Sức bật của ngôi trường vùng khó

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Đứng chân trên địa bàn khó khăn nhưng Trường THPT Anh Hùng Núp đã phấn đấu trở thành một trong những điểm sáng về giáo dục mũi nhọn ở khối THPT.

15 năm qua, từ ngôi trường này, ước mơ của nhiều thế hệ học trò các xã phía Nam huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) đã được thắp sáng và nâng cánh để bay thật cao, thật xa.

1.Băng qua những cung đường quanh co và gồ ghề, tôi tìm đến xã Kông Lơng Khơng-nơi có ngôi trường mang tên vị anh hùng của dân tộc Bahnar Đinh Núp. Ngôi trường lọt thỏm giữa khoảng không gian xanh mát của cây cối và những rẫy mì, mía của người dân địa phương. Điểm xuyết vào bức tranh yên bình ấy là thảm hoa cánh bướm rực sắc được trồng dọc theo bức tường rào phía trước.

Thầy Lương Thế Hùng-Phó Hiệu trưởng nhà trường vui mừng đón tôi. Dẫn tôi tham quan một vòng quanh trường, thầy Hùng nhắc nhớ: Trường THPT Anh Hùng Núp được thành lập vào ngày 2-6-2008 trong niềm vui mừng khôn xiết của đông đảo người dân và học sinh các xã phía Nam huyện Kbang gồm: Đak Hlơ, Kông Pla, Kông Lơng Khơng, Tơ Tung. Bấy giờ, toàn trường chỉ có 9 lớp với hơn 350 học sinh; tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên khoảng 23 người. Nằm ở địa bàn vùng khó, điều kiện giáo dục còn nhiều thiếu thốn, song thầy và trò chưa bao giờ nản chí mà càng thêm quyết tâm dạy tốt-học tốt để có thể vươn khỏi “ao làng”.

Thầy Lương Thế Hùng-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Anh Hùng Núp bên bảng vàng thành tích của học sinh. Ảnh: H.T

Thầy Lương Thế Hùng-Phó Hiệu trưởng Trường THPT Anh Hùng Núp bên bảng vàng thành tích của học sinh. Ảnh: H.T

“Ngay từ khi mới thành lập, bên cạnh duy trì chất lượng giáo dục đại trà, trường đã chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn thông qua việc tuyển chọn, bồi dưỡng đội tuyển để tham gia các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp. Không chỉ để khẳng định uy tín, thương hiệu của nhà trường mà đây còn là đòn bẩy giúp những học sinh vùng khó có điều kiện phát triển năng lực của bản thân và hiện thực hóa ước mơ của mình”-thầy Hùng khẳng định.

Dừng lại trước bảng vàng thành tích của học sinh, thầy Hùng thông tin: Đây là bảng ghi danh những học sinh đã từng đạt giải tại cuộc thi học sinh giỏi các cấp, cũng là nơi lưu dấu thành tích đáng tự hào của thầy và trò nhà trường. 15 năm qua, trường có hơn 90 giải học sinh giỏi cấp tỉnh các bộ môn văn hóa với đủ nhất, nhì, ba, khuyến khích. Trong đó, có 3 học sinh đạt giải quốc gia cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn dành cho học sinh THPT; 1 học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi cấp quốc gia.

Mặc dù số lượng học sinh dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh của trường chỉ dao động từ 12 đến 15 em/năm học nhưng số giải mang về trung bình mỗi năm đều đạt 9-10 giải. Đáng chú ý, 4 năm học gần đây, trường liên tiếp có học sinh đạt giải nhất cấp tỉnh.

Để có được kết quả đáng tự hào trên, Trường THPT Anh Hùng Núp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Vì nằm trên địa bàn vùng khó, chất lượng học sinh đầu vào tương đối thấp nên việc tạo nguồn bồi dưỡng học sinh giỏi luôn được nhà trường chú trọng. Theo đó, để chủ động nguồn, nhà trường phối hợp với các trường THCS trên địa bàn nắm bắt chất lượng học sinh lớp 9; khoanh vùng những em có năng khiếu, tố chất và đam mê ở từng môn học để bồi dưỡng đội tuyển khi các em vào học tại trường. Ngoài ra, thông qua kỳ kiểm tra chất lượng đầu năm lớp 10, cộng với quá trình học tập trên lớp, giáo viên bộ môn sẽ chọn ra những em có năng lực để tham mưu Ban Giám hiệu xây dựng đội tuyển học sinh giỏi tương ứng với từng bộ môn.

Kế hoạch, thời khóa biểu, kho tài liệu được nhà trường xây dựng cụ thể và khoa học nhằm phục vụ hiệu quả cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. “Chúng tôi chia quá trình bồi dưỡng thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 dành cho học sinh ôn tập để thi học sinh giỏi cấp trường vào cuối tháng 10 hàng năm. Giai đoạn 2 là bồi dưỡng cho những em có thành tích xuất sắc tại kỳ thi cấp trường để chuẩn bị tranh tài ở cấp tỉnh. Các môn thế mạnh của trường nhiều năm qua vẫn là Ngữ văn, Toán, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Tin học”-thầy Hùng cho hay.

2.Từ bước đệm vững chắc được tạo dựng ở ngôi trường THPT Anh Hùng Núp, nhiều thế hệ học sinh thuộc các xã phía Nam huyện Kbang đã lần lượt “vượt vũ môn” bay cao chinh phục ước mơ. Trò chuyện cùng tôi về hành trình “ươm mầm” cho những học sinh tài năng nơi vùng khó, cô Trần Thị Kim Phương chia sẻ: Kể từ khi chuyển công tác về trường vào tháng 8-2015, tôi đã được Ban Giám hiệu tin tưởng, giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý. Mỗi năm, tôi đều cố gắng phát huy sở trường của bản thân và chú trọng đổi mới phương pháp bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng học sinh. Song song với đó, việc tham gia các hội, nhóm giáo viên dạy môn Địa lý trên cả nước hay hội thảo trực tuyến về phương pháp bồi dưỡng học sinh giỏi cũng giúp tôi tích lũy nhiều kinh nghiệm, chắt lọc những cách dạy hay và hiệu quả. Rất mừng là các em học sinh dù còn khó khăn, thiếu thốn về điều kiện học tập nhưng lại rất chăm chỉ và có tinh thần tự học rất cao. 8 năm qua, cô-trò đã cùng nhau gặt hái được những thành công đáng khích lệ. Hầu như năm nào, môn Địa lý cũng có giải học sinh giỏi cấp tỉnh ở bảng B, có năm còn đạt giải ở bảng A.

Cô Trần Thị Kim Phương hướng dẫn các em trong đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý. Ảnh: H.T

Cô Trần Thị Kim Phương hướng dẫn các em trong đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý. Ảnh: H.T

Giới thiệu với tôi về cậu học trò Lê Minh Quân (lớp 12A), cô Phương tự hào nói: Quân là thành viên của đội tuyển học sinh giỏi môn Địa lý. Năm ngoái, em xuất sắc đạt giải nhì học sinh giỏi THPT cấp tỉnh bảng B. Năm nay, em tiếp tục góp mặt ở kỳ thi cấp tỉnh và giành giải khuyến khích ở bảng A, giải ba ở bảng B.

“Nhà em ở xã Kông Pla, cách trường khoảng 8 km. Dù điều kiện học tập còn nhiều khó khăn nhưng em luôn cố gắng vươn lên từng ngày. Nhờ cô Phương và các bạn động viên, em đã từng bước chinh phục được môn Địa lý. Với em, khó khăn, thiếu thốn không phải là trở ngại mà là động lực để em phấn đấu theo đuổi đam mê”-Quân bày tỏ.

Trường THPT Anh Hùng Núp cũng từng là nơi “nuôi lớn” ước mơ của Trung úy Trần Thị Mỹ Trinh, hiện công tác tại Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an huyện Kbang). Chị Trinh là cựu học sinh niên khóa 2011-2014. Trong 3 năm học tại trường, nhờ sự định hướng, dìu dắt của các thầy-cô giáo, đặc biệt là thầy Hoàng Hồng Quân, chị đã có những thành công nhất định ở bộ môn Lịch sử; trong đó có giải ba học sinh giỏi cấp tỉnh bảng B năm lớp 11 và giải khuyến khích bảng A, giải nhất bảng B năm lớp 12 ở cùng kỳ thi.

Quang cảnh Trường THPT Anh Hùng Núp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Mộc Trà

Quang cảnh Trường THPT Anh Hùng Núp (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang). Ảnh: Mộc Trà

“Lịch sử giúp tôi bồi đắp tình yêu Tổ quốc khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cũng vì lẽ đó mà tôi đã chọn Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 2 để theo học. Ngoài ra, dưới sự dìu dắt của các thầy cô Trường THPT Anh Hùng Núp, 2 em gái của tôi cũng đạt giải nhất và nhì môn Lịch sử cấp tỉnh. Em kề tôi tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân và cũng công tác tại Công an huyện Kbang; còn cô em út đang là sinh viên năm thứ 2 Trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng”-chị Trinh cho hay.

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Bá Công: Định hướng xây dựng mục tiêu giáo dục mũi nhọn, nhất là đối với các môn khoa học xã hội của Trường THPT Anh Hùng Núp ngay từ những năm đầu thành lập là khá phù hợp. Bởi lẽ, đây vừa là thế mạnh của đội ngũ giáo viên của trường vừa đáp ứng đúng sở trường, năng lực của học sinh. Trong 4 năm học trở lại đây, chất lượng giáo dục mũi nhọn của trường đã có bước tiến vượt bậc, tỷ lệ học sinh dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh và đạt giải chiếm 66,1%. Vượt qua những khó khăn ban đầu, giờ đây, Trường THPT Anh Hùng Núp đã tạo dựng được niềm tin đối với học sinh, phụ huynh; đồng thời, có nhiều đóng góp vào thành tích chung của ngành Giáo dục tỉnh nhà.

Ngoài thành tích ở lĩnh vực học sinh giỏi, Trường THPT Anh Hùng Núp cũng ghi dấu ấn tại một số sân chơi tri thức khác. Đáng chú ý, nhà trường từng có 1 dự án đạt giải nhất Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học được chọn để xét dự thi cấp quốc gia; 3 giải tin học trẻ không chuyên cấp tỉnh, trong đó có 1 giải nhất được chọn dự thi cấp quốc gia. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT nhiều năm đạt 100%; số học sinh đậu đại học, cao đẳng ngày một tăng.

Có thể bạn quan tâm

Chỗ trọ 0 đồng nâng bước học sinh nghèo

Chỗ trọ 0 đồng nâng bước học sinh nghèo

(GLO)- Để giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa trường có chỗ ở miễn phí, Đoàn Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Pah) đã triển khai thực hiện dự án "Chỗ trọ 0 đồng" nhằm giúp học sinh nghèo của trường có nơi ở và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Đồng thuận khi sáp nhập trường

Đồng thuận khi sáp nhập trường

Vụ việc phụ huynh phản đối sáp nhập trường xảy ra những ngày qua ở TT.Triệu Sơn (H.Triệu Sơn, Thanh Hóa) cho thấy còn nhiều điều phải rút kinh nghiệm khi sắp tới còn nhiều nơi sáp nhập trường do sáp nhập đơn vị hành chính.
Tiếp cận kiến thức từ lớp tin học miễn phí

Tiếp cận kiến thức từ lớp tin học miễn phí

(GLO)- Lớp tin học văn phòng miễn phí do Trung tâm học tập cộng đồng phường Chi Lăng (TP. Pleiku) phối hợp với Trường THPT Chi Lăng triển khai đã giúp cho các học viên có thêm kỹ năng về tin học để tiếp cận các tiện ích từ môi trường mạng nhằm phục vụ cho cuộc sống.
Tháo “ngòi nổ” bạo lực học đường

Tháo “ngòi nổ” bạo lực học đường

(GLO)- Đến nay, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ việc nữ sinh lớp 11 tên là P.N.N.H. (Trường THPT Nguyễn Trãi, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) bị nữ sinh lớp 12 là T.T.M.T. (Trường THCS và THPT Y Đôn, huyện Đak Pơ) đâm tử vong vào tối 6-3.