Mô hình “Thu gom phế liệu làm từ thiện” được lấy ý tưởng từ phong trào “Biến rác thải nhựa thành tiền” của Hội Liên hiệp phụ nữ phường Tây Sơn. Số tiền sau khi thu gom, bán phế liệu được dùng để mua quà hỗ trợ các gia đình khó khăn trên địa bàn phường.

Bà Hoàng Thị Huệ chia sẻ: Các buổi tối trong tuần, bà cùng các thành viên Câu lạc bộ Dưỡng sinh dân vũ thể thao lại tập trung tại địa chỉ 25/14 Phạm Văn Đồng để cùng nhau tập luyện.
Trên đường từ nhà đến chỗ tập dân vũ, bà thấy nhiều chai nhựa, lon bia, nước ngọt, thùng carton… bị vứt vương vãi trên vỉa hè làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, bà cùng 7 thành viên của Câu lạc bộ Dưỡng sinh dân vũ thể thao nảy sinh ý định thành lập mô hình này.
“Chúng tôi quyết định thu gom phế liệu giúp cho môi trường sống xung quanh mình được sạch đẹp và có một khoản tiền để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”-bà Huệ chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hồng cho hay: “Khi thấy có phế liệu, tôi đều dừng lại nhặt đem về để bán gây quỹ. Đây là mô hình rất thiết thực, ý nghĩa và thu hút sự tham gia tích cực của các chị em. Thậm chí, nhiều chị còn đi xin vỏ lon bia, nước ngọt… ủng hộ mô hình. Nhận thấy việc làm của chúng tôi vì mục đích từ thiện, nhiều người đã gom phế liệu và chở đến. Đến nay, cứ 2 tuần/lần, chúng tôi lại bán phế liệu và thu được khoảng 300-400 ngàn đồng”.
Còn bà Nguyễn Thị Mỹ Dung thì chia sẻ: “Khi mới tham gia mô hình, chúng tôi cũng có chút ngại ngùng. Tuy nhiên, khi nhận được những nụ cười và niềm vui của những người nhận quà, chúng tôi thấy tự hào về những việc mình đã làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng hơn nữa để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội”.
Là một trong những hộ được nhận quà, chị Trần Thị Hơn (tổ 4, phường Tây Sơn) tâm sự: Chị mắc bệnh ung thư vú, còn chồng thì đang được điều trị tại trung tâm cai nghiện. Hai con nhỏ đang tuổi ăn học. Gánh nặng kinh tế gia đình dồn hết lên vai người con trai cả, nhưng thu nhập cũng không đủ trang trải cuộc sống. Nhận được sự quan tâm, động viên và những phần quà thiết thực từ nhóm, chị rất biết ơn.
“Những món quà này là nguồn động viên rất lớn đối với gia đình tôi. Chúng tôi cảm thấy như được tiếp thêm sức mạnh để vượt qua giai đoạn khó khăn này”-chị Hơn bày tỏ.

Trước đó, các thành viên của mô hình cũng đã chủ động quyên góp hơn 17 triệu đồng để gửi tặng đồng bào tại làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi hay tặng quà cho các bé mồ côi và người già neo đơn. Đặc biệt, từ khi mô hình “Thu gom phế liệu làm từ thiện” ra đời, số lượng quà tặng đã tăng gấp đôi.
Chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt thông tin: “Chúng tôi đã phát động phong trào được hơn 5 tháng và đã trao 23 suất quà (300 ngàn đồng/suất) cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài việc thu gom phế liệu, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các thành viên khác trong tổ. Nhóm hiện đang thu gom phế liệu và dự định sẽ tiếp tục trao quà trong thời gian tới”.
Chị Nguyệt hy vọng rằng mô hình này sẽ tiếp tục phát triển và thu hút thêm nhiều phụ nữ tham gia, giúp số tiền quỹ quyên góp ngày càng tăng, từ đó giúp đỡ được nhiều người nghèo.