Theo bầu Đức thu hoạch sầu riêng: 'Bỏ túi' hàng trăm tỉ từ nông nghiệp tuần hoàn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với lợi thế quỹ đất lớn, cách bố trí khoa học, trang trại chuối của Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) trở thành vùng đệm sinh học, không chỉ cung cấp thức ăn mà cả nguồn không khí trong lành cho các nông trại heo của tập đoàn.

"Anh muốn các em đi thực địa để tận mắt biết thế nào là nông nghiệp tuần hoàn 100%" - bầu Đức vừa lái xe chở chúng tôi qua các nông trại heo, nằm trong vùng lõi của các trang trại chuối vừa nói.

"Philatop cho cây trồng"

"Tuần hoàn tuyệt đối luôn nhé, không thải một cái gì ra bên ngoài hết" - bầu Đức nhấn mạnh nhiều lần chữ "tuyệt đối" vì hai lý do. Thứ nhất, từ 1.7 vừa rồi, Thông tư 28 của Bộ NN-PTNT chính thức có hiệu lực, cho phép sử dụng nước thải chăn nuôi (hợp quy) tưới cây trồng. Thứ hai, tập đoàn đã áp dụng công nghệ thủy phân để xử lý phụ phẩm chăn nuôi thành phân bón lá, mang lại hiệu quả cao cho chuối, sầu riêng.

Chuối thải trước đây phải đau đầu xử lý đã được nghiên cứu thành thức ăn cho heo, giúp HAGL có giá thành heo hơi cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: L.T
Chuối thải trước đây phải đau đầu xử lý đã được nghiên cứu thành thức ăn cho heo, giúp HAGL có giá thành heo hơi cạnh tranh trên thị trường. Ảnh: L.T

Cụ thể, với thiết kế xây dựng các nông trại heo nằm trong trang trại chuối, toàn bộ nước rửa chuồng heo được thu gom vào hầm biogas, từ đây dẫn qua hầm thứ hai để xử lý cho hợp với quy định của Thông tư 28 rồi mới mang tưới cho cây trồng. "Nhưng đến đây, cũng chỉ tuần hoàn 95% thôi, còn 5% nữa là xử lý những phụ phẩm của ngành chăn nuôi heo bằng công nghệ thủy phân. Biến nó thành phân bón lá chất lượng cao, phun cho cây chuối và sầu riêng… Như vậy mới là tuần hoàn tuyệt đối. Mô hình này giúp hoạt động nuôi trồng giảm nhiều loại chi phí mà lại không thải ra môi trường. Em phải đi xem chứ chỉ nói trên bàn giấy thì không thấy hết được, cũng không chính xác đâu" - bầu Đức hào hứng giới thiệu và hỏi với qua phía bên kia "năng suất tăng bao nhiêu phần khi sử dụng tuần hoàn tuyệt đối anh Dai?". Ông Trần Văn Dai, "tư lệnh" chăn nuôi của Tập đoàn HAGL ngồi gần đó lẩm nhẩm tính toán rồi báo "khoảng 20%, năm sau chỉ riêng việc tuần hoàn tuyệt đối này sẽ mang lại khoảng 100 tỉ". Bầu Đức cười lớn, đắc chí vô cùng.

Bầu Đức bảo, ông không thể nói sâu quá về chuyên môn. Thế nên, ông đã đề nghị ông Dai khoan về Hà Nội, ở lại Gia Lai thêm một ngày để nói cho chúng tôi hiểu rõ "công nghệ xử lý phụ phẩm chăn nuôi mà chỉ HAGL có được". Ông Trần Văn Dai cho biết, công nghệ thủy phân áp dụng với phụ phẩm trong ngành chăn nuôi này đã được Trường Đại học Nông lâm TP.HCM nghiên cứu lâu rồi nhưng không có cơ hội thực hiện. Nay họ chuyển giao toàn bộ cho HAGL, ông cùng một kỹ sư của trường này tiếp tục nghiên cứu, phát triển thành một loại phân bón lá. Sau khi thí điểm cho kết quả tốt, HAGL đã và đang sử dụng xịt cho hơn 7.000 hecta cây ăn trái của mình.

"Mai đi nhìn trực tiếp mới thấy, màu xanh của chuối cũng khác biệt so với trước" - bầu Đức rào trước. Ông Trần Văn Dai nói thêm, thực chất, đây là công nghệ sinh học của Israel hơn 40 năm trước, ông cũng ấp ủ từ lâu nhưng chưa có điều kiện để thực hiện vì "đa số các doanh nghiệp chăn nuôi ở Việt Nam hiện nay không đủ quỹ đất, không nuôi tập trung nên khó áp dụng". Khi về HAGL với đầy đủ điều kiện, lại thêm bầu Đức "biết lắng nghe", ông như cá gặp nước, nghiên cứu phát triển thành công phân bón lá hiệu quả rất tốt mà bầu Đức gọi đùa là "philatop cho cây trồng". Còn ông Dai thì khẳng định: Đây là lợi thế cạnh tranh của HAGL mà hiện giờ có thể nói, không ai có được.

Nông nghiệp tuần hoàn tuyệt đối giúp bầu Đức tăng 20% sản lượng, bỏ túi hàng trăm tỉ đồng. Ảnh: L.T

Nông nghiệp tuần hoàn tuyệt đối giúp bầu Đức tăng 20% sản lượng, bỏ túi hàng trăm tỉ đồng. Ảnh: L.T

Hôm sau bầu Đức chở chúng tôi đi một vòng, giới thiệu chi tiết về mô hình "tuần hoàn tuyệt đối" của mình mà ông hết sức tâm đắc. Nói ngắn gọn thì các nông trại nuôi heo của HAGL nằm trong vùng lõi của các trang trại chuối. Chất thải từ trang trại nuôi heo được xử lý thành phân hữu cơ bón gốc cây chuối và nước thải sau khi xử lý vi sinh được tưới cho cây chuối. Những phụ phẩm của ngành chăn nuôi heo được xử lý bằng công nghệ thủy phân và sinh học thành phân bón lá chất lượng cao sử dụng phun cho cây chuối và các loại cây ăn trái khác như sầu riêng, bưởi… Còn chuối thải loại không đủ điều kiện xuất khẩu được chế biến thành thức ăn gia súc, tạo ra sự khác biệt về chất lượng thịt Babi HAGL. Thân chuối, cùi chuối… được xử lý thành phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt, cải tạo đất. "Đấy, tuần hoàn 100% phải như thế, không lọt bất cứ cái gì ra ngoài mà hiệu quả cực cao" - bầu Đức nhấn mạnh.

Ai bảo nông nghiệp không thể giàu?

Chúng tôi xuất phát từ thành phố khoảng 9 giờ sáng, ăn trưa luôn trong nông trại heo. Bầu Đức ăn rất nhanh, nhân lúc chúng tôi chưa xong, ông lại tranh thủ một mình lái xe đi thăm vườn. Buổi chiều, khi chia tay chúng tôi lúc gần 16 giờ, ông tiếp tục đi Campuchia vì "có việc đột xuất". Ông Trần Văn Dai kể, có hôm mới sáng bầu Đức đã gọi. "Ông ấy bảo có đồ ăn sáng rồi, lúc sau tới xách theo hai ổ bánh mì. Tôi nói tôi ăn rồi, thế là ông ấy ăn một cái, còn một cái trưa ăn tiếp rồi đi khắp nơi". Đã nhiều lần tôi thăm dò bầu Đức, lý do ông suốt ngày lang thang khắp các khu vườn, từ Gia Lai qua Lào, Campuchia? Bầu Đức bảo, phải thực sự làm nông nghiệp mới hiểu vì sao. Ông nghiện cái cảm giác lái xe giữa cánh đồng bất tận, ngắm cây cối xanh tốt, rất "feeling".

Với bầu Đức giờ đây, lái xe đi trong vườn cây xanh mướt là cảm giác "không gì feeling hơn". Ảnh: N.H

Với bầu Đức giờ đây, lái xe đi trong vườn cây xanh mướt là cảm giác "không gì feeling hơn". Ảnh: N.H

Nhưng trên cả cảm xúc, hơn thập kỷ lăn lộn với nông nghiệp, bầu Đức đã trở thành một người thực sự am hiểu về trồng trọt, chăn nuôi, về nông nghiệp. Quan trọng hơn, ông có tầm nhìn, tư duy và độ nhạy bén của một doanh nhân làm ăn lớn. Ông cũng nói thẳng, ông không thể làm nhỏ. "Nông nghiệp không có gì khó, tạo được thị trường ổn định thì "ok". Mà muốn tạo thị trường thì không chỉ chất lượng mà phải có số lượng. Chứ mình ít quá họ "đè" mình ngay. Ví dụ chuối, giờ anh có quyền 'đè' lại người ta" - bầu Đức nói.

Nhưng đã làm lớn thì chỉ xuất khẩu qua Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Vì thế, ông tìm hiểu thị trường này rất kỹ, từ chính sách, thói quen, văn hóa tiêu dùng... "Với hơn 1,4 tỉ dân, Trung Quốc luôn phải bảo đảm an ninh lương thực. Vừa rồi cũng vì lo an ninh lương thực, nước này cấm trồng cây ăn trái, khuyến khích trồng ngũ cốc, bắp, mì. Đó là lý do, giá chuối đã tăng 30% so với năm ngoái, từ 7,5 USD lên 10,5 USD. Nhìn rộng hơn, Trung Quốc đang nhập khẩu đậu nành lớn nhất từ Mỹ. Nghĩa là mình không xuất khẩu lương thực sang họ thì đã có Mỹ, có các nước châu Phi. Vì thế, mình chuyển qua trồng cây ăn trái bán cho Trung Quốc là hợp lý".

Còn trồng cây gì theo bầu Đức phải dựa vào hai yếu tố. Thứ nhất, đó là cây tạo giá trị cao nhất trên cùng một diện tích đất và thứ hai là thị trường chấp nhận. "Với tiêu chí đó, tôi chốt lại 2 cây, 1 con. Chuối, sầu riêng và heo. Chuối không bao giờ đủ cho Trung Quốc ăn. Sầu riêng cũng vậy, mới chỉ có 10% dân số Trung Quốc ăn sầu riêng thôi, còn 1,3 tỉ người nữa chưa ăn, đang chờ giá xuống để ăn. Còn heo thì Hoàng Anh Gia Lai có lợi thế rất lớn nhờ chuối thải nên giá thành khó ai có thể cạnh tranh. 1 con 2 cây này tương hỗ cho nhau. Chỉ cần lý do đó là mình chiến đấu thôi" - bầu Đức nói.

"Chiến đấu", là chính xác với bầu Đức hơn một thập kỷ qua. Chiến đấu để vượt qua nợ nần, chiến đấu để giữ lại thương hiệu HAGL chiến đấu vì muốn chứng minh, nông nghiệp cũng có thể mang lại sự giàu có cho doanh nghiệp, cho nông dân nếu thực sự tâm huyết, thật sự làm kinh tế nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

Chư Pưh: Điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư

(GLO)- Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, những năm qua, huyện Chư Pưh luôn là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, tại Hội nghị Liên kết, kêu gọi đầu tư và kết nối tiêu thụ sản phẩm huyện năm 2024 vừa được tổ chức, hàng loạt dự án trên các lĩnh vực được UBND huyện và các nhà đầu tư ký kết biên bản hợp tác.

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025. Ảnh: Ngọc Minh

Nhà máy Đường An Khê triển khai vụ ép mía 2024-2025

(GLO)- Sáng 27-11, Nhà máy Đường An Khê (tỉnh Gia Lai) triển khai công tác chuẩn bị vào vụ ép mía 2024-2025; phát động ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông đối với Nhà máy Đường An Khê, cá nhân kinh doanh vận tải niên vụ mía 2024-2025.

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.