Tái chế vỏ chanh dây: Hình thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Với mục tiêu hiện thực hóa chuỗi nông nghiệp tuần hoàn, Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) đã triển khai cung cấp phụ phẩm vỏ chanh dây cho các trang trại chăn nuôi. Bên cạnh đó,Công ty còn liên kết với các đơn vị để nghiên cứu ủ phân hữu cơ vi sinh từ vỏ chanh dây, hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.

Lợi ích kép

Qua tìm hiểu, anh Hồ Diên Quí (thôn 7, xã An Phú, TP. Pleiku) biết thông tin người dân tại các tỉnh như Đak Nông, Lâm Đồng sử dụng vỏ chanh dây làm thức ăn cho bò. Sau khi thử nghiệm, anh Quí vui mừng nhận thấy đàn bò sinh trưởng, phát triển tốt, giảm đáng kể chi phí mua thức ăn cho bò. Anh Quí phân tích: Trong 5 ngày, mỗi con bò ăn hết 6 cuộn rơm (khoảng 35-40 ngàn đồng/cuộn). Cũng trong khoảng thời gian này, mỗi con bò ăn hết 1 tấn vỏ chanh dây nhưng chỉ tốn 30 ngàn đồng.

Đáng chú ý, đàn bò ăn vỏ chanh dây lại mập mạp, tăng trưởng nhanh hơn so với ăn rơm, cỏ. Nhận thấy phụ phẩm nông nghiệp này thực sự là “mỏ vàng” để làm thức ăn thay thế nên anh Quí chuyển sang cho bò ăn thuần vỏ chanh dây từ năm 2020 đến nay.

Nhà máy sản xuất Quicornac hoạt động đã tạo công việc làm ổn định cho hơn 200 lao động, trong đó có nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Ảnh: M.N

Nhà máy sản xuất Quicornac hoạt động đã tạo công việc làm ổn định cho hơn 200 lao động, trong đó có nhiều lao động là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương. Ảnh: M.N

Hiện bình quân mỗi ngày, anh Quí đặt mua khoảng 10 tấn vỏ chanh dây từ Công ty TNHH Quicornac để làm thức ăn cho đàn bò hơn 40 con của gia đình và cung cấp cho 10 hộ nuôi bò gần nhà (mỗi hộ nuôi 5-10 con). “Nếu không có nguồn vỏ quả chanh dây thì tôi chỉ nuôi khoảng 10 con bò vì nuôi nhiều không gánh nổi chi phí tiền thức ăn, đất đai để trồng cỏ. Từ ngày có nguồn cung ổn định của nhà máy, người nuôi bò bớt khó nhọc mà còn được lợi rất nhiều. Có người còn kết hợp vỏ chanh dây với cám để vỗ béo bò hoặc dùng vỏ chanh làm thức ăn nuôi heo rừng, ủ nuôi ruồi đen làm thức ăn cho gà, làm phân bón cho cỏ”-anh Quí nói về tính đa dụng của vỏ chanh dây.

Cũng như anh Quí, mỗi ngày, ông Võ Hùng (thôn 6, xã An Phú) có mặt trước cổng Công ty TNHH Quicornac từ rất sớm để mua vỏ chanh dây. Gia đình ông nuôi 10 con bò, mỗi ngày ăn 1 tấn vỏ chanh dây, hết 30 ngàn đồng. Theo ông Hùng, vỏ chanh dây mua về chỉ cần đổ đống cho bò ăn. Nếu nhiều thì dùng bạt ủ lại, 10 ngày hay nửa tháng sau lấy cho bò ăn còn tốt hơn thời gian đầu mới mua về. Do Công ty để nguyên trái ép lấy dịch, phải qua nhiều khâu xử lý từ rửa khô đến rửa nước nên vỏ chanh dây ở đây rất sạch, bò ăn cũng đảm bảo vệ sinh.

Ông Hùng phân tích: “Nuôi bò bằng vỏ chanh dây lợi gấp nhiều lần so với việc cho ăn cỏ, ăn rơm. Ngày trước, tôi nuôi chừng 3-4 con là cắt cỏ mỏi tay, giờ nuôi từ 10 đến 20 con là bình thường, có nhà nuôi 100 con mà thấy khỏe ru. Chính vì vậy, người nuôi bò ở Pleiku, An Khê, Mang Yang, Đak Đoa hay tận Kon Tum đều đăng ký thu mua vỏ chanh dây của Công ty TNHH Quicornac”.

Bình quân mỗi tháng, ông Nguyễn Văn Khiêm (làng Ngol, thị trấn Đak Đoa) mua khoảng 300 tấn, có lúc lên đến 450 tấn vỏ chanh dây để làm thức ăn cho bò. Ảnh: M.N

Bình quân mỗi tháng, ông Nguyễn Văn Khiêm (làng Ngol, thị trấn Đak Đoa) mua khoảng 300 tấn, có lúc lên đến 450 tấn vỏ chanh dây để làm thức ăn cho bò. Ảnh: M.N

Trong khi đó, trang trại nuôi bò của ông Nguyễn Văn Khiêm (làng Ngol, thị trấn Đak Đoa) luôn dao động từ 350 đến 400 con nên nhu cầu thức ăn hàng ngày rất lớn. Gần 2 năm nay, ông đăng ký mua vỏ chanh của Công ty TNHH Quicornac về làm thức ăn để nuôi bò vỗ béo, bò thịt. Mỗi tháng, ông mua khoảng 300 tấn, có lúc lên đến 450 tấn. So với rơm, cỏ thì sử dụng vỏ chanh dây làm thức ăn cho bò mang lại hiệu quả cao hơn. Không những chi phí thức ăn giảm xuống hơn một nửa mà bò còn tăng trưởng nhanh, thịt đỏ rất đẹp, chất lượng thịt cũng tăng.

Ông Khiêm cho biết: Trước đây, ông trồng 5 ha cỏ nhưng chỉ đủ thức ăn cho khoảng 70 con bò. Từ lúc sử dụng vỏ chanh làm thức ăn, ông mạnh dạn mở rộng quy mô nuôi như hiện nay. Giờ bò chỉ ăn thuần vỏ chanh dây. Những con mới mua về để vỗ béo thì ông cho ăn dặm thêm cỏ, cám vài ngày cho quen rồi chuyển sang ăn vỏ chanh. Để giữ được nguồn thức ăn ổn định này, ngoài việc hợp đồng đăng ký thu mua, ông còn phải tuân thủ các quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường của Công ty.

“Xe chở vỏ chanh dây từ nhà máy ra phải phủ bạt che kín, không để rỉ nước hoặc vỏ chanh rớt xuống đường; tài xế không vi phạm nồng độ cồn, bốc số lấy hàng theo thứ tự... Nếu vi phạm, Công ty sẽ cắt hợp đồng”-ông Khiêm nói.

Trang trại của anh Nguyễn Hoàng Gia Anh (thôn Bình Giang, xã Hneng, huyện Đak Đoa) cũng nuôi hơn 100 con bò cho ăn vỏ chanh dây. Anh Nguyễn Hoàng Gia Anh khẳng định: “Nguồn vỏ chanh dây đã giúp hộ chăn nuôi mạnh dạn mở rộng quy mô. Hơn 90% hộ chăn nuôi ở đây đều sử dụng vỏ chanh dây làm thức ăn cho bò. Giá chỉ 30 ngàn đồng/tấn mà nguồn hàng cung cấp cũng dồi dào. Nếu không có nguồn thức ăn này thì chẳng ai dám nuôi nhiều bò”.

Hướng đến nông nghiệp tuần hoàn

Theo ông Nguyễn Văn Linh-Trưởng bộ phận quản lý phụ phẩm Công ty TNHH Quicornac: Mục tiêu của Công ty là đạt được hiệu quả tối ưu trong chuỗi giá trị sản xuất, đặc biệt là không để hoạt động sản xuất kinh doanh làm ảnh hưởng tới môi trường. Thực tế sản xuất cho thấy, nhà máy phát sinh lượng phụ phẩm nông nghiệp là vỏ chanh dây với số lượng rất lớn. Trong khi đó, vỏ chanh dây có hàm lượng nước và dinh dưỡng rất cao, có khả năng sử dụng trong chế biến thức ăn gia súc và sản xuất phân vi sinh.

Để hiện thực hóa chuỗi nông nghiệp tuần hoàn, Công ty đã triển khai cung cấp phụ phẩm vỏ chanh dây cho các trang trại nuôi bò trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các tỉnh lân cận; đồng thời, liên kết với các đơn vị để nghiên cứu ủ phân hữu cơ vi sinh. Việc Công ty chuyển giao phụ phẩm vỏ chanh dây cho các cơ sở sản xuất trực tiếp làm nguyên liệu chăn nuôi đáp ứng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 82 Luật Bảo vệ môi trường.

Các xe chở vỏ chanh dây từ nhà máy ra phải đảm bảo vệ sinh môi trường, phủ bạt che kín, không để rỉ nước hoặc vỏ chanh rớt xuống đường. Ảnh: M.N

Các xe chở vỏ chanh dây từ nhà máy ra phải đảm bảo vệ sinh môi trường, phủ bạt che kín, không để rỉ nước hoặc vỏ chanh rớt xuống đường. Ảnh: M.N

Ông Nguyễn Văn Linh-Trưởng bộ phận quản lý phụ phẩm Công ty TNHH Quicornac: “Để đảm bảo nguồn phụ phẩm vỏ chanh dây của nhà máy được sử dụng đúng mục đích, Công ty đã ký hợp đồng cung cấp và có cam kết từ các trang trại và hộ nông dân sử dụng vỏ chanh dây đúng mục đích. Trong quá trình vận hành, Công ty cũng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sử dụng vỏ chanh dây của các đối tác liên kết. Mặt khác, Công ty tăng cường tập huấn kỹ thuật ủ phân vi sinh, kiểm tra, giám sát thường xuyên các đối tác ủ phân vi sinh nhằm đảm bảo thực hành đúng kỹ thuật cho ra sản phẩm phân vi sinh đạt chất lượng và không gây tác động đến môi trường”.

Trưởng bộ phận quản lý phụ phẩm Công ty TNHH Quicornac cho biết: Từ giữa năm 2022, Công ty đã thực hiện truyền thông, tập huấn và ký các hợp đồng cung cấp vỏ chanh dây cho các trang trại chăn nuôi bò. Các trang trại đều thấy rõ lợi ích tuyệt đối khi sử dụng vỏ chanh dây làm thức ăn cho bò. Phương pháp chăn nuôi này giúp tiết kiệm đáng kể chi phí và thời gian cho bà con nông dân so với việc trồng, chăm sóc và thu hoạch cỏ. Ngoài ra, đây còn là nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng, giúp bò sinh trưởng tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học công nghệ sinh học và môi trường, vỏ chanh dây còn sử dụng trong sản xuất phân vi sinh. Sau khi thử nghiệm ủ men và thành công với sản phẩm phân vi sinh chất lượng tốt, Công ty TNHH Quicornac đã tiến hành tập huấn kỹ thuật ủ phân vi sinh, liên kết với các trang trại và hộ dân trên địa bàn để chuyển giao vỏ chanh dây ủ phân vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp giảm sử dụng chế phẩm hóa học, góp phần cải thiện môi trường đất.

Đáng chú ý, từ tháng 5-2023, Công ty phối hợp với Viện Khoa học công nghệ sinh học và môi trường triển khai thành công mô hình xử lý vỏ chanh dây thành nguyên liệu hữu cơ phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh theo công nghệ và thiết bị của Tiến sĩ Lê Văn Tri-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học-phân bón Fitohoocmon, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón sinh học Việt Nam.

Công nhân xử lý nguyên liệu chanh dây. Ảnh: M.N

Công nhân xử lý nguyên liệu chanh dây. Ảnh: M.N

Cũng theo ông Linh, Tiến sĩ Lê Văn Tri là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất phân bón phức hợp hữu cơ vi sinh với hệ thống chuyển giao công nghệ rộng khắp đến hơn 50 tỉnh, thành trên toàn quốc. Các công nghệ chuyển giao và các chế phẩm sinh học của trên toàn quốc nghiên cứu đều nằm trong các đề án quy mô quốc gia. Đơn cử là các đề tài về phân bón sinh học nhằm phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, đề tài xử lý rơm rạ thành phân bón sinh học trong Chương trình xử lý rơm rạ quốc gia, đề tài mạ khay phục vụ cấy tay và cấy máy tiến đến cơ giới hóa, hiện đại hóa nông nghiệp...

“Công ty phối hợp xử lý gần 3.500 tấn vỏ chanh dây, tạo ra 1.500 tấn mùn hữu cơ nguyên liệu có chất lượng tốt, hàm lượng chất hữu cơ và dinh dưỡng cao, hàm lượng kim loại nặng và mật độ vi sinh vật ở dưới ngưỡng cho phép nên an toàn cho đất và cây trồng, phù hợp làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh. Chất lượng phân bón tạo ra bước đầu đã được khảo sát và đánh giá cao trên cây cà phê, cao su giai đoạn kiến thiết cơ bản tại 2 tỉnh Gia Lai và Đak Lak”-ông Linh thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024.