Cơ hội để doanh nghiệp vươn ra biển lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau khi hợp nhất 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định thành tỉnh Gia Lai (mới), các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đặt kỳ vọng điều này sẽ mở ra cơ hội phát triển, giúp doanh nghiệp đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Dưới đây là ghi nhận của phóng viên ở một số doanh nghiệp về dấu mốc lịch sử này với nhiều tâm tư, kỳ vọng vào bộ máy chính quyền mới.

lay5.jpg
Tàu có trọng tải lớn vận chuyển hàng hóa từ Cảng Quy Nhơn đi các nước. Ảnh: Nguyễn Dũng

* Bà VÕ THỊ TUYẾT HÀ-Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh (Trường Sinh Group, phường Pleiku):

Kỳ vọng chính quyền kiến tạo, luôn đồng hành cùng doanh nghiệp

lay1-removebg-preview.png

Việc 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định hợp nhất thành tỉnh Gia Lai (mới) sẽ tạo thành một vùng kinh tế liên hoàn từ cao nguyên đến duyên hải, tạo thành chuỗi liên kết nguồn nguyên liệu-sản xuất-tiêu thụ-xuất khẩu, giúp doanh nghiệp phát triển toàn diện hơn, đặc biệt trong các ngành có tính tích hợp cao như: nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, chế biến thực phẩm, logistics và du lịch…

Ngoài ra, doanh nghiệp còn được hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng liên kết nhất là trong logistics, khi các tuyến quốc lộ, cảng biển và kho bãi được đầu tư đồng bộ hơn, giúp giảm chi phí vận chuyển, lưu kho và tăng tính cạnh tranh.

Cùng với đó, thị trường tiêu dùng được mở rộng, nguồn nhân lực phong phú hơn, mạng lưới phân phối có thể phát triển xuyên suốt từ vùng biển đến vùng cao, giúp DN bản địa vươn xa hơn.

Điều mà cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng nhất sau hợp nhất 2 tỉnh là một chính quyền kiến tạo, có tầm nhìn phát triển vùng và luôn đồng hành cùng doanh nghiệp. Đồng thời, cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, đẩy mạnh hiện đại hóa trong giải quyết thủ tục hành chính.

Các chính sách ưu đãi cần đảm bảo tính kế thừa và phát triển, tránh bỏ sót hoặc cắt giảm các chương trình hỗ trợ hiện hành đối với DN, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, chế biến và dược liệu-vốn là thế mạnh của tỉnh Gia Lai (cũ).

Cần phát triển hạ tầng một cách cân bằng, không chỉ tập trung vào vùng ven biển mà nên đầu tư hợp lý cho cả khu vực Tây Nguyên-nơi đang đóng vai trò là “vùng nguyên liệu chiến lược” và có tiềm năng tăng trưởng lớn nếu được khai thác đúng hướng.

* Ông TRẦN HỮU HOÀNG-Giám Đốc Công ty TNHH Headway Quy Nhơn (phường Quy Nhơn):

Tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành logistics

laylay4-removebg-preview.png

Tỉnh Gia Lai (cũ) có thế mạnh về nguồn nguyên liệu, dược liệu, các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu, trong khi Bình Định (cũ) với thế mạnh là cảng biển quốc tế Quy Nhơn, các nhà máy chế biến hàng xuất khẩu như: dăm gỗ, đá granite, hàng đồ gỗ ngoài trời…

Do vậy, việc hợp nhất 2 tỉnh không chỉ là mở rộng địa giới hành chính mà còn nâng tầm quy mô, mở rộng không gian thị trường, tích hợp thế mạnh của 2 tỉnh, tạo cho tỉnh Gia Lai (mới) phát triển vượt bậc, sánh vai với các tỉnh và khu vực trên cả nước.

Phép cộng của các lợi thế này sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp logistics nói riêng trong việc tích hợp và khai thác thế mạnh nguồn tài nguyên của 2 tỉnh, tạo ra thế mạnh về xuất nhập khẩu, đặc biệt là giảm đáng kể chi phí logistics, tạo hiệu quả về giá trị gia tăng cho doanh nghiệp.

Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài vì ngành dịch vụ logistics có vai trò rất quan trọng và là mắt xích trong chuỗi cung ứng cho tất cả các hoạt động của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trên cơ sở sử dụng lợi thế nguồn tài nguyên sẵn có, mong chính quyền tỉnh Gia Lai (mới) tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành dịch vụ logistics.

* Ông LƯU QUỐC THẠNH-Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quicornac (Khu công nghiệp Trà Đa, phường Pleiku):

Bảo đảm tính ổn định, giúp doanh nghiệp yên tâm mở rộng đầu tư

lay3-removebg-preview.png

Là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thu mua và chế biến chanh dây phục vụ xuất khẩu, Quicornac rất quan tâm đến việc hợp nhất 2 tỉnh. Tôi nhận thấy đây là cơ hội lớn để tạo ra một không gian phát triển mới, rộng lớn và đồng bộ hơn cho cả doanh nghiệp lẫn người dân.

Điều mà doanh nghiệp kỳ vọng lớn nhất là chính quyền mới cần đảm bảo tính ổn định, nhất quán trong cơ chế chính sách, đặc biệt là các thủ tục liên quan đến đầu tư sản xuất, thuế, hải quan và hỗ trợ nông dân.

Các thủ tục càng rõ ràng, minh bạch và thuận tiện sẽ giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động liên tục và yên tâm mở rộng đầu tư. Doanh nghiệp hy vọng chính quyền tỉnh mới sẽ có định hướng chiến lược rõ ràng cho ngành nông nghiệp, trong đó chanh dây là cây trồng chủ lực của hàng chục nghìn hộ nông dân tại khu vực Tây Nguyên.

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì vẫn còn đó không ít khó khăn, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp. Trong đó, sự khác biệt về quy trình hành chính, cơ chế ưu đãi đầu tư hoặc thuế có thể tạo độ “trễ” mà nếu không được đồng bộ hóa nhanh chóng sẽ khiến doanh nghiệp gặp khó khăn.

Mặt khác, nếu các nguồn lực phát triển, đầu tư công hoặc chính sách hỗ trợ bị dồn về phía trung tâm hành chính mới thì có thể làm gia tăng khoảng cách phát triển giữa các vùng nội tỉnh sau hợp nhất. doanh nghiệp mong muốn được đối thoại thường xuyên với chính quyền, để tháo gỡ khó khăn, phản hồi kịp thời các vướng mắc phát sinh trong quá trình chuyển đổi.

* Ông NGÔ QUỐC VŨ-Giám đốc Công ty CP Container Quy Nhơn (Viconship Quy Nhơn, phường Quy Nhơn):

Đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, logistics để mở rộng chuỗi cung ứng

lay2-removebg-preview.png

Tỉnh Gia Lai hiện nay có đủ cơ sở hạ tầng cũng như cảng biển quốc tế lớn, cảng hàng không; đồng thời có nguồn hàng hóa phong phú với số lượng lớn. Hy vọng chính quyền mới sẽ là cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển hướng xuất-nhập hàng hóa thông qua Cảng Quy Nhơn thay vì các cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, nhằm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế của tỉnh nhà.

Doanh nghiệp cũng mong muốn tỉnh đẩy nhanh tiến độ xây dựng và nâng cấp hệ thống giao thông nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí vận chuyển, góp phần giảm giá thành sản phẩm để nâng cao tính cạnh tranh cho mặt hàng chủ lực của tỉnh.

Đặc biệt, việc liên kết phát triển thương mại giữa các vùng kinh tế trọng điểm sẽ gián tiếp góp phần hoàn thiện hạ tầng cho phát triển kinh tế, thương mại; phân bổ lại nguồn lực, lực lượng sản xuất một cách phù hợp với thế mạnh của từng địa phương.

Doanh nghiệp cũng mong tỉnh tăng cường đối thoại, đồng hành cùng doanh nghiệp, đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông, logistics để mở rộng chuỗi cung ứng, liên kết vùng hiệu quả hơn.

Có thể bạn quan tâm

Doanh nghiệp kỳ vọng cuộc 'cách mạng hành chính'

Doanh nghiệp kỳ vọng cuộc 'cách mạng hành chính'

Chỉ còn 2 tuần nữa, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ chính thức vận hành trên cả nước. Một cuộc "cách mạng" tái cấu trúc toàn diện từ không gian địa lý đến bộ máy, con người... đang thổi một làn gió mới đầy hào hứng tới cộng đồng doanh nghiệp.

Lãnh đạo Công ty TNHH Phát triển Khoa học Quốc tế Trường Sinh giới thiệu mô hình trồng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu bằng công nghệ cao. Ảnh: Đoàn Bình

Trồng sâm công nghệ cao trên cao nguyên Sìn Hồ

(GLO)- Hơn 3 năm triển khai dự án trồng sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu sử dụng hệ thống nhà màng, nhà lưới hiện đại tại huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đã thu được nhiều kết quả hết sức khả quan. Đây là tín hiệu mở ra triển vọng về phát triển nguồn dược liệu quý trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

null