Trong không gian lớp học, những mô hình ngôi nhà rông tí hon, xe máy hay bộ dụng cụ ấm chén, thế giới đại dương... hiện ra vô cùng sinh động, gần gũi. Đó là sản phẩm do các giáo viên sáng tạo. Vào giờ chơi, các cháu vây quanh từng món đồ, tay lắp ráp, tay chỉ trỏ, thích thú khám phá.
Bé Liên Nhật Cát Linh (6 tuổi) chia sẻ: “Con rất thích đồ chơi do các cô làm. Con và các bạn chơi hoài mà không chán”.

Không chỉ bên trong lớp học, khuôn viên trường cũng trở nên sinh động nhờ bàn tay của các cô giáo.
Những chiếc lốp xe cũ được sơn màu sặc sỡ, uốn cong thành cầu khỉ, ghép lại thành xích đu... tạo nên không gian vui chơi thân thiện, an toàn.
Trẻ chạy nhảy, leo trèo, phát triển khả năng vận động trong môi trường gần gũi với thiên nhiên và giàu cảm hứng sáng tạo. Để làm ra các sản phẩm này, các cô tranh thủ lúc thời gian buổi trưa khi trẻ ngủ hoặc mang về nhà làm vào buổi tối, cuối tuần.
Cô Nguyễn Thị Hương cho hay: “Chúng tôi tận dụng thời gian rảnh rỗi để tạo ra những món đồ chơi thú vị cho các con”.

Nguyên liệu chủ yếu được tích góp hàng ngày hoặc do phụ huynh mang đến hỗ trợ. Những mảnh vải vụn, hộp sữa, chai nhựa… qua bàn tay các cô không chỉ trở nên hữu ích mà còn mang theo thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường.
Không những thế, các cô còn tích cực tìm kiếm ý tưởng từ đời sống hàng ngày, trên mạng xã hội để tạo ra những sản phẩm trực quan, hấp dẫn phục vụ việc giảng dạy.
Cô giáo Hoàng Minh Châu cho biết: “Ý tưởng có thể đến từ những gì mình nhìn thấy hàng ngày. Có khi chỉ nhìn thấy một quả thông là đã nghĩ ra mô hình con vật”.
Cũng theo cô Châu, với trẻ trong độ tuổi từ 3 đến 6, việc học thông qua các giác quan rất quan trọng. “Trẻ phải được nhìn tận mắt, sờ tận tay thì mới có thể ghi nhớ lâu. Vì thế, tôi muốn mỗi sản phẩm mình làm ra đều giúp các cháu dễ cảm nhận, dễ hiểu”-cô Châu tâm sự.

Với các cô, mỗi sản phẩm không chỉ thể hiện sự sáng tạo mà còn là kết quả của cả sự chịu khó, nỗ lực. “Chứng kiến sự hào hứng của các con, chúng tôi thấy rất vui vì mọi cố gắng của mình đã được đền đáp”-cô Hương chia sẻ.
Trao đổi với P.V, cô Đặng Thị Thu Hường-Hiệu trưởng Trường Mầm non 17/3-cho biết: “Phong trào thi đua tự làm đồ dùng học tập, đồ chơi được tổ chức hàng năm nhằm phát huy tính sáng tạo, sử dụng hiệu quả đồ dùng trực quan trong giảng dạy.
Đây cũng là cách để đội ngũ giáo viên học hỏi, trau dồi chuyên môn, góp phần bổ sung sản phẩm có chất lượng, hiệu quả trong hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ”.
Theo cô Hường, nhiều sản phẩm được kết tinh bởi sự khéo léo, sáng tạo của giáo viên và đảm bảo các tiêu chí như bền, đẹp, tính sư phạm tốt, giá trị sử dụng cao và nhân rộng cách làm trong đội ngũ giáo viên.
Ngoài ra, đây cũng là phương tiện giáo dục giúp trẻ lĩnh hội những kiến thức ban đầu, qua đó phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của trẻ.