo trong dạy nghề

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Không chỉ tận tâm truyền đạt kỹ năng chuyên môn mà nhiều giáo viên dạy nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh Gia Lai còn đóng vai trò hướng dẫn, định hình tương lai nghề nghiệp cho học viên.

z5881220598618_02bf47f16b54f01f4978b2f3ecc9cd61.jpg
Cô giáo Nguyễn Thị Thúy An-Giảng viên Khoa Nghiệp vụ Du lịch (Trường Cao đẳng Gia Lai) hướng dẫn sinh viên phương pháp tư vấn khách hàng lưu trú tại khách sạn. Ảnh: Đinh Yến

Cô Nguyễn Thị Thúy An-Giảng viên Khoa Nghiệp vụ Du lịch (Trường Cao đẳng Gia Lai) có thâm niên giảng dạy về ngành nghề du lịch-khách sạn hơn 11 năm. Với vốn kiến thức chuyên môn vững vàng, cùng bề dày kinh nghiệm của mình, những bài giảng của cô An luôn nhận được sự đánh giá cao bởi tính khoa học và thực tiễn.

Nhiều năm qua, cô đã trở thành người truyền cảm hứng cho sinh viên trong việc tìm hiểu về văn hóa bản địa, khơi dậy niềm đam mê và lòng tự hào dân tộc để các em có thể tự tin giới thiệu đến du khách. Nhiều sinh viên được cô An “tiếp lửa” đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành những người quản lý du lịch hay hướng dẫn viên chuyên nghiệp trong tương lai, góp phần phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh vừa qua, cô An đã để lại nhiều ấn tượng với Ban giám khảo. Theo đó, cô đã mang đến Hội giảng nội dung bán hàng gia tăng trong quản trị khách sạn với những mô hình đa dạng, giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng và tự tin khi tư vấn khách hàng lưu trú tại khách sạn.

Bài giảng của cô được đánh giá cao bởi không chỉ đơn thuần là lý thuyết mà còn tích hợp nhiều phương pháp như: thuyết trình, đàm thoại, thao tác mẫu... Với phong thái tự tin, lối giảng lôi cuốn, cô An đã hoàn toàn thuyết phục được các thành viên Ban giám khảo để trao cho mình điểm số cao, xuất sắc đạt giải nhất tại Hội giảng.

“Đây là lần thứ 2 tôi tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh và rất vui khi cả 2 lần tôi đều đạt giải nhất. Năm 2018, sau khi đạt giải cấp tỉnh, tôi tham gia Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc và mang về giải khuyến khích. Với thành tích vừa có được, tôi tiếp tục được chọn tham gia hội giảng toàn quốc vào tháng 11 tới. Đây là cơ hội để tôi trau dồi chuyên môn, học hỏi thêm kinh nghiệm từ các thầy-cô giáo đến từ các trường đào tạo nghề trong cả nước”- cô An phấn khởi nói.

z5881100365653-da0217cfd266b2c1e9f1017fa307fdef-5274.jpg
Thầy Hoàng Văn Thủy-giảng viên Khoa Nông Lâm (Trường Cao đẳng Gia Lai) cũng có nhiều sáng tạo trong bài giảng khi kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Ảnh: Đức Thụy

Tương tự, thầy Hoàng Văn Thủy-giảng viên Khoa Nông Lâm (Trường Cao đẳng Gia Lai) cũng có nhiều sáng tạo trong bài giảng khi kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn. Tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh năm 2024, thầy Thủy đã tham gia và trình giảng bài “Kỹ thuật ghép mắt chữ H”, đề cập đến quy trình ghép mắt cây để rút ngắn thời gian cây cho ra hoa, đậu quả.

Thầy Thủy cho hay: “Với phương pháp ghép mắt chữ H này, cây con sau ghép sẽ sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất và sản lượng cao hơn so với phương pháp nhân giống bằng hạt. Rất nhiều sinh viên Khoa Nông Lâm sau khi ra trường đã áp dụng phương pháp ghép mắt này để khởi nghiệp, nhân giống cây thành công bán ra thị trường”.

Điều nổi bật ở thầy Hoàng Văn Thủy là sử dụng phương pháp tích hợp trong giảng dạy, giúp sinh viên dễ hiểu, dễ nhớ và tiếp thu được nhiều kiến thức hơn so với phương pháp trước đây. Vì thế, bài trình giảng của thầy Thủy đã được Hội đồng giám khảo cho điểm số cao nhất tại Hội giảng với 94,5/100 điểm.

Ở Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh năm nay, Trường Cao đẳng Gia Lai có 7 nhà giáo tham gia và đạt giải, gồm: 2 giải nhất, 2 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích, góp phần giúp đơn vị giành giải nhất tập thể. Thầy Nguyễn Minh Nhựt-Phó Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Để đạt được kết quả trên, trước khi tham gia hội giảng cấp tỉnh, nhà trường đã tổ chức hội giảng cấp trường để lựa chọn những hạt nhân ưu tú nhất. Sau đó, thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ thầy, cô giáo xây dựng bài giảng đúng chuyên môn và phương pháp truyền tải sinh động, lôi cuốn; đồng thời, đầu tư thêm trang thiết bị bổ trợ cho bài giảng”.

Tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ sở 2 (Trường Cao đẳng nghề số 21), thầy Đỗ Ngọc Linh được nhiều đồng nghiệp và học viên quý mến bởi tính tình vui vẻ, nhiệt tình trong giảng dạy kỹ thuật lái xe cũng như hỗ trợ cho đồng nghiệp trong giảng dạy.

z5895815480658-dbbdd6304a0dde625786cad53d12351e-7913.jpg
Thầy Đỗ Ngọc Linh (bìa phải)-giáo viên dạy lái xe tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ sở 2 (Trường Cao đẳng nghề số 21) bên các học viên. Ảnh: Đinh Yến

Sau 19 năm gắn bó với nghề, mới đây, thầy Linh tự tin tham gia Hội giảng toàn tỉnh với bài giảng “Ghép xe vào nơi đỗ”. Bài giảng có tính ứng dụng cao, giúp người học có thể thành thạo những kỹ năng cơ bản để lái xe vào không gian hẹp, tự tin hơn khi tham gia giao thông.

Thầy Linh chia sẻ: “Tham gia Hội giảng, tôi đã dành thời gian, tâm sức chuẩn bị kỹ lưỡng. Ban Giám đốc Trung tâm cũng tạo điều kiện về mặt thời gian cũng như chuyên môn để tôi có được thành tích tốt nhất”.

Đạt giải nhất tại Hội giảng lần này, điều quan trọng nhất với thầy Linh là học hỏi thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý từ các đồng nghiệp, cùng những góp ýo tận tình của Hội đồng giám khảo. Từ đó, bản thân có thể nâng cao trình độ và xây dựng phương pháp giảng dạy hiệu quả hơn. Thầy Linh cho rằng, trong giảng dạy nghề nếu không có sự đầu tư, đổi mới mà cứ theo mô tuýp có sẵn sẽ khó để đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng. Vì vậy, Hội giảng thật sự là “sân chơi” bổ ích cho các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.

z5886154864335-752b81c561eaae83551c59eb5e7cdfbd-9845.jpg
Ông Trần Thanh Hải (thứ 2 từ phải qua)-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tặng thưởng cho các nhà giáo đạt thành tích cao tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh năm 2024. Ảnh: Đinh Yến

Trao đổi với P.V, ông Trần Thanh Hải-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-cho biết: Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh được tổ chức định kỳ 2 năm/lần. Đây là một trong những hoạt động chuyên môn thiết thực góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; đồng thời là dịp để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tổ chức đào tạo nghề.

"Những kinh nghiệm và phương pháp dạy sáng tạo cả lý thuyết và thực hành tại hội giảng sẽ được nhân rộng trong thời gian tới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh"-ông Hải khẳng định.

Clip: Đức Thụy

Có thể bạn quan tâm

Chị Siu H’Teo (ở giữa, làng Phung, xã Ia Phang) phấn khởi khi kinh tế của gia đình ngày càng ổn định. Ảnh: Q.T

Đào tạo nghề: “Chìa khóa” thoát nghèo bền vững ở Chư Pưh

(GLO)- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Chư Pưh đã triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Qua đó, người dân được định hướng, tiếp cận nghề nghiệp mới, góp phần cải thiện thu nhập và thoát nghèo bền vững.

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

'Siết' chỉ tiêu xét tuyển sớm: Các trường top dưới sẽ gặp khó?

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non với nhiều điểm mới. Theo dự thảo, chỉ tiêu xét tuyển sớm không vượt quá 20%, điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm chuẩn của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung của Bộ GD&ĐT.

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

Gia Lai phấn đấu 90% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 vào năm 2030

(GLO)- Ngày 3-12, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kế hoạch số 281-KH/TU ngày 11-10-2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 5-1-2024 của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2025-2030.