Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hiệu quả của nông nghiệp xanh

Thời gian qua, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh (xã Glar, huyện Đak Đoa) đã triển khai mô hình canh tác cà phê bền vững đạt tiêu chuẩn 4C, UTZ và mô hình sản xuất lúa nước, chanh dây theo hướng hữu cơ. Nhờ đó, các thành viên HTX và người dân trong vùng giảm được chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích. Anh Xuân (làng Groi Wêt, xã Glar) cho hay: Gia đình anh có 1,5 ha cà phê. Trước đây, anh thường sử dụng thuốc diệt cỏ để giảm công lao động. Bên cạnh đó, anh sử dụng phân hóa học nên đất ngày càng cằn cỗi, cà phê phát triển kém, năng suất chỉ đạt khoảng 3 tấn nhân/ha. Ngoài ra, giá phân hóa học tăng cao nên lợi nhuận không còn được mấy. “Từ năm 2020, được HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh hướng dẫn canh tác cà phê và lúa theo hướng hữu cơ, tôi không dùng thuốc diệt cỏ nữa mà để cỏ mọc hợp lý nhằm giữ độ ẩm cho đất và sử dụng trấu cà phê ủ làm phân bón, dùng chế phẩm sinh học EMI. Nhờ đó, chi phí đầu tư giảm khoảng 30% nhưng vườn cà phê vẫn xanh tốt, cho năng suất 4-5 tấn nhân/ha, lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha”-anh Xuân vui vẻ nói.

Người dân thôn Phú Quang (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ. Ảnh: Huyền Tỷ

Người dân thôn Phú Quang (xã Ia Hrú, huyện Chư Pưh) sản xuất cà phê sạch theo hướng hữu cơ. Ảnh: Huyền Tỷ

Ông Lê Hữu Anh-Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ Lam Anh-cho hay: Trước đây, người nông dân thường có thói quen sử dụng nhiều phân hóa học, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật khiến đất đai ngày càng thoái hóa, ô nhiễm môi trường. Để thay đổi thói quen đó, HTX liên kết với người dân canh tác theo quy trình EMI Nhật Bản. Mục tiêu là giúp bà con nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Glar từng bước chuyển sang sản xuất nông nghiệp không hóa chất để cây trồng phát triển bền vững. Nếu phạm vi một hộ áp dụng nông nghiệp tuần hoàn sẽ khó nhưng nếu áp dụng quy mô HTX cùng làm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại giá trị không chỉ cho HTX mà còn giúp bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng xã hội.

Cũng canh tác nông nghiệp sạch theo hướng hữu cơ, gia đình ông Nguyễn Văn Thiện (thôn 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh) đã giảm được chi phí đầu tư, trong khi năng suất cây ăn quả xen canh trong vườn cà phê luôn ổn định. Ông Thiện cho hay: Nhà ông có 200 cây mít Thái, 400 cây sầu riêng, hơn 1.500 cây cà phê trồng xen với nhau trên diện tích 2 ha. Nhiều năm qua, ông sử dụng phân hữu cơ, chế phẩm sinh học IMO. Theo đó, ông đã tận dụng những thứ sẵn có như: sữa chua, các chất men tiêu hóa của con người cùng hỗn hợp rau, củ, chuối, đu đủ... sau đó bỏ vào thùng phuy trộn thêm với men rượu, cám gạo, rỉ mật và nước sạch rồi ủ trong 7 ngày để cho ra chế phẩm sinh học IMO. “Nếu sử dụng phân hóa học, người dân phải bỏ ra ít nhất 50 triệu đồng/ha. Còn sử dụng phân bón hữu cơ, chỉ đầu tư hơn 12 triệu đồng/ha trong 1 năm. Đặc biệt, sử dụng phân bón hữu cơ làm giàu dinh dưỡng cho đất, ít tốn chi phí đầu tư nhưng cây trồng vẫn phát triển tốt, cho năng suất cao hơn 10-20% so với sản xuất thông thường. Thấy tôi làm hiệu quả, nhiều người dân ở đây cũng bắt đầu sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn cho cà phê, cây ăn quả”-ông Thiện chia sẻ.

Xu hướng tất yếu

Toàn tỉnh hiện có khoảng 233.522 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO; có 94 mã số vùng trồng với tổng diện tích 6.346 ha, gồm: 22 mã số chuối, 19 mã số chanh dây, 20 mã số ớt, 9 mã số dưa hấu, 8 mã số thanh long, 6 mã số xoài, 10 mã số mít; 22 mã số cơ sở đóng gói với tổng công suất 665-795 tấn quả tươi/ngày; có 10 nhãn hiệu, thương hiệu được chứng nhận gồm: Rau An Khê, Gạo Phú Thiện, Rau Đak Pơ, Gạo Ia Lâu-Chư Prông, Bò Krông Pa-Gia Lai, Chôm chôm Ia Grai-Gia Lai, Chanh dây Gia Lai, chỉ dẫn địa lý Gạo Ba Chăm-Mang Yang, Hồ tiêu Chư Sê, Cà phê Gia Lai. Ngoài ra, việc nước ta ký 5 nghị định thư xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm gồm chanh dây, sầu riêng, măng cụt, tổ yến sào và chuối sẽ giúp nhà vườn, doanh nghiệp nắm bắt các tiêu chuẩn, quy định một cách rõ ràng, minh bạch, mở ra con đường xuất khẩu chính ngạch đối với các sản phẩm này.

Nông dân huyện Chư Păh trồng rau xanh theo phương pháp thủy canh, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: G.H

Nông dân huyện Chư Păh trồng rau xanh theo phương pháp thủy canh, ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: G.H

Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho hay: Để sản xuất nông nghiệp bền vững, huyện đã triển khai các dự án liên kết chuỗi giá trị như: liên kết hồ tiêu sạch, bền vững tại xã Nam Yang, Hải Yang; liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, UTZ; phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm cây có múi theo hướng hữu cơ tại xã Kon Gang; phát triển sản xuất tiêu thụ sản phẩm rau củ quả an toàn tại xã Tân Bình... “Hiện nay, thực phẩm sạch là vấn đề cấp thiết đối với người dân. Vì vậy, cần có cơ chế quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, buôn bán vật tư nông nghiệp trên địa bàn; khuyến cáo người dân, doanh nghiệp không sử dụng những chất cấm trong sản xuất để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường xung quanh”-ông Nguyễn Kim Anh nêu giải pháp.

Còn theo ông Nguyễn Công Sơn-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Păh: Người dân, HTX và doanh nghiệp đang thay đổi tư duy sản xuất theo hướng hàng hóa, áp dụng quy trình sản xuất khép kín, hữu cơ, an toàn sinh học nhằm bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Huyện cũng đã xây dựng đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản, hình thành các liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, hướng đến xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, góp phần tạo sinh kế và tăng thu nhập cho người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương.

Trao đổi với P.V, ông Trần Xuân Khải-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật-cho biết: Thời gian qua, bà con nông dân trong tỉnh đã sử dụng phân hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học để tránh tồn dư chất bảo vệ thực vật trong sản phẩm. Đồng thời, các địa phương đã xây dựng nhiều vùng chuyên canh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm thông qua hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; ứng dụng khoa học công nghệ, thực hành sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt, đa dạng sinh học, nông nghiệp hữu cơ và tương đương, đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh nông sản; bảo vệ môi trường sinh thái; nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn. Đẩy mạnh phát triển nền nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, đa dạng sinh học gắn với phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thích ứng với biến đổi khí hậu và kết nối bền vững với chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn, yêu cầu thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu đi các thị trường khó tính, có thị phần tiêu thụ lớn như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc”-ông Khải thông tin thêm.

GIA HƯNG

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.