Tan nát rừng phòng hộ Ayun Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặt thoáng của công trình đại thủy nông Ayun Hạ rộng 37 km2 chủ yếu nằm trên địa phận huyện Chư Sê được bao bọc xung quanh bởi những ngọn núi điệp trùng tạo thành một vùng sinh quyển đặc biệt của tỉnh Gia Lai. Trên những ngọn núi này là cả một hệ thực vật và động vật phong phú, đặc biệt là rừng phòng hộ để giữ lượng nước ổn định cho công trình đại thủy nông. Thế nhưng vừa qua lâm tặc lại ra tay tàn phá những cánh rừng ở đây.

Phá rừng phòng hộ nhờ có bảo kê?

Ngày 20-4-2012, được sự giúp đỡ của hai người bạn thân, tôi quyết định lên đường trong vai những người đi tìm mai, lan rừng. Xuất phát từ lòng hồ bằng xuồng của một người dân địa phương đưa chúng tôi đi.

 
Ngang nhiên chở gỗ tại Đồn 1. Ảnh: Lê Văn Nhung
Ngang nhiên chở gỗ tại Đồn 1. Ảnh: Lê Văn Nhung

Sau hơn một giờ đồng hồ từ đập hồ Ayun Hạ đi vào, chiếc ống nhòm giúp chúng tôi tiếp cận được một điểm khai thác gỗ trái phép ở hướng Đông Nam (phía tay trái kể từ đầu đập trở vào). 3 người đàn ông, trong đó 2 người quê ở Hoài Ân (Bình Định) một trạc tuổi 30, một người lớn tuổi hơn và một người nữa là dân tộc Tày, quê tận Cao Bằng, trạc 27 tuổi. Cả 3 người vào lập nghiệp ở ngã ba La Tăng, xã Ia Ake, huyện Phú Thiện từ nhiều năm nay. Hai thanh niên tương đối cởi mở còn người đàn ông lớn tuổi nói chuyện rất dò xét. Mặc dù không thể hỏi tên cụ thể nhưng cả 3 người cũng cho chúng tôi một số thông tin khá tin cậy.

Theo đó, họ được thuê làm việc cho một người tên Thám là chủ xưởng gỗ ở thị trấn Phú Thiện. Người thanh niên trạc tuổi 30 cho chúng tôi biết, bình thường mọi hôm có khoảng 7 đến 10 người vào làm và dựng lán trại ngủ lại trong rừng. Mỗi chuyến đi đều chuẩn bị gạo, mắm muối còn cá thì xuống mua trực tiếp của ngư dân tại chỗ. Công việc được phân công rất cụ thể đối với mọi người, người cưa gỗ, người chỉ có nhiệm vụ kéo gỗ từ trên núi cao xuống mép lòng hồ. Họ chỉ đốn hạ cà chít, căm xe, chai.

Gỗ có đường kính lớn và cây dầu thì xẻ theo quy cách, còn những loại khác đường kính từ 15 cm đến 20 cm được róc vỏ rồi vận chuyển về làm trụ tiêu. “Mỗi trụ tiêu các anh kéo từ đây đến mép hồ giá bao nhiêu?”- tôi hỏi. “Công kéo xuống là 30.000 đồng/trụ; công róc vỏ là 5.000 đồng/trụ. Khi đủ khoảng 180 đến 200 trụ thì sẽ có ghe vào vận chuyển đi ngay”-người thanh niên dân tộc Tày nói. “Vậy các anh không sợ bị bắt à?”. “Sợ chứ sao không sợ nhưng có Kiểm lâm vào thì phải phá trại, đập xoong, đập nồi, coi như mất ngày công”.

 

Những lóng gỗ tại rừng phòng hộ Ayun Hạ. Ảnh: Lê Văn Nhung
Những lóng gỗ tại rừng phòng hộ Ayun Hạ. Ảnh: Lê Văn Nhung

“Nhưng đây là rừng phòng hộ người ta cho chặt à?”. “Họ bắt được là đi tù. Nhưng ông Thám đã mua đứt, bảo kê hết rồi. Đút lót rồi mới làm được chứ! Chúng tôi chỉ làm công còn ông Thám vận chuyển về đến đèo Chư Sê bán với giá từ 230.000 đồng đến 250.000 đồng/trụ để trồng tiêu”-người đàn ông lớn tuổi nhất nói.

“Nhà ông Thám ở chỗ nào vậy anh?”. “Gần Hạt kiểm lâm (cũ)”. Đến đây người thanh niên dân tộc Tày chen vào: “Tôi một lần đã vào nhà ông Thám để lấy tiền”.

“Sau khi vận chuyển đến mép lòng hồ họ tập kết con đường nào ra khỏi lòng hồ?”-“Thì từ đây ghe sẽ vận chuyển thẳng đến mép hồ thuộc Đồn 1, Đồn 2 (thôn Tà Lâm) thuộc xã Chư A Thai, sau đó vận chuyển tiếp”-anh thanh niên dân tộc Tày nhanh nhảu đáp. “Như anh vậy, mỗi ngày anh làm được mấy trụ?”-“10 trụ!”.

Rời địa điểm trên, chúng tôi đi thẳng đến địa điểm khác cách đó không xa cũng là một lán trại dựng tạm bợ với tấm bạt màu xanh làm nơi trú ngụ, sinh hoạt của các lâm tặc. Theo tiếng cưa máy chạy xè xè, chúng tôi leo thẳng lên đỉnh núi thì nhận ra cả một đội quân 5 người. Họ ngang nhiên hạ đổ những cây gỗ có đường kính từ 25 cm đến 30 cm. Ngoài ra, họ còn dùng cả dây xích để tời. Họ tạo thành rãnh lằn để từ trên cao đẩy gỗ xuống mép lòng hồ. Việc khai thác cứ công nhiên như chốn không người. Những đối tượng này mặt lầm lì nhìn chúng tôi với ánh mắt dò xét và rất kiệm lời. Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết nhóm này phục vụ cho một người tên Hiển, nghe đâu thường trú tại khu vực xã Hbông, huyện Chư Sê.

Ngay trong chiều 20-4, cũng nhờ sự giúp sức của một ngư dân đưa thuyền máy đi, chúng tôi tiếp tục thẳng tiến đến khu vực gần cuối hồ Ayun Hạ. Theo chỉ dẫn của người đi đường, đây là khu vực lòng hồ làng Hek, xã Ayun, huyện Chư Sê. Quan sát và thu ảnh qua ống nhòm, chúng tôi thấy một chiếc cẩu nhỏ đang chuyển gỗ xuống xuồng. Dù rất muốn tiếp cận nhưng người chỉ dẫn đường khuyên không nên vì đây là địa bàn hoạt động của một lâm tặc anh chị khét tiếng có tên là Hải ở làng D’lâm, xã Ayun, huyện Chư Sê, sau khi đã thanh trừng một đối thủ khác để lấy địa bàn này. Họ sẵn sàng dùng vũ khí nếu thấy điều gì bất trắc với mình.

Tê liệt trách nhiệm của các chủ rừng

 

Ảnh; Lê Văn Nhung
Ảnh: Lê Văn Nhung

Anh T.V.T.-một ngư dân ở huyện Phù Cát (Bình Định) lên đảo Cô Đơn (theo cách gọi của dân chài) thuộc lòng hồ Ayun Hạ làm nghề đánh cá đã 4 năm nay cho biết, có ngày họ chở 4-5 ghe, mỗi ghe 150-180 trụ trồng tiêu. Họ ngang nhiên đi ban ngày không sợ ai cả. Ghe của họ lắp máy mạnh, chạy bạt mạng. Ban ngày chạy vướng rách lưới cá, nếu gặp còn bắt đền, còn ban đêm đành chịu. Nhiều lúc ghe của họ vướng lưới rồi kéo đi xa làm chúng tôi tìm trối chết. Ông T. còn cho biết thêm: “Thời điểm hàng ngày họ cưa nhiều nhất là từ 15 giờ 30 phút đến 19 giờ 30 phút. Bây giờ chú ngồi đây còn nghe tiếng cưa máy đấy thấy không? Họ ngang nhiên có sợ gì ai đâu!”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc khai thác tại khu vực lòng hồ Ayun Hạ nhiều nhất thuộc đất rừng xã Chư A Thai. Ghe chở gỗ khai thác đi 3 đường chính: Nhiều nhất là vận chuyển xuống mép hồ rồi đưa theo con đường Đồn 1 hoặc Đồn 2 thuộc xã Chư A Thai. Đường này vận chuyển ra ngã ba La Tăng gần cầu Ia Ke (xã Ia Ake); một đường vận chuyển cũng bằng ghe qua đường trại bò thuộc khu vực đèo của xã Hbông (huyện Chư Sê) và một đường vận chuyển qua đường xã Ayun rồi đưa thẳng theo hướng xã Dun.

Trước tình trạng này, sau khi về thị trấn Phú Thiện, ngày 21-4, chúng tôi quay sang đi thực tế đường Đồn 1 và Đồn 2 (thuộc xã Chư A Thai), dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn cố thu thập tư liệu về những chiếc xe độ chế kéo gỗ giữa ban ngày.

Trả lời chúng tôi về tình trạng ngang nhiên khai thác gỗ rừng phòng hộ, ông Trương Quốc Dụng-Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phú Thiện cho rằng, có nghe nói việc này và Hạt cũng đã triển khai. Nhưng ông Dụng một mực khẳng định việc khai thác trái phép chỉ xảy ra thuộc trách nhiệm lâm phần quản lý của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư A Thai. Vậy, trách nhiệm của Ban Quản lý Rừng phòng hộ Chư A Thai và Hạt Kiểm lâm ở đâu, trong khi rừng phòng hộ tại khu vực lòng hồ Ayun Hạ, lâm tặc làm nhiều lán trại công khai tàn phá rừng nghiêm trọng?

Lê Văn Nhung

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Phú Thiện cho biết, toàn huyện có 17 cơ sở chế biến lâm sản, trong đó thị trấn Phú Thiện có 9 cơ sở. Năm 2011 có 3 cơ sở vi phạm. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay Hạt Kiểm lâm bắt 17 vụ vận chuyển trái phép, 2 vụ phá rừng (lấy đất làm rẫy và đào đá gỗ hóa thạch), 1 vụ chế biến; không có vụ khai thác rừng phòng hộ.

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.