Trước cơn lũ lớn xảy ra, một tổ công tác phối hợp gồm kiểm lâm và biên phòng đã mắc kẹt giữa rừng sâu khi nước lũ thượng nguồn dâng cao. Mưa, lũ, đói rét nhưng bằng nghị lực phi thường, họ đã sống sót trở về.
Sáng 27-10 nhận lệnh Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn Sao La (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế), 8 kiểm lâm viên gồm: Hà Quốc Hưng, Trần Mạnh Thành, Nguyễn Văn Hậu, Nguyễn Xuân Luật, Hồ Đình Hoài, Hồ Văn Bông, Phạm Anh Dũng, Lê Văn Hiền và 2 sĩ quan biên phòng: trung úy Lê Hồng Bao, trung úy Lê Đức Tuấn, do anh Hà Quốc Hưng, Trạm Trưởng Kiểm lâm Tu Re làm trưởng nhóm đã lên đường vào rừng sâu thực hiện nhiệm vụ tuần tra rừng, truy quét lâm tặc.
Ăn cháo rau cầm hơi tồn tại giữa rừng. |
Chuyến tuần tra hãi hùng
Nhóm xuất phát từ Trạm kiểm lâm Tu Re, nằm trên tuyến đường 74 (nối giữa hai huyện miền núi Nam Đông - A Lưới) bằng thuyền máy ngược thác lên thượng nguồn sông Hương, nơi có tin báo xuất hiện nhóm khai thác gỗ trái phép.
Trưởng nhóm Hà Quốc Hưng nhớ lại: “Hành trình tuần tra rừng của tổ công tác đã vượt hơn 15 cây số đường rừng hiểm trở để đến khu vực A Cà, nơi có hoạt động khai thác gỗ trái phép. Đến chiều tối ngày 28.10, nhóm phát hiện 4 người Quảng Bình với tang vật gần 4 mét khối gỗ và cưa máy. Sau khi nhóm công tác lập biên bản vi phạm và làm thủ tục bắt giữ người và tang vật, mưa rừng bắt đầu nặng hạt. Cả nhóm nhận lệnh nhóm trưởng buộc thuyền, gỗ lên chỗ cao và dựng lán ở sườn đồi qua đêm. Để tránh nguy hiểm, nhóm đã thay phiên cứ hai người trực một tiếng để canh nước, nhưng chẳng ai ngủ được, tất cả đều lo sợ lũ quét xuất hiện bất cứ lúc nào. Khi trời đủ sáng, đã thấy nước sát chân, và lại di chuyển tiếp lên gần đỉnh đồi.
Nỗ lực trực vớt thuyền bị nước lũ nhấn chìm. |
Sau đó, liên tục các đêm 29, 30, 31.10 và 1-11 trời mưa như trút nước, gió giật liên hồi, khu vực truy quét nằm giữa vùng hợp thủy của 3 dãy núi chính nên nước dâng mỗi lúc mỗi cao, âm thanh nước hung hãn cộng với tiếng gió rít càng làm cho mọi người khiếp đảm.
Lương thực tổ công tác mang theo chỉ đủ ăn cho 4 ngày do trước đó không ai nghĩ sẽ bị tắc đường, đã vậy còn phải “gánh” thêm 4 khẩu phần ăn (là những người phá rừng) nên lương thực bắt đầu cạn dần. Nhóm đã quyết định, mỗi ngày chỉ ăn một bữa cháo nấu với môn thục (tên gọi khác là thiên niên kiện), lá giang với chuối rừng.
Lúc này, anh Hưng, anh Thành và hai sĩ quan biên phòng liên tục động viên anh em, không phân biệt là cán bộ hay người vi phạm, sống cùng sống, chết cùng chết. Muốn vậy, tất cả phải tuân lệnh nhóm trưởng. Anh Hưng liên tục gào thét vì ngồi cách nhau vài mét nhưng không thể nghe được tiếng nhau vì bị tiếng gió, tiếng thác nước ầm ào át đi. 14 con người lúc này chỉ còn biết nương tựa vào nhau, không phân biệt cán bộ kiểm lâm hay “lâm tặc” gì nữa.
Kiểm lâm, người vi phạm buộc dây vào nhau để cùng sống cùng chết
Tất cả đều cắn răng chịu đựng cái đói và lạnh giữa chốn rừng sâu, nước độc nhưng nỗi lo sợ lớn hơn là khó có thể thoát khỏi cơn lũ rừng hung dữ lần này. Trong tình cảnh nhiều lúc tưởng như tuyệt vọng, anh Hưng cùng anh Thành và anh Bao là những người rất kinh nghiệm đối phó với lũ rừng đã nghĩ đến việc dùng dây thừng buộc vào nhau để nếu bị nước cuốn trôi, mọi người cũng dễ dàng tìm thấy xác.
Bữa cơm nơi lán trại tạm giũa rừng sâu. |
Cầm cự đến rạng sáng 2-11, mưa có vẻ ít hơn, sau khi hội ý, cả nhóm quyết định bỏ lại gỗ, dùng thuyền để xuôi nước trở về. 14 con người chia thành hai nhóm, để có gì còn hỗ trợ nhau. Một nhóm lên thuyền xuôi dòng, nhóm còn lại men theo bờ suối, cứ như thế thay phiên nhau.
Xuôi dòng được nửa ngày thì trời lại đổ mưa lớn, nước nguồn đổ về trắng xóa, thuyền máy bị đánh vỡ, một số tư trang bị nước cuốn trôi. Cũng may, vật bất ly thân và có giá trị nhất trong thời điểm lúc đó là chiếc máy định vị GPS vẫn còn và cả nhóm tiếp tục băng rừng với hy vọng kịp về đến Tù Re trong đêm hoặc rạng sáng mai.
Rất may, mới đi được vài tiếng đồng hồ, cả nhóm gặp anh Lê Thanh Hướng, Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Khu bảo tồn Sao La Thừa Thiên- Huế, cùng với 4 người dân địa phương mang đồ tiếp tế ngược lên. Mọi người ôm nhau mừng rỡ.
Lúc này, mặc dù chưa về đến nơi an toàn nhưng có thêm đồng đội, nhất là có đủ lương thực thực phẩm và cả thuyền máy nên ai cũng an tâm hơn. Hướng quyết định cả nhóm đóng lán ngủ lại khu vực cách A Cà về phía hạ lưu chừng 3 cây số, nghĩa là còn cách Tù Re đến hơn 12 cây số. Đêm hôm ấy, cả nhóm có một bữa cơm ngon lành nhất sau gần 4 ngày chỉ ăn cháo với rau rừng.
Xúc động gặp lại đồng đội khi đã trở về an toàn. |
Sáng 3-11 trời vẫn mưa, nhưng nhẹ hơn và nước ít hung hãn hơn, anh Hướng quyết định cho anh em nghỉ dưỡng sức đến xế trưa, cả nhóm lại ngược lên A Cà đưa gỗ về. Tuy nhiên, khi đến nơi mưa lại bắt đầu xối xả và nước lại hung hãn, gió từng cơn rít mạnh như thử thách ý chí của nhóm giữ rừng. Lúc này đã gần 4 giờ chiều nhưng Hướng huy động cả nhóm buộc gỗ thành bè cột chặt vào với thuyền. Hướng cùng với 4 người dân địa phương ở lại qua đêm, chịu trách nhiệm sáng sớm hôm sau đi bè gỗ và thuyền về, số còn lại do Hưng làm nhóm trưởng băng rừng trong đêm trở về bằng đường bộ dọc theo các dãy núi.
Bằng định vị GPS, họ mải miết đi trong đêm, mệt thì dựa gốc cây ngủ qua giấc, đói thì nhai cơm nắm, mì gói, bánh chưng đã được nhóm tiếp tế chuẩn bị sẵn trước đó. Đến xế chiều ngày 4-11, khi cách Tu Re chừng hơn 2 km, máy định vị GPS hết pin, cả nhóm mò mẫm định hướng theo cảm giác và kinh nghiệm. Cuối cùng, họ đã cán đích Trạm Tu Re lúc 8 giờ 30 phút tối 4.11 trong vòng tay ấm áp của đồng đội đang nóng ruột mong ngóng từng ngày từng giờ. Riêng nhóm Hướng và 4 người dân địa phương họ cũng về đến Tu Re sau đó hơn một ngày nhưng số gỗ tang vật cũng bị nước cuốn trôi mất.
Một hành trình 10 ngày truy quét rừng trong mưa lũ đói rét giữa thượng nguồn sông Hương kết thúc nhưng công cuộc giữ rừng gian nan của họ vẫn còn dài ở phía trước. Khi tôi kết thúc bài viết này, quanh những đỉnh núi xa xăm phía thượng nguồn, trời vẫn mịt mù mưa...
Thủy Phương/thanhnien