Chư Pưh phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) đang đẩy mạnh phát triển cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường và nâng cao hiệu quả kinh tế.

Huyện Chư Pưh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp để phát triển sản xuất các loại cây ăn quả. Hiện nay, trên địa bàn huyện có 407 ha sầu riêng, 302 ha bơ, 125 ha nhãn và 1.073 ha cây ăn quả khác. Đầu năm 2022, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với UBND xã Ia Rong, Ia Hla, thị trấn Nhơn Hòa, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh triển khai mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên cây sầu riêng, bơ, nhãn. Tham gia mô hình, 24 hộ trồng sầu riêng tại xã Ia Rong thành lập 1 tổ hợp tác với diện tích 21 ha; 69 hộ trồng nhãn tại xã Ia Hla thành lập 4 tổ hợp tác với diện tích 24,1 ha; 11 hộ trồng bơ tại thị trấn Nhơn Hòa thành lập 1 tổ hợp tác với diện tích 15,6 ha. Các hộ tham gia mô hình được tập huấn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phân tích và kiểm nghiệm mẫu đất, nước và sản phẩm trên cây ăn quả; hỗ trợ đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP. Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 256,1 triệu đồng từ nguồn ngân sách huyện hỗ trợ.

 Ông Hồ Sỹ Quang (bìa trái) và ông Hồ Sỹ Chương trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây sầu riêng. Ảnh: Lê Nam
Ông Hồ Sỹ Quang (bìa trái) và ông Hồ Sỹ Chương trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây sầu riêng. Ảnh: Lê Nam


Ông Hồ Sỹ Chương (làng Ia Sâm, xã Ia Rong) cho hay: Năm 2017, khi vườn hồ tiêu già cỗi, ông chuyển đổi sang trồng sầu riêng với diện tích hơn 1,6 ha. Năm 2022, vườn sầu riêng bắt đầu cho thu hoạch được hơn 7 tấn. “Khi được huyện hỗ trợ tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi rất phấn khởi. Sau gần 1 năm triển khai, vườn cây phát triển xanh tốt, không bị sâu bệnh gây hại. Dự kiến năm nay, gia đình thu được khoảng 20 tấn sầu riêng”-ông Chương chia sẻ.

Theo ông Hồ Sỹ Quang-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Ia Sâm: Các thành viên trong tổ hợp tác thường xuyên sinh hoạt để trao đổi kinh nghiệm với nhau theo phương châm “Người biết nhiều chỉ cho người biết ít” để cùng phát triển và xây dựng thương hiệu sầu riêng. Các tổ viên đã nhận thức rõ việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, giảm ô nhiễm môi trường, từng bước lập lại cân bằng hệ sinh thái đồng ruộng.

Tương tự, ông Nguyễn Thái Hiên-Tổ trưởng tổ hợp tác trồng bơ thị trấn Nhơn Hòa-cho biết: Sau khi cây hồ tiêu chết, nhiều hộ dân trên địa bàn đã chuyển đổi sang trồng cây ăn quả, trong đó có cây bơ. Tuy nhiên, do người dân sản xuất theo hướng tự phát nên năng suất, chất lượng chưa đảm bảo, việc tiêu thụ sản phẩm cũng bấp bênh. Khi tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, người dân đã dần thay đổi phương thức canh tác, sử dụng phân bón hữu cơ, bón phân theo đúng từng giai đoạn phát triển của cây, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình. “Hy vọng sau khi được chứng nhận VietGAP, tiến tới làm các thủ tục để cấp mã số vùng trồng, giá trị sản phẩm bơ sẽ được nâng lên, hướng đến xuất khẩu, giúp người dân có thu nhập cao hơn”-ông Hiên kỳ vọng.

Theo ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Thời gian gần đây, người dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, phương thức canh tác còn hạn chế, không có sổ sách theo dõi hoạt động sản xuất, hàng hóa chưa có nhãn mác, sản phẩm sau khi thu hoạch bán tự do cho thương lái nên giá cả bấp bênh; khu vực đất canh tác, nguồn nước tưới chưa được đánh giá về mức độ ô nhiễm và hàm lượng độc tố; sản phẩm sau thu hoạch chưa có đánh giá về chất lượng, chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm… Do đó, việc triển khai quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP là rất cần thiết. Sản xuất nông nghiệp an toàn đang là hướng phát triển bền vững, nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Đến nay, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ đã cấp giấy chứng nhận VietGAP và con dấu cho các nhóm nông hộ trồng sầu riêng, bơ, nhãn. Đây là cơ sở pháp lý để các tổ hợp tác duy trì, mở rộng sản xuất và liên hệ tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.

“Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích nông dân tham gia xây dựng các nhóm nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã để mở rộng diện tích sản xuất theo hướng VietGAP trên cây ăn quả và các loại cây trồng khác. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật quy trình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn với xây dựng mã vùng, truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị sản phẩm”-ông Khánh thông tin thêm.

 

LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm

“Làng yến” trên cao nguyên

“Làng yến” trên cao nguyên

(GLO)- Năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Phố Yến (thôn Thắng Lợi 3, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) bắt đầu triển khai xây dựng mô hình “làng yến” với nhiều nhà nuôi yến được quy hoạch bài bản, khoa học. Mô hình mới này bước đầu đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhờ ứng dụng công nghệ trong chế biến, sản phẩm yến sào của Công ty TNHH một thành viên Sản xuất-thương mại-xuất nhập khẩu yến sào Win Nest Alpha được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: V.C

Yến sào Đông Nam tỉnh Gia Lai khẳng định vị thế

(GLO)- Khu vực Đông Nam tỉnh Gia Lai có số lượng nhà nuôi yến lớn với chất lượng tổ yến rất tốt. Khai thác lợi thế này, cùng với quy hoạch vùng nuôi, nhiều cơ sở sản xuất yến sào đã chủ động đăng ký thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm nhằm khẳng định vị thế trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Thuận (thôn 2, xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh) chặt bỏ gần 40 cây cà phê để hiến đất mở rộng mặt đường. Ảnh: N.D

Đòn bẩy phát triển vùng nguyên liệu cà phê bền vững

(GLO)- Sau 2 năm triển khai hợp phần 5 của Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông-lâm-thủy sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025, nhiều tuyến đường nội đồng ra vùng nguyên liệu sản xuất cà phê được đầu tư xây dựng.